Xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi: Cần thêm nhiều quy định cụ thể, rõ ràng, khả thi
Theo Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, sau 12 năm triển khai và thi hành Luật Điện ảnh, đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều quy định chưa phù hợp với điều kiện thực tế, khó thực thi. Các quy định của Luật Điện ảnh chưa thể hiện đầy đủ tính chất đặc thù của hoạt động điện ảnh.
Cụ thể, quy định về đấu thầu sản xuất phim có sử dụng ngân sách Nhà nước tại Điều 24 Luật Điện ảnh không khả thi vì chủ đầu tư không có đủ cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn cơ sở sản xuất thực hiện dự án sản xuất phim. Luật Điện ảnh chưa theo kịp những tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, phát hành và phổ biến phim.
Trong khi thế giới, công nghiệp điện ảnh đã chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ số hóa thì một số quy định của Luật Điện ảnh vẫn đang điều chỉnh việc sản xuất, phát hành và phổ biến phim theo công nghệ 35mm hoặc video (Betacam hoặc VHS), dẫn đến tình trạng không phân biệt rõ sản phẩm nghe nhìn nào được xem là một tác phẩm điện ảnh hoặc không phải là tác phẩm điện ảnh, chưa phân định rõ trách nhiệm quản lý việc phát hành và phổ biến phim trong môi trường số hóa, trên internet, phổ biến phim online và các phương tiện truyền thông khác.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, một số chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh quy định tại Điều 5 Luật Điện ảnh chưa có tính khả thi cao, chưa được thực thi nghiêm túc: Chính sách ưu đãi về thuế đối với các hoạt động điện ảnh, chính sách đặc thù đối với các Đội chiếu phim lưu động; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ và quản lý hoạt động điện ảnh (quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Điện ảnh).
Chính sách tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, thiếu nhi, phục vụ nhiệm vụ chính trị (quy định tại khoản 5 Điều 5 Luật Điện ảnh) trên thực tế chưa được thực hiện triệt để do chưa có nguồn kinh phí. Chính sách về dành quỹ đất xây dựng rạp chiếu phim trong quá trình quy hoạch đô thị (quy định tại Khoản 6 Điều 5 Luật Điện ảnh) chưa được thực hiện, trong khi đó nhiều rạp chiếu phim của các cơ sở điện ảnh tại các địa phương bị sáp nhập hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng…
Điện ảnh Việt Nam bị xác định còn nhiều rào cản phát triển do các quy định hiện hành thiếu phù hợp. |
Việc soạn thảo đề án xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (quy định tại Điều 6 Luật Điện ảnh) để hỗ trợ phát triển điện ảnh dân tộc đã được tiến hành từ năm 2010. Mục tiêu của quỹ nhằm duy trì và phát triển công nghiệp điện ảnh, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới, đồng thời vừa phát huy tính đa dạng văn hóa, vừa bảo vệ và gìn giữ những nét đặc trưng văn hóa riêng của từng quốc gia.
Trong quá trình xây dựng đề án, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hai lần trình Thủ tướng. Tuy nhiên, cho đến nay, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh vẫn chưa được thành lập, lý do chính là chưa xác định nguồn thu ổn định để đảm bảo hoạt động của quỹ.
Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tại hội nghị, Ban soạn thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đã công bố bản dự thảo, trong đó điều chỉnh nhiều nội dung, quy định của Luật Điện ảnh hiện hành: Sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ; Bổ sung quy định về nguồn và cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; Sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách thu hút đầu tư và phát triển điện ảnh.
Ban soạn thảo cũng đề nghị sửa đổi, loại bỏ một số quy định về điều kiện sản xuất phim (thành lập doanh nghiệp điện ảnh và thành lập văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài, quy định về sản xuất phim đặt hàng quản lý phát hành, phổ biến phim, quảng bá điện ảnh, tổ chức liên hoan phim, lưu chiểu, lưu trữ phim phù hợp với công nghệ sản xuất, phổ biến phim bằng công nghệ kỹ thuật số. Những quy định chồng chéo hoặc không tương thích với các Luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khiếu nại (2011), Luật Tố cáo (2011), Luật Doanh nghiệp (2014) và Luật Đầu tư (2014) cũng được kiến nghị loại bỏ.
Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình với chủ trương sửa đổi Luật Điện ảnh hiện hành. Tuy nhiên, các đại biểu cũng tiếp tục chỉ ra nhiều vấn đề mà Luật Điện ảnh sửa đổi cần điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Tiến sĩ Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam cho rằng, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là cần thiết nhưng vấn đề không chỉ là nguồn thu cho quỹ như ban soạn thảo lo lắng mà yếu tố quyết định phải là cơ chế vận hành quỹ làm sao cho minh bạch, hiệu quả.
Các hạn chế trong quy định về đấu thầu sản xuất phim do Nhà nước đặt hàng, tình trạng các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài sở hữu phần lớn rạp chiếu phim, dễ thao túng thị trường dẫn đến khiếu nại kéo dài của các doanh nghiệp làm phim trong nước và thiếu những rào cản cần thiết để bảo hộ điện ảnh nước nhà… đang là những bài toán khó cho Ban soạn thảo.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty Bình Hạnh Đan (BHD) chỉ ra rằng, Luật Điện ảnh hiện hành có quy định về việc khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh nhưng thiếu văn bản hướng dẫn hay chính sách cụ thể nên không phát huy được trong thực tế. Doanh nghiệp điện ảnh không có lợi thế về kinh doanh như các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu dùng khác nên áp mức thuế chung là thiếu công bằng đối với doanh nghiệp điện ảnh. Luật Điện ảnh sửa đổi cần có sự điều chỉnh cho phù hợp và phải điều chỉnh bằng những quy định cụ thể, rõ ràng, có tính khả thi.
Ông Nguyễn Thành Chung, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông cũng cho rằng, Ban soạn thảo nên quan tâm xây dựng các quy định về quản lý phát hành, phổ biến phim đối với các hình thức phát hành phi truyền thống: Phát hành trên mạng internet, các hình thức phát hành “xuyên biên giới”…