Nữ tiến sĩ khoa học là cảnh sát giỏi

Thứ Tư, 04/03/2009, 16:00
Đó là Tiến sĩ, Thiếu tá Lê Thị Thu Thủy, giám định viên tư pháp về sinh học pháp lý, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Tôi đã tới nơi Thủy làm việc (đường Nguyễn Tuân, Hà Nội). Hôm ấy trời mưa phùn rét buốt, Thủy trút tấm áo mưa, mặt tái mét và run rẩy nói: "Em vừa đưa con nhỏ đến trường và vội đến cơ quan ngay".

Nếu như gặp Thủy ở ngoài phố chắc chắn tôi sẽ chẳng bao giờ nghĩ rằng đó là một tiến sĩ khoa học, chiếc xe máy cũ kỹ, quần áo giản dị và khuôn mặt mộc mạc không son phấn bao bọc bởi mái tóc xõa ngang vai… Nơi Thủy làm việc máy móc chật chội, phòng mùi ê te, hóa chất bốc lên nồng nặc đến ngộp thở.

Tôi cứ ho sặc sụa, còn Thủy bảo: "Em quen rồi". Đã hơn 10 năm Thủy làm việc trong căn phòng ấy và làm quen với tất cả, từ mùi hoá chất đến mùi hôi thối của những mẫu phẩm cứ quyện vào nhau, chỉ những người lạ mới cảm thấy sao khó chịu đến thế!

"Vì sao Thủy lại vào nghề này?". Nghe tôi hỏi, Thủy mơ màng nhớ lại niềm mơ ước của cô sinh viên Khoa Sinh - Trường Đại học Khoa học tự nhiên. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, nhiều nơi mời về làm việc với tương lai hứa hẹn, nhưng nghe theo lời mẹ (từng là cán bộ Công an), Thủy tình nguyện xin vào lực lượng Công an cống hiến.

Miệt mài đèn sách để nâng cao trình độ và khả năng tiếng Anh đọc thông viết thạo, Thủy đã được cử sang Australia học tập 6 tháng. Từ 2001-2005, đủ tiêu chuẩn học khoá tiến sĩ chuyên ngành sinh học Phân tử tại Nhật theo học bổng của Chính phủ Nhật Bản. Trở về nước với tấm bằng tiến sĩ loại xuất sắc, Thủy là một giám định viên tư pháp về sinh học pháp lý giỏi ở Viện Khoa học hình sự.

 Từ khi trở về nước (năm 2005) đến nay, Thủy đã tham gia hàng trăm vụ án đạt hiệu quả cao, nhanh chóng kịp thời phục vụ đắc lực cho cơ quan điều tra. Có không ít vụ án tưởng như đi vào ngõ cụt, nhờ giám định gen chính xác đã mau chóng tìm ra thủ phạm.

Từ những đề tài khoa học cấp Bộ mà Thủy tham gia như "Điều tra và xây dựng cơ sở dữ liệu tần xuất các gien hệ Nineplex người Việt ứng dụng trong giám định gien ở Viện Khoa học hình sự"; đề tài cấp Nhà nước: "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật ADN để phục vụ công tác nhận dạng cá thể người" đều đạt kết quả xuất sắc.

Công trình nghiên cứu đột biến của tiểu đơn vị số 5 của người (RPB5); đồng tác giả trong công trình nghiên cứu: vị trí của phân tử điều hoà RPB5 (RMP) trong tế bào, các nhân tố thiết yếu cho hoạt động chức năng của yếu tố này - Các công trình này đã được đăng trên các tạp chí quốc tế năm 2004, 2005.

Vẫn là người làm khoa học xuất sắc trong lực lượng Cảnh sát, vẫn là người mẹ chu đáo với con thơ, vẫn là nàng dâu hiếu thảo của người mẹ (vợ liệt sĩ) khi người con trai độc nhất công tác xa nhà, nữ chiến sĩ Công an được nhận nhiều giải thưởng của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an.

Và mong sao, lực lượng Công an sẽ có thật nhiều những người nóng bỏng con tim và giàu trí tuệ như thế góp phần hiệu quả vào công cuộc giữ gìn an ninh quốc gia và TTATXH

Kim Quý
.
.