Vì sao nhóm xiếc Làng tôi đồng loạt xin nghỉ việc?

Thứ Năm, 05/11/2015, 21:06
Vụ việc 12 diễn viên của nhóm xiếc “Làng tôi” đồng loạt xin nghỉ việc tại Liên đoàn xiếc Việt Nam (LĐXVN) đã cho thấy vấn đề cạnh trạnh giữa các đơn vị Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực nghệ thuật thực sự rất quyết liệt.


Ngày 5/11, chúng tôi đã có buổi làm việc với NSƯT Tạ Duy Ánh, Giám đốc LĐXVN để tìm hiểu nguồn cơn về sự ra đi hàng loạt này và được ông cho biết: Cũng như nhiều loại hình sân khấu, xiếc Việt Nam cũng gặp khó khăn trong cơ chế thị trường. 

Vì thế, để thay đổi, năm 2005, LĐXVN, khi đó, do NSND Vũ Ngoạn Hợp làm Giám đốc, đã hợp tác với nhóm nghệ sĩ Việt kiều Nhất Lý, Nguyễn Lân và Tuấn Lê (chúng tôi tạm gọi là Nhóm sáng tạo) để làm một chương trình xiếc mang màu sắc riêng của Việt Nam phục vụ khán giả nước ngoài. LĐXVN đã huy động khoảng 100 diễn viên và đầu tư chừng 1 tỷ đồng để xây dựng chương trình kịch xiếc “Làng tôi”.

Tuy nhiên, khi hoàn thành, chương trình này chỉ diễn được 2 buổi thì ngưng đến năm 2009. Dĩ nhiên, với số lượng diễn viên quá đông nên việc lỗ nặng của mỗi đêm diễn là không cần bàn cãi. Sau đó, nhóm sáng tạo đã tiếp thị “Làng tôi” với một Trung tâm biểu diễn ở Pháp và được ông chủ Trung tâm này đồng ý đầu tư với điều kiện giữ chủ đề cũ và rút số người biểu diễn xuống dưới 20 người.

LĐXVN lập tức “dẹp” các chương trình khác lại trong 6 tháng liền, để chọn 20 diễn viên xuất sắc nhất tập luyện kịch xiếc “Làng tôi” phiên bản mới. LĐXVN và Nhóm sáng tạo đã ký hợp đồng 3 năm và từ năm 2010, “Làng tôi” đã xuất ngoại và biểu diễn khá thành công.

NSƯT Tạ Duy Ánh, Giám đốc LĐXVN.

Đây là một sản phẩm góp phần tạo nên diện mạo mới cho xiếc Việt và đã được khán giả nước ngoài đón nhận nồng nhiệt. Hợp đồng biểu diễn giữa LĐXVN với Nhóm sáng tạo đã kết thúc vào 2014, nhưng “Làng tôi” vẫn được biểu diễn do các ký kết giữa cá nhân với nhau.

Vì “Làng tôi” được đánh giá cao ở nước ngoài, LĐXVN muốn biểu diễn chương trình trong nước, nhưng Nhóm sáng tạo cho rằng, muốn biểu diễn trong nước thì phải thông qua họ, vì họ mới là người có bản quyền chương trình. Mặc dù là chương trình do đơn vị đầu tư ban đầu và 100% diễn viên là của LĐXVN, nhưng LĐXVN vẫn không có quyền tổ chức biểu diễn “Làng tôi” đầy đủ.

Bởi thế, “Làng tôi” dẫu của người Việt 100%, do một đơn vị nghệ thuật Nhà nước đầu tư ban đầu, nhưng chỉ được biểu diễn các trích đoạn tại một số sự kiện ở đền Hùng, Đà Nẵng, Ecopark vv…

Điều này, bắt nguồn từ khi hợp tác, LĐXVN và Nhóm sáng tạo đã không Hợp đồng rõ nếu thành công thì tỉ lệ ăn chia ra sao, ai mới là người thực sự là chủ của chương trình, dù khi dàn dựng xong, LĐXVN là đơn vị đứng ra mời Cục Nghệ thuật – Biểu diễn thẩm định và xin giấy phép biểu diễn.

Một tiết mục xiếc.

Theo NSƯT Tạ Duy Ánh, 15 diễn viên trong nhóm “Làng tôi” được LĐXVN khá ưu ái: Mỗi năm, nhóm đi nước ngoài biểu diễn 4-5 chuyến, được trả thù lao 80 EURO/buổi (trích nộp về LĐXVN 20% thu nhập theo qui định). Trong khi đó, họ vẫn được hưởng toàn bộ lương, thưởng, bảo hiểm xã hội từ tiền ngân sách Nhà nước như những diễn viên đang công tác tại LĐXVN (khoảng 4-5 triệu tiền lương, khoảng một triệu tiền thanh sắc, cùng bảo hiểm xã hội…)

Tuy nhiên, khi không đi lưu diễn nước ngoài, một số người khi được Liên đoàn gọi đến tập tiết mục mới đã từ chối. Có lẽ, vướng mắc “cộm” lên sau khi trích đoạn “Làng tôi” được biểu diễn thành công tại lễ giỗ tổ ngành sân khấu ở rạp Đại Nam (Hà Nội), được các nhà chuyên môn đánh giá cao, thì lãnh đạo LĐXVN muốn “Làng tôi” biểu diễn trong nước cho người Việt xem, nhằm quảng bá cho xiếc Việt sau khi đã “mang chuông đi đánh xứ người”.

Thế nhưng, theo NSƯT Tạ Duy Ánh, dù LĐXVN chỉ đề nghị diễn trích đoạn, thì hầu hết thành viên của nhóm “Làng tôi” đã …không đồng ý. Kết quả của việc không gặp nhau giữa lãnh đạo LĐXVN với các diễn viên nhóm “Làng tôi” là 12 lá đơn xin nghỉ việc nộp vào ngày 6/10. Lãnh đạo LĐXVN đã làm việc với cả 12 diễn viên, xong cả 12 người đều không thay đổi ý định.

NSƯT Tạ Duy Ánh tỏ ra rất buồn, vì trong số những người ra đi có cả học trò cưng của ông, cả những người ông đã gửi gắm tin yêu và chọn lựa, bồi dưỡng vào các vị trí chủ chốt trong tương lai.

Về vụ việc này, TS. Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, cho rằng, các diễn viên cần có sự cân nhắc kỹ khi quyết định ra đi. Vì xiếc là nghề đặc thù, Nhà nước phải dày công đào tạo, trong khi, tuổi nghề của các diễn viên lại rất ngắn: Nữ chỉ 35 tuổi là cùng, còn nam chừng 40-45 là không thể tham gia được những tiết mục khó. Tham gia với đơn vị tư nhân vào thời điểm này, dù thu nhập được trả 15-20 triệu/tháng (trong đó, lương cứng 6 triệu/tháng), thì chỉ vài ba năm, khi tuổi nghề hết, họ sẽ đào thải, không có bảo hiểm xã hội để chờ đến tuổi nghỉ hưu.

NSƯT Tạ Duy Ánh kiến nghị: Bộ VHTTDL cần có giải pháp để tránh “chảy máu” nhân tài vì lãng phí cho cả Nhà nước và đơn vị. Đặc biệt, cần có cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp để các nghệ sĩ yên tâm làm việc, bởi xiếc là nghề đặc thù, rất ít người đủ tiêu chuẩn để tuyển đầu vào, quá trình biểu diễn đều phải tập luyện rất nặng nhọc.

Thanh Hằng
.
.
.