Trăn trở chuyện bảo tồn phố cổ Bao Vinh

Thứ Hai, 10/12/2018, 08:02
Phố cổ Bao Vinh thuộc xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế được hình thành cách đây hàng trăm năm, có ý nghĩa lịch sử quan trọng và là một phần của Di sản Văn hóa Cố đô Huế.


Hiện, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang thực hiện các phương án quy hoạch khu phố cổ Bao Vinh để bảo vệ, bảo tồn cấp thiết những căn nhà cổ còn lại. Tuy nhiên việc làm này gặp không ít khó khăn…

Phố cổ Bao Vinh được xây dựng từ thế kỷ 19, từng là thương cảng sầm uất, nổi tiếng. Nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, phố cổ này có kiến trúc nhà cổ độc đáo. Tuy nhiên, trải qua hơn 2 thế kỷ tồn tại, những ngôi nhà cổ ở đây đang bị biến mất dần theo thời gian.

Từ năm 1991, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện công tác khảo sát và năm 2003 tỉnh đã có quy hoạch phát huy đô thị cổ Bao Vinh. Vào thời điểm đó, phố cổ còn gần 40 ngôi nhà cổ. Theo dự định, những ngôi nhà cổ sẽ được bảo tồn nhằm phát huy giá trị của kiến trúc nhà cổ truyền thống ở Huế, cũng như đưa vào khai thác, phục vụ du lịch.

Còn rất ít ngôi nhà cổ ở phố cổ Bao Vinh được gìn giữ, bảo tồn nguyên trạng như thế này.

Tuy nhiên, đến năm 1996 có 11 ngôi nhà cổ “biến mất” và được thay thế bằng những căn nhà gạch ngói mới. Đến nay, toàn bộ phố cổ Bao Vinh chỉ còn khoảng 10 ngôi nhà cổ, trong đó có 6 ngôi nhà kiến trúc gỗ, 4 ngôi nhà kiến trúc Pháp đang được các hộ dân sử dụng.

Còn nhớ, cách đây không lâu, chính quyền TP Huế đã đưa 4 ngôi nhà cổ ở phố cổ Bao Vinh còn nguyên vẹn vào danh sách bảo tồn. Đó là những căn nhà cổ của các ông Đỗ Kỳ Hoàng, Lê Quang Chất, Phạm Gia Đắc và bà Nguyễn Thị Thể.

Thế nhưng, theo các hộ dân, công tác bảo tồn phần lớn phụ thuộc vào chủ nhân của nhà cổ bằng cách tự gìn giữ, bảo vệ, không đập phá, không xây mới, hoặc thay thế các công trình kiến trúc cổ bên trong nhà cổ. Là chủ nhân căn nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm ở phố cổ Bao Vinh, ông Lê Quang Chất bày tỏ: “Do được xây dựng quá lâu nên nhà cổ nay bị hư hại nhiều, thấm dột và hiện tại gia đình phải sửa chữa một số hạng mục để vừa làm chỗ ở, vừa bảo vệ căn nhà khỏi bị sập.

Trước đây, từng có người đến đặt vấn đề đổi khung gỗ trong ngôi nhà cổ của chúng tôi thay bằng khung gỗ mới và họ sẽ “bù” thêm 12 cây vàng nhưng gia đình tôi đã từ chối để giữ nguyên trạng căn nhà cổ do tổ tiên để lại”.

Theo lãnh đạo UBND xã Hương Vinh, nhiều năm qua, chính quyền xã cùng các cơ quan chức năng đã nỗ lực vận động, tuyên truyền người dân bảo tồn nhà cổ. Tuy nhiên, đứng trước những căn nhà cổ đang bị hư hỏng, chờ sập, các hộ dân không biết phải làm thế nào khi kinh phí để tu sửa những căn nhà cổ là quá lớn, khoảng từ 100 đến 200 triệu đồng.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa 7 nhiệm kỳ 2016-2021, một lần nữa câu chuyện quy hoạch, bảo tồn phố cổ Bao Vinh lại được nhiều đại biểu quan tâm, đặt vấn đề chất vấn. Ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho hay, từ năm 2003, phố cổ Bao Vinh đã được quy hoạch.

Từ đó, Sở đã xây dựng kế hoạch rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, phân khu phố cổ và hiện thị xã Hương Trà đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Bên cạnh đó, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cũng đã nghiên cứu và đưa vấn đề quy hoạch phố cổ Bao Vinh vào trong tổng thể dự án chung về quy hoạch chi tiết 2 bờ sông Hương.

Theo đó, các nhà cổ truyền thống ở phố cổ Bao Vinh sẽ được bảo tồn theo hướng gắn liền với các nghề thủ công mỹ nghệ để phát triển du lịch. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Ty, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, thời gian qua, việc thực hiện quy hoạch phố cổ Bao Vinh gặp rất nhiều khó khăn do không gian phố cổ chật chội, chính sách không có sự tác động hỗ trợ.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH,TT tỉnh Thừa Thiên- Huế cho rằng, tỉnh Thừa Thiên-Huế cần có chính sách ưu đãi đầu tư và kinh doanh cho các chủ căn nhà cổ ở phố cổ Bao Vinh. Bên cạnh đó cần phục hồi phát triển một số ngành nghề truyền thống mới thu hút được khách du lịch.

Đặc biệt, hiện thị xã Hương Trà đang gặp khó khăn về nguồn ngân sách hỗ trợ nên cũng cần có chính sách ưu đãi bảo tồn phố cổ Bao Vinh, như đã thực hiện với các nhà vườn ở làng cổ Phước Tích. Đồng quan điểm này, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nhìn nhận, rằng: Phố cổ Bao Vinh có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử hình thành Kinh đô Huế.

Vì thế, việc quy hoạch và bảo tồn phố cổ Bao Vinh cần được nghiên cứu kỹ và thực hiện một cách nghiêm túc, thận trọng.

“Trên hết, tỉnh cần phải có chính sách phù hợp và tạo sinh kế cho người dân, chủ nhân những căn nhà cổ thì họ mới có ý thức giữ gìn và chung tay phối hợp với chính quyền địa phương bảo tồn di sản. Có như vậy mới có thể gìn giữ được khu phố cổ Bao Vinh đang bị xuống cấp, hư hại như hiện nay”, ông Hải nói.

Anh Khoa
.
.
.