Thuyết minh tự động chưa hấp dẫn khách du lịch

Thứ Hai, 29/04/2019, 08:53
Công nghệ thuyết minh tự động được mặc định góp phần không nhỏ vào sự thành công của ngành Du lịch hiện đại, đang được áp dụng ngày càng nhiều tại những điểm đến nổi tiếng Việt Nam. 


Đây là hoạt động cần thiết nhằm giúp du khách thuận lợi hơn trong khám phá điểm đến. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đang gặp khá nhiều vấn đề mà nếu không kịp khắc phục, mục tiêu ban đầu sẽ khó phát huy được công năng, thậm chí gây phiền toái cho du khách.

Thay vì chỉ dùng đội ngũ hướng dẫn viên phục vụ các đoàn khách tham quan như lâu nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh thí điểm thực hiện các Audio Guide – một trong những phương tiện thuyết minh tự động. Trước mắt là 79 Audio Guide về 79 hiện vật tiêu biểu gắn liền với cuộc đời của Bác. Việc thực hiện các Audio này là một trong những nỗ lực nhằm phát huy giá trị hiện vật của Bảo tàng hiện nay và trong tương lai gần. 

Thuyết minh tự động đang được ứng dụng phổ biến tại nhiều điểm đến của Việt Nam.   

Tuy nhiên, như chia sẻ của chị  Nguyễn Thị Hường, Phó Phòng Kiểm kê bảo quản của Bảo tàng, một trong những cán bộ nhân viên trực tiếp thực hiện làm các Audio thì công việc này dù còn mới mẻ với Việt Nam nhưng với thế giới, các bảo tàng, điểm đến tham quan đã ứng dụng phổ biến từ lâu. Vì còn mới mẻ nên mọi  người vừa háo hức, vui dù… vất vả. 

Để thực hiện được đề án xây dựng các Audio Guide, mỗi nhóm phụ trách mỗi khối hiện vật sẽ tìm những tư liệu hiện vật tiêu biểu nhất, tìm hiểu các nội dung liên quan, viết kịch bản, nội dung, trao đổi, chỉnh sửa cho nhau. Sau khi thống nhất nội dung mới bắt tay thực hiện các Audio Guide. Nếu hoàn thiện theo đúng kế hoạch, 79 Audio Guide này sẽ ra mắt du khách trong năm 2019. 

Như thế, thay vì chỉ trưng bày hiện vật như cách làm hàn lâm, truyền thống và có phần đơn điệu lâu nay, du khách chỉ cần một vài thao tác đơn giản đã có rất nhiều thông tin mà không cần hướng dẫn viên trực tiếp hướng dẫn. Ngoài các Audio Guide này, Bảo tàng Hồ Chí Minh còn triển khai đề án số hóa hiện vật của Bảo tàng. 

Khi đã hoàn thiện đề án, hiện vật của Bảo tàng sẽ được thống kê, cập nhật chính xác từ lý lịch, các câu chuyện liên quan, hiện vật bảo quản ở đâu, bảo quản như thế nào. Tùy theo yêu cầu, mục đích sử dụng, người quản lý sẽ cắt từng trường thông tin phục vụ cho từng đối tượng cụ thể một cách phù hợp, nhanh chóng hơn…

Bảo tàng Hồ Chí Minh thuộc quần thể di tích Ba Đình, là nơi giữ một khối lượng lớn các di sản – hiện vật gốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi lưu giữ cơ bản các hình ảnh về Bác, kể từ năm 1946 đến khi Người qua đời. Đây cũng là địa chỉ quen thuộc của du khách và cũng là nơi các nhà nghiên cứu, cơ quan chuyên môn liên quan tìm đến. Với việc số hóa các tư liệu hiện vật và sử dụng công nghệ thuyết minh hiện đại, những giá trị của khối di sản đồ sộ này sẽ được phát huy tốt hơn. 

Tuy nhiên, những kỳ vọng về phát huy giá trị khối di sản tại Bảo tàng nói trên vẫn là dành cho tương lai, có thể là tương lai gần hay xa thì phải phụ thuộc vào kinh phí. Bởi lẽ, để thực hiện được các Audio Guide cần khá nhiều kinh phí. Muốn có kinh phí thì Bảo tàng phải chờ nhiều cấp thông qua. Đề án số hóa tư liệu, hiện vật càng cần nhiều kinh phí, tâm sức. 

Hiện nay, trong kho của Bảo tàng có 178.979 hiện vật gốc đã được thống kê, 17.270 tài liệu hiện vật chưa xác minh được nguồn gốc, 404 đầu tài liệu, hiện vật chưa có số kiểm kê. Những hiện vật mới sưu tầm bổ sung càng chưa có hồ sơ riêng với những bản lý lịch chính xác, phong phú theo yêu cầu. Vì vậy, việc số hóa các tư liệu hiện vật này sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian, kinh phí, công sức.

Trước đó, số hóa thông tin, sử dụng công nghệ thuyết minh tự động đã được ứng dụng tại khá nhiều điểm tham quan: Hoàng Thành Thăng Long, Văn miếu Quốc Tử  Giám, Bảo tàng Phụ  nữ  Việt Nam, Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội); Chùa Cầu, Bảo tàng Gốm sứ  mậu dịch (Hội An)… Mới đây nhất, người yêu di sản văn hóa Việt nức lòng khi di tích Lăng vua Tự Đức được Google Arts and Culture  cập nhật phiên bản số hóa 3D vào dự án Di sản mở (Open Heritage). Điều này cũng đồng nghĩa với việc Lăng vua Tự Đức sẽ được giới thiệu ra toàn thế giới cùng với rất nhiều di tích quý, nổi tiếng khác của thế giới…

Thực tế, việc số hóa thông tin, ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động thông qua các thiết bị cá nhân di động đang hỗ  trợ  tích cực, thậm chí thay thế người thuyết minh trực tiếp giới thiệu với khách tham quan. Ngoài tiết kiệm nhân lực, tích hợp nội dung phong phú, một số thiết bị tại nhiều điểm đến còn có chức năng chụp ảnh, kết nối mạng, quay phim, ghi âm...  

Ngoài việc tạo sự mới lạ, hấp dẫn, tạo điều kiện để du khách chủ động tìm hiểu, các công nghệ này còn góp phần tích cực trong quảng bá điểm đến. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề. Sự kỳ công, tốn kém và đòi hỏi đầu tư nhiều tâm sức như trường hợp Bảo tàng Hồ Chí Minh nói trên là một điển hình. 

Khi đưa vào hoạt động thực tế, thuyết minh tự động cũng đang bị than phiền về nhiều mặt: sự thiếu đồng bộ trong sử dụng thiết bị đôi khi gây khó khăn cho du khách trong việc tiếp cận, học cách sử dụng, thiếu được đầu tư bảo dưỡng, cập nhật thông tin, nếu du khách có thắc mắc nằm ngoài nội dung được cài sẵn sẽ không được giải đáp nếu không có hướng dẫn viên đi kèm, những đoạn ghi âm sẵn gây cảm giác nhàm chán. 

Nếu các ứng dụng thuyết minh thiếu linh hoạt trong khi thời lượng thuyết minh và nội dung tích hợp quá nhiều sẽ khiến du khách mất nhiều thời gian… Những hạn chế này, nếu không được khắc phục, ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động sẽ khó khiến du khách hài lòng cũng như phát huy giá trị của hiện vật, tạo sức hấp dẫn cho từng điểm đến nói riêng, du lịch Việt nói chung.

Ngọc Nguyễn
.
.
.