Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn Đoàn Hương: Nếu bây giờ thiên lương là xa xỉ…

Thứ Sáu, 27/05/2016, 07:53
Sau rất nhiều cuộc hẹn, rồi huỷ hẹn, rồi lại hẹn, cuối cùng tôi cũng ngồi cùng Tiến sĩ Khoa học Đoàn Hương khoảng 1 giờ, trong một trưa Hà Nội dịu nắng. Lý do: Bà quá bận bịu với các công việc liên tiếp trên các lĩnh vực giảng dạy, viết sách và đặc biệt là các show truyền hình. 


Có thể nói, đây là một trường hợp điển hình cho những người phụ nữ tìm thấy mình trong công việc, cho dù trong mắt ai đó thì với một người phụ nữ, đấy chưa chắc đã là cội nguồn hạnh phúc. 

Chẳng sao cả, mỗi người với mỗi hoàn cảnh, mỗi tính cách, mỗi thân phận đều có một "đơn thuốc hạnh phúc" khác nhau. Nhưng hạnh phúc và những "đơn thuốc hạnh phúc" chỉ là một khía cạnh nhỏ trong một câu chuyện lớn hơn mà tôi và Tiến sĩ Khoa học Đoàn Hương đã cùng trao đổi: Thiên lương một con người - thiên lương một dân tộc, quốc gia.

Thiên lương, không chỉ trời cho  

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa Tiến sĩ Đoàn Hương, nếu nhắc đến hai chữ "thiên lương" thì bà sẽ lập tức nghĩ ngay đến điều gì ạ?

- Tiến sĩ Đoàn Hương: Tôi nghĩ đến những lá số tử vi. Khi tôi sang Nga học thì biết rằng ở đó có hẳn một khoa thuộc một trường đại học chuyên nghiên cứu tử vi, vì người ta cho rằng khi con người sinh ra sẽ chịu lực hấp dẫn từ những vì sao nhất định nào đó, và mỗi vì sao quy định một tính cách, một thân phận. 

Với người phương Đông xưa, tử vi là cái bấu víu quan trọng, nếu không muốn nói là duy nhất để người xưa tìm hiểu về tính cách và số phận một con người. Chính đặc điểm này mà ngày sinh tháng đẻ của các bậc vua chúa phương Đông xưa, và có thể là cả các nguyên thủ quốc gia thời hiện đại đều được giấu kín, vì người ta không muốn lá số tử vi của những người như thế bị lộ ra ngoài.

Trong khoa học tử vi thì thiên lương là một vì sao đẹp, vì xét ở góc độ ngôn ngữ học thì thiên lương nghĩa là lòng tốt tự tính trời. Đã có những nghiên cứu cho chúng ta biết rằng khi chọn lựa hoàng hậu, người xưa thường chọn những người có sao thiên lương thủ mệnh, vì chỉ những người đó mới xứng đáng làm mẫu nghi thiên hạ.

- Bà có nhớ một hoàng hậu cụ thể nào như thế không ạ? 

- Bà Ỷ Lan chẳng hạn, một bà hoàng đẹp người, đẹp nết, có công lớn giúp vua trông coi đất nước. Tất cả chúng ta đều biết dân gian yêu bà, tôn thờ bà đến mức đã gọi bà là "cô Tấm Bắc Kỳ". Và tất nhiên, ở một xã hội nhấn mạnh đến đức trị, văn trị, lễ trị như xã hội phương Đông xưa thì người ta cũng đặc biệt tôn kính các ông vua có sao thiên lương thủ mệnh, vì người ta tin rằng những ông vua như thế sẽ là người yêu dân, thương dân, quan tâm, chăm bẵm cho dân.

- Vâng, phải có sao thiên lương thì mới xứng với vị thế thiên tử. Nhưng nếu chúng ta cho rằng thiên lương là một thuộc tính trời cho thì chắc chắn cũng sẽ có những ông vua mà trời không cho thiên lương, và nhìn rộng vào xã hội phương Đông thì những ông vua "phi thiên lương" cũng đâu có ít.

- Có quá nhiều ví dụ sống động về những vị vua lẫy lừng đã sinh ra những vị vua hèn nhát, yếu đuối, khiến nhân dân lên án. Tôi nghĩ, với kết cấu tổ chức quyền lực kiểu "cha truyền con nối" thời phong kiến, chắc chắn điều này là tất yếu, không sao tránh được.

- Một kiểu kết cấu mà người dân nhìn vào giới lãnh đạo, và thấy ở đó nếu có thiên lương thì được nhờ, còn nếu là phi thiên lương thì phải chịu...

- Đúng rồi, may nhờ rủi chịu. 

- Nhưng thiên lương chắc chắn là điều không chỉ có ở những bậc lãnh đạo, mà còn có ở những người trí thức, anh hùng dân tộc nữa. Tôi chợt nhớ đến Cao Bá Quát, người đã chữa 9 chữ phạm húy trong một bài thi của sĩ tử để cứu một bài thi hay, xuất sắc không bị đánh trượt. Khi thực hiện việc đó, Cao Bá Quát hiểu nếu bị phát hiện, mình sẽ bị trừng trị rất nặng, nhưng ông vẫn làm, vì có lẽ thiên lương cao quý trong ông khiến ông không đành lòng chứng kiến sự thất bại của cái đẹp...

- Đúng rồi, Cao Bá Quát đã lấy muội hòa với nước cơm để chữa 9 chữ ấy, và đã phải trả giá. Và chúng ta cũng biết sau này thì Cao Bá Quát đã cùng những người yêu nước đứng lên, chống lại một triều đình đang tồn tại quá nhiều vấn đề. Có thể nói, Cao Bá Quát là một người anh hùng văn võ toàn tài trong lịch sử dân tộc, một người thực sự có thiên lương cao đẹp. 

- Cũng chính ông là tác giả của câu thơ: "Nhất sinh đê thủ bái mai hoa", nghĩa là "Cả đời chỉ cúi đầu trước vẻ đẹp của hoa mai". Không cúi đầu trước tiền bạc, trước quyền lực hay vũ lực, mà chỉ cúi đầu kính cẩn, khiêm nhường trước cái đẹp mà thôi. Hình như một phẩm cách, một thiên lương như thế đã ám ảnh Nguyễn Tuân, và khi xây dựng hình tượng Huấn Cao trong truyện ngắn "Chữ người tử tù", nhà văn này đã nghĩ đến Cao Bá Quát thì phải? 

- Nhiều người cho rằng Cao Bá Quát chính là nguyên mẫu của hình tượng Huấn Cao - một người cũng chống lại bạo lực, cường quyền, và cũng là một người viết chữ đẹp, tôn thờ cái đẹp. Chắc chắn là tất cả chúng ta đều rung cảm lớn với chi tiết người tử tù Huấn Cao cho chữ viên cai ngục trong tác phẩm này, và tôi còn muốn nhấn mạnh đến việc Nguyễn Tuân đã để Huấn Cao nói với nhân vật cai ngục rằng nếu vẫn ở chốn lao tù ấy, người cai ngục có thể đánh mất thiên lương trong mình.

- Huấn Cao là người có thiên lương, và viên quản ngục lại là người biết lắng nghe, tiếp nhận thiên lương. Yếu tố thứ hai này cũng đặc biệt quan trọng, chứ trong đời sống này, một khi thiên lương không được tiếp nhận thì nó sẽ trở thành thứ thiên lương lẻ loi, cô độc.

- Xưa nay người ta phải nhấn mạnh đến chuyện tri âm tri kỷ là vì thế. Còn nói về thời nay, theo tôi thời nay có thể hiểu khái niệm thiên lương là tính nhân văn trong suy nghĩ và ứng xử của con người. 

Tôi thấy hiện nay có những ứng xử nhân văn không những không được tiếp nhận, mà còn bị đối xử trở lại một cách tàn bạo. Ví dụ rõ nhất là mới đây có một cô ca sĩ đi làm từ thiện, phát mỳ, phát gạo cho dân nghèo, nói gì thì nói, đấy là một cử chỉ đẹp. Nhưng có những người không phải người nghèo vẫn lao vào cố xin, cố lấy, đến khi không lấy được thì lại la ó, chửi bới cô ca sĩ. Như thế, chúng ta thấy thiên lương khi chạm phải một mảnh đất đen, một môi trường đen thì có thể trở thành một thiên lương buồn tủi.

- Tôi từng đọc một bài viết của Tản Đà, nhấn mạnh đến 3 biểu hiện của thiên lương, đó là lương tri - nghĩa là trời cho một cái tri giác để cảm biết sự việc, lương tâm - nghĩa là trời cho một cái bụng tốt để tiếp nhận sự việc, và lương năng - nghĩa là trời cho những cách làm tốt để làm theo sự việc. Nhưng bây giờ nếu hiểu thiên lương là một thuộc tính cần phải hướng đến thì có lẽ cũng không nên chỉ ngồi đó đợi trời cho. Để có thiên lương, có lẽ người ta cần được phải tự giáo dục, tự rèn luyện cho mình nữa?

- Khổng Tử nói "Nhân chi sơ tính bản thiện", và như thế theo Khổng Từ ai sinh ra cũng có một phần thiên lương nhất định nào đấy. Bạn thử hình dung tiếp đi, nếu một đứa trẻ sinh ra có thiên lương ngời sáng nhưng lại sống trong một gia đình bố mẹ tàn bạo, trộm cắp thì có bao nhiêu phần trăm khả năng thiên lương ấy sẽ vượt lên trên hoàn cảnh? Và có bao nhiêu phần trăm khả năng thiên lương ấy sẽ bị hoàn cảnh đánh chìm? 

Ngay cả khi quan niệm thiên lương là trời cho, thì có lẽ chỉ với rất ít trường hợp là được cho vĩnh cửu, cho mãi mãi. Tôi nghĩ, hoàn cảnh, môi trường và nền giáo dục là điều quan trọng khiến cho thiên lương kia hoặc được tạo điều kiện để bay lên, hoặc sẽ bị chết non, chết yểu. 

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến việc, nhiều người Việt Nam quan điểm cứ cho con đi học là nghĩ con mình được giáo dục. Sai! Rất sai! Vì người thầy đầu tiên, gần gũi nhất với con cái chính là bố mẹ. Đức Chúa từng nói một ý rằng đòi hỏi một mảnh đất xấu có mầm tốt, giống như một gia đình xấu với những ông bố bà mẹ xấu muốn có những đứa con tốt, chẳng khác gì đòi hỏi con lạc đà chui qua lỗ kim.

Cứu cánh trí thức: Có thể trông cậy được?

- Từ nãy đến giờ chúng ta đã bàn tới khía cạnh thiên lương của một cá nhân, giờ tôi muốn bàn khía cạnh thiên lương của một xã hội, một dân tộc nói chung. Tôi nghĩ đội ngũ trí thức của một xã hội có vai trò đặc biệt trong việc xác lập giá trị quan trọng này. Nếu đội ngũ trí thức thực sự có thiên lương, phẩm giá thì bằng cách này hay cách khác, họ sẽ toả một dòng năng lượng tốt vào xã hội, còn nếu đội ngũ này mà phi thiên lương hoặc ngụy thiên lương thì cực kỳ bi kịch. Bà đồng ý chứ?

- Hoàn toàn đồng ý.

- Thế nhưng bây giờ người ta đang nói nhiều đến việc chúng ta có tới trên dưới 24 nghìn tiến sĩ, trong đó có rất nhiều những tiến sĩ lạ với những đề tài bảo vệ luận án rất lạ, đại loại như đề tài nghiên cứu phong cách, đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch huyện, xã gì đó. Thú thật, khi đọc trên mạng rằng có đề tài bảo vệ tiến sĩ như thế, người tôi như sôi lên, máu chảy ngược lên đầu. Bà cũng là một tiến sĩ, tôi muốn nghe quan điểm của bà?

- Đầu tiên, nhìn ở góc độ số lượng thì tôi nghĩ với một dân tộc có trên dưới 90 triệu dân thì 24 nghìn tiến sĩ cũng không phải nhiều, nếu không muốn nói là còn ít. Tôi cũng nghĩ, một tiến sĩ tồi vẫn còn hơn một cử nhân tốt, vì để thành tiến sĩ, người ta phải học hành rất nặng, và quan trọng là phải luôn có một phương pháp luận khoa học.

Vấn đề đáng nói là nhìn vào mặt chất lượng, thì các đề tài nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ có thực sự mở ra một hướng nghiên cứu mới hay không. Ở nước ngoài, người ta đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố này, vì chỉ có mở ra một hướng nghiên cứu mới thì đề tài ấy mới thực sự có giá trị.

- Nếu không ngại, bà có thể nói trước đây bà bảo vệ luận án tiến sĩ như thế nào được không ạ? 

- Thời tôi, phải nói đấy là một công việc cực kỳ vất vả. Thời ấy, ở  Nga có một hội đồng lớn, tập trung toàn bộ những nhà khoa học nổi tiếng ở toàn bộ Liên Xô cũ. Hội đồng lớn ấy chỉ định những nhà khoa học tham gia hội đồng bảo vệ luận án của mình, và có rất nhiều vị đúng đến ngày bảo vệ luận án thì mình mới lần đầu trực tiếp gặp họ, biết họ.

- Có nghĩa, yếu tố quen biết là rất ít?

- Cực ít. Và vì thế, trong hội đồng, chuyện người ta  không bỏ phiếu thông qua luận án là chuyện rất bình thường. Tôi đã chứng kiến có những  luận án ra đến hội đồng thì bị đánh trượt, vì nghiên cứu sinh không bảo vệ được lý luận của mình trước sự phản biện của hội đồng. Thời tôi, có 100 người đi làm tiến sĩ khoa học ở Nga, Bộ Đại học nói chỉ cần có 5 người được công nhận đã là thắng lợi rồi.

- Còn ở Việt Nam, chuyện bị đánh trượt, không thông qua là chuyện rất ít?

- Thú thật, cá nhân tôi chưa gặp một trường hợp bị đánh trượt nào cả. Ở Việt Nam, giới khoa học khá nhỏ bé, trong một hội đồng phần lớn mọi người đều quen biết nhau hết.

- Mà quen biết thì cũng dễ nể nang?

- Nể nang!

- Tôi vẫn muốn hỏi là thời của bà, trước khi bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh có đến gặp các thành viên trong hội đồng, tặng quà hoặc đưa phong bì này nọ không ạ?

- Nghiên cứu sinh Việt Nam nghèo xơ xác, lấy đâu ra phong bì mà đưa. Hồi ấy, sau khi tôi bảo vệ xong, thậm chí ông thầy tôi còn phải đãi các thành viên hội đồng bằng tiền riêng của ông ấy.

- Khi nghiên cứu sinh là người Việt Nam thì người ta có vì thương mến mà dễ dãi hơn không ạ? 

- Ông thầy tôi ngay từ đầu đã nói rằng ông ấy không cần biết nghiên cứu sinh là con cái nhà ai, đến từ đâu, mà chỉ nhìn vào quá trình nghiên cứu khoa học mà thôi.

- Trở lại với Việt Nam, theo bà chúng ta phải khắc phục tình trạng quen biết, nể nang trong một hội đồng như thế nào?

- Ở mình, ông thầy hướng dẫn của nghiên cứu sinh thường nhặt một số người quen biết vào Hội đồng, rồi gửi danh sách lên trên, được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua là xong. Theo tôi, muốn công bằng, Bộ phải lập ra một Hội đồng chung, từ đó chỉ định các thành phần tham gia các hội đồng riêng lẻ.

- Nhưng ngoài vấn đề cơ cấu một hội đồng thì trong câu chuyện này còn phải thay đổi điều gì nữa không ạ, ví dụ như tình trạng chạy chọt, thuê mướn, sao chép, xào xáo luận án chẳng hạn?

- Tôi cũng từng nghe đâu đó rằng người ta có thể thuê làm một luận án tiến sĩ với giá từ 300 đến 500 triệu đồng. Nhưng cũng chỉ là nghe, chứ mắt tôi chưa trực tiếp thấy một trường hợp nào như vậy cả. 

Ở những môn khoa học khác thì tôi không dám nói, nhưng riêng với môn ngữ văn tôi nghĩ chuyện này rất khó. Còn chuyện sao chép, xào xáo thì có thể lắm. Vì có một thời tôi thấy rất nhiều người chuyên đi xin các luận án đã bảo vệ xong rồi, và thoạt tiên tôi không hiểu người ta xin để làm gì, mãi sau này mới biết ở khu Bách khoa (Hà Nội) tồn tại những cái chợ luận văn, rất có thể từ đây, chuyện sao chép, xào xáo đã diễn ra.

- Một cựu quan chức ngành giáo dục từng nói rằng ở ta hiện nay đang có tình trạng phổ cập tiến sĩ, nghĩa là đâu đâu cũng thấy tiến sĩ, đâu đâu cũng đòi hỏi phải là tiến sĩ. Theo bà, điều này  có khiến tiến sĩ một lúc nào đó sẽ trở thành "hàng chợ" không, thậm chí có khiến người ta mất đi sự coi trọng cần phải có không?  

- Ơ, thế chúng ta chẳng đang phổ cập đại học đấy thôi? Người ta tính là từ năm 2000 đến giờ, trung bình cứ nửa tháng có một trường đại học xuất hiện. Có những trường đại học tư nhân chuyên đến các trường phổ thông lấy danh sách học sinh, từ đó thiết kế đầu vào đại học cho những học sinh này. 

Thế mới có câu chuyện cực kỳ bi hài là ở Gia Lâm, Hà Nội từng có một cậu bé chẳng may bị chết trước khi thi tốt nghiệp phổ thông, thế mà sau đó bố mẹ cậu bé này lại nhận được giấy báo trúng đại học. 

Một khi đã phổ cập đại học thì đừng kêu ca là hiện có tới 200 nghìn cử nhân thất nghiệp. Phổ cập như thế, thất nghiệp là đúng rồi, mà rất nhiều người thất nghiệp, không biết làm gì thì đi học thạc sĩ, tiến sĩ, thế thôi. Nói tóm lại, phổ cập đại học thì tất yếu dẫn tới phổ cập nhiều cái khác.

- Từ những câu chuyện cụ thể như vậy, có thể nói quy trình tạo ra một tiến sĩ - một trí thức của ta hiện tại đang tồn tại khá nhiều vấn đề. Dĩ nhiên vẫn sẽ có những tiến sĩ - trí thức đáng trọng, đáng ngưỡng mộ, nhưng có lẽ trường hợp những tiến sĩ ảo - những tiến sĩ được cất nhắc và công nhận một cách dễ dãi cũng không phải là không có. Tôi mạo muội nghĩ rằng, nếu số lượng những tiến sĩ - trí thức kiểu này tăng lên thì thiên lương của dân tộc sẽ bị tổn hại lắm. Bà nghĩ gì ạ?

- (Nghĩ ngợi...)

- Thôi, chúng ta không nói về những trí thức kiểu này nữa, còn những trí thức thực sự thì sao ạ, theo quan sát của bà những trí thức thực sự bây giờ đang thể hiện một thiên lương như thế nào?

- Đương nhiên những nhà khoa học thứ thiệt phải là những người có thiên lương. Nhưng phải công bằng mà nói, cuộc sống của các nhà khoa học Việt Nam vẫn còn nghèo đói, vất vả. Ở nước ngoài, lương của những người như thế có thể sống đàng hoàng, từ đó họ có thể yên tâm nghiên cứu. 

Còn ở Việt Nam, nói thật, tôi thấy nhiều nhà khoa học còn phải chạy cơm từng bữa để lo cho mình, cho con cái mình. Vì thế chăng mà ở một góc độ nào đấy họ buộc phải hy sinh một phần thiên lương của mình để sống? Thậm chí ở một góc độ khác, trong những môi trường nhất định thì thiên lương lại là cái làm khó nhau, khiến người ta không ưa, không thích cũng nên...

Cứu cánh tôn giáo: Còn bao nhiêu hy vọng?

- Đối với bất cứ một xã hội, một chủng người nào thì ánh sáng tôn giáo cũng là cái căn cốt lớn góp phần tạo ra và nuôi dưỡng thiên lương, và chắc chắn chúng ta không là một ngoại lệ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì bà cũng từng ở chùa một thời gian để nghiên cứu về văn hoá phật giáo Việt Nam. Bà nghĩ gì về tác động của tôn giáo tới thiên lương của con người và dân tộc Việt? 

- Tôi đã ở chùa 2 năm để nghiên cứu, và nói thật với bạn, sau 2 năm ấy tôi đã chứng kiến và ngộ ra rất nhiều điều. Ví dụ có lần tôi thấy một chị bán hàng rong vào chùa, đưa cho sư thầy 100 ngàn đồng  để bán khoán con, sư thầy rất dửng dưng, tiếp đãi nhạt nhẽo. Nhưng sau đó, khi có một phật tử đi ôtô vào thì thầy lại chạy ra đón tiếp nhiệt tình.

Tôi biết, có những chùa gần Hà Nội chỉ sau dịp tết đã nhận được tiền công đức đến 500 - 700 trăm triệu đồng, và nhiều thầy dùng tiền ấy vào mục đích riêng. Thế nên bây giờ chẳng ai bất ngờ khi thấy một số vị sư đi ôtô, dùng điện thoại đắt tiền, và khi hành đạo thì có nhiều màu sắc buôn thần bán thánh.

- Buôn thần bán thánh?

- Đúng đấy! Cho nên tôi mới nói vui một cách đau đớn rằng có những nhà tu hành bây giờ dùng phật tử và chùa chiền như một công ty để kinh doanh. Với những người như thế, làm sư là một nghề, giống như tôi làm nghề dạy học, bạn làm nghề nhà báo ấy. 

Ở đây tôi muốn nói, Đức phật từng khẳng định bản thân Ngài không có phép thuật gì hết, mà chỉ có tư tưởng để giúp chúng sinh thoát khỏi khổ não cuộc đời. Chỗ này thì Phật rất khác chúa Jesu, vì khi Đức chúa đi từ quê hương của mình đến Jerusalem thì dọc đường đi, Chúa đã thể hiện rất nhiều phép. 

Ví dụ Chúa đến một đám cưới, thấy hết rượu nho thì Chúa lấy ngón tay chỉ xuống một cái giếng, nước giếng tức thì biến thành rượu nho. Còn Phật thì khác, rất khác. Thế nhưng hiện nay có rất nhiều vị sư lại nói với tôi là họ có thể đuổi ma, có thể trừ tà sát quỷ. Như thế là họ bị ảnh hưởng bởi đạo giáo, chứ đâu còn là Phật giáo đúng nghĩa nữa.

- Có nghĩa là họ rất bất thường. Nhưng vấn đề là nhiều phật tử vẫn tin họ, vẫn coi cái bất thường đó là bình thường.

- Thì người ta khủng hoảng tinh thần mà. Người ta cảm thấy bơ vơ, mất niềm tin nên vào chùa để tìm một sự bấu víu. Người ta nghĩ nhà sư là người bắc cầu cho mình đến với Phật, nên muốn gần, thậm chí đưa tiền cho sư để nhờ sư đưa gần mình đến cửa Phật, mà quên mất cái lõi căn bản là Phật không có phép thuật nào cả. 

Tôi đã đi nghiên cứu ở Tây Tạng - nơi văn hoá Phật giáo đúng nghĩa đã lan toả, và thấm vào từng con người, và tôi thấy ở đó con người ta thật sự hạnh phúc. Bạn biết đấy, khí hậu Tây Tạng khắc nghiệt đến nỗi một ngọn cỏ mọc vào buổi sáng thì ban đêm sẽ chết ngay. Nhưng có lẽ người ta thấm đạo, thấm được những giá trị đích thực của cuộc sống nên vẫn sống đầy an lạc.

Tôi từng gặp những người tới Tân Cương - Trung Quốc buôn chè, rồi sau đó lại đi từ Tây Tạng sang Đông Tạng, hành trình đi 6 tháng, về 6 tháng, coi như hết một năm. Sống và đi triền miên trong thời tiết khắc nghiệt và địa hình hiểm trở như thế, nhưng họ vẫn rất thoải mái, vì họ ý thức được việc mình làm là có ích. Ở đó có nhiều nhà buôn thậm chí buổi sáng kiếm được bao nhiêu tiền lãi thì buổi chiều dâng hết lên các Thiền viện. 

Cho nên, ở chợ Pakho - chợ lớn nhất ở Lasa Tây Tạng, khi chúng tôi mua một món đồ mà có đắt một tí thì chúng tôi cũng rất thoải mái, vì tất cả đều nghĩ: Cuối ngày, những người bán hàng sẽ lại dâng hết tiền lãi lên các thiền viện, và như thế tiền của mình xét cho cùng là để dâng lên cửa Phật.

- Trong văn hoá ấy, không gian ấy, vật chất không cầm giữ người ta được?

- Đúng! Còn xã hội ta bây giờ, nỗi ám ảnh vật chất là khủng khiếp quá. Tôi nhớ có lần nghe một ông gác cổng một cơ quan than thở là lương một tháng của ông chỉ có 4 triệu. Tôi hỏi nếu có nhiều tiền, điều đầu tiên ông làm là gì, ông ấy bảo điều đầu tiên ông ấy làm là sẽ mua ngay cái ôtô. Thế thì ông ấy nghèo rồi, mãi mãi nghèo rồi.

- Trở lại với thực tiễn chùa chiền và văn hoá Phật giáo ở ta, tôi nghĩ, ngay cả bây giờ vẫn có những vị chân tu thật sự đáng ngưỡng mộ, những ngôi chùa mà khi vào đó chúng ta thật sự thấy lòng mình bình an. Còn trong quá khứ, cũng từng có những thời kỳ lịch sử chúng ta thấy điều này là số đông, là cái phổ biến, và ở những thời kỳ như thế thì thiên lương của con người, của xã hội luôn tìm được một điểm tựa vững chắc, hoặc chí ít cũng là một cứu cánh dày dặn.

- Văn hoá Phật giáo Việt Nam rất hay, vì nó là một nhánh độc lập với Phật giáo Ấn Độ nói riêng và Phật giáo phương Đông nói chung. Cái hay nhất chính là tư tưởng nhập thế, nghĩa là vào chùa mà không hề trốn đời, trái lại vào chùa mà vẫn giúp đời, hành đạo. Thế mới có chuyện các nhà sư đời Lý đã từng làm thầy cho các nhà vua, rồi tham gia vào công việc xã hội đầy ý nghĩa.

Và thơ ca của họ thì tuyệt đẹp. Tôi nhớ, nhà vua - nhà sư - nhà thơ Trần Nhân Tông từng có một bài thơ rất hay viết về hoa mai, kể lại việc Tết đến ở trong rừng, ông nằm mơ thấy một nhành mai nở, và ông bảo đoá hoa mai đẹp vô cùng, nhưng không hái mang tặng bạn được.

Hay Huyền Quang từng có bài thơ về hoa cúc, nói về việc khi ông ngồi thiền, có một cô gái đến chơi chùa, ngắt hoa cúc, và ông viết: "Nực cười người không biết hoa huyền diệu, ra về đầu dắt đầy hoa". Như thế, thơ Phật giáo Việt Nam có màu sắc nhập thế, phóng khoáng và lãng mạn.

- Trong một hoàn cảnh nào đó, khi thiên lương của con người và xã hội là xa xỉ thì việc nhớ lại những bài thơ như thế, mơ tưởng về những bông hoa - những cõi hoa như thế, tôi nghĩ tâm hồn, đầu óc chúng ta sẽ được cân bằng trở lại.

- Thiền sư Mãn Giác cũng từng viết những câu nổi tiếng rằng: "Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua xuân trước một nhành mai". Thời gian trôi qua, tất cả chúng mình đều đi đến cái cuối cùng, nhưng ở tinh thần của bài thơ này ta thấy điều cuối cùng ấy không làm nhà thơ sợ hãi.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ.

Phan Đăng (thực hiện)
.
.
.