Hiệp định thương mại tự do EVFTA:

Thực thi bản quyền trong văn học nghệ thuật sẽ tốt hơn

Thứ Năm, 20/02/2020, 09:45
Theo Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, nội dung và phạm vi các quyền được bảo hộ và các chủ thể quyền liên quan đến khía cạnh quyền tác giả và quyền liên quan có mức yêu cầu cao hơn. Việc thực thi các cam kết được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động thực thi bản quyền tác phẩm văn học, nghệ thuật nhưng cũng có không ít thách thức với lĩnh vực này trong tương lai gần.

“Về lý thuyết, các quy định về quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm văn học nghệ thuật đã rất rõ ràng nhưng thực tế, các vụ vi phạm bản quyền, đặc biệt là trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình mà bị xử lý theo yêu cầu của chủ sở hữu và người có quyền liên quan chỉ rất hạn hữu”. Đó là khẳng định của luật sư Quản Văn Minh, Giám đốc Công ty Luật Quốc gia – Số 5, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Báo CAND về những thuận lợi và thách thức về thực thi bản quyền tác phẩm văn học nghệ thuật tại Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực.

Luật sư Minh phân tích: Quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng bao gồm quyền nhân thân (gồm công bố tác phẩm, đứng tên bút danh, cho phép người khác công bố tác phẩm, bảo vệ toàn vẹn tác phẩm của mình, đề nghị người khác không được cắt xén, sửa chữa) và quyền tài sản (quyền làm tác phẩm tái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm, phân phối truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng hình thức vô tuyến, mạng thông tin điện tử và bất kỳ hình thức nào, cho thuê bản gốc của tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính…).

Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh thì có người làm công tác đạo diễn, biên kịch, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay… Trong Luật đã quy định rất rõ trường hợp sử dụng các tác phẩm đã công bố thì phải xin phép, trả tiền sử dụng tác phẩm, trường hợp nào được sử dụng, có trả tiền nhưng không phải xin phép, trường hợp nào thì không…

Cùng với Hiệp định EVFTA, việc thực thi bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh Việt sẽ buộc phải nghiêm túc hơn.

Nếu người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì có các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm. Trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì có quyền nhân thân, chủ đầu tư có quyền tài sản. Quyền nhân thân gồm giới thiệu tên, khi phát hành, phát âm, phát sóng thì được giới thiệu tên, bảo vệ toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác cắt xén, sửa chữa.

Quyền tài sản gồm quyền cho phép người khác thực hiện các quyền như: Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên các băng ghi âm ghi hình, sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn đã được định hình trên tác phẩm ghi âm, ghi hình; phát sóng và truyền tác phẩm theo cách khác đến công chúng về buổi biểu diễn… Nếu sử dụng tác phẩm mà không thực hiện theo quy định pháp luật thì chủ sở hữu, người biểu diễn, đạo diễn, biên kịch… của tác phẩm bị xâm phạm sẽ phải kiện ra tòa. Tuy nhiên, chuyện một cá nhân đi kiện ở Việt Nam vì bị vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn rất hiếm. Lý do là thời gian kéo dài, tài chính và hiểu biết pháp luật hạn chế.

Để giải quyết vấn đề này, cần có tổ chức chuyên nghiệp tập hợp và đứng ra bảo vệ họ. Với điện ảnh, truyền hình, sau nhiều nỗ lực của NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có Quyền Linh, mới đây, Hội Bảo vệ Quyền tác phẩm điện ảnh và truyền hình Việt Nam đã được thành lập. Hiện tại, Hội mới triển khai hoạt động bước đầu, vẫn đang xây dựng quy trình, quy chế…

Trong thời gian tới, đây là ngôi nhà chung để bảo vệ quyền của người làm ra các tác phẩm điện ảnh truyền hình một cách chuyên nghiệp, chính xác. Với EVFTA, Việt Nam tham gia vào “sân chơi” chung rộng lớn của quốc tế, nếu người làm điện ảnh, truyền hình không chấp hành các quy định chung sẽ bị xử lý. Vì vậy, ngoài tập hợp đội ngũ và có biện pháp bảo vệ quyền lợi của các hội viên, Hội sẽ phải có những kế hoạch, chương trình hỗ trợ về kiến thức luật pháp cho các hội viên của mình.

Thực tế, từ trước đã có khá nhiều tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ tương tự như Hội Bảo vệ Quyền tác phẩm điện ảnh và truyền hình được thành lập. Tuy nhiên, trừ Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) hoạt động hiệu quả, một số tổ chức khác về bảo vệ quyền tác giả trong văn học, quyền của nghệ sĩ biểu diễn… chưa phát huy được vai trò như kỳ vọng.

Ngoài lý do về tài chính, đội ngũ nhân lực… thì tâm sức, hiểu biết của chính các chủ sở hữu tác phẩm, người có quyền liên quan về thực thi bản quyền vẫn bị chính người trong cuộc than phiền. Vì vậy, với EVFTA, nếu không cẩn trọng sẽ rất dễ vi phạm “luật chơi” chung.

Riêng với VCPMC, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc của VCPMC cho hay, lâu nay, tất cả các hợp đồng của VCPMC đều là hợp đồng song phương, đã được ký từ lâu, kể cả với các đối tác tại các nước châu Âu. Trung tâm chưa có nhiều thông tin về EVFTA nhưng vẫn rất tự tin vào các hoạt động của đơn vị.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho hay, với EVFTA, Việt Nam và Liên minh châu Âu có cam kết cụ thể về nội dung và phạm vi các quyền được bảo hộ và các chủ thể được bảo hộ quyền liên quan tới khía cạnh quyền tác giả và quyền liên quan có mức yêu cầu cao hơn.

Đáng chú ý, theo nội dung cam kết, trong vòng 3 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực, Việt Nam phải tham gia 2 Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) về quyền tác giả và quyền liên quan mà hiện Việt Nam chưa phải là thành viên, bao gồm: WIPO Copyright Treaty - WCT và WIPO Performances and Phonograms Treaty – WPPT.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ trong 2 Hiệp ước này sau thời điểm gia nhập. Cục Bản quyền Tác giả đã có kế hoạch và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tham gia 2 Hiệp ước nói trên.

N.Nguyễn
.
.
.