Thu phí 2.000 đồng/bài hát với quán karaoke: Sẽ thu như thế nào?

Chủ Nhật, 02/04/2017, 08:45
Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) vừa công bố chuẩn bị thu tác quyền bản ghi âm ghi hình với mức phí 2.000 đồng/bài hát với dịch vụ karaoke. Câu chuyện bản quyền trên nhiều diễn đàn “nóng” hơn bao giờ hết. 


Nhân dịp này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với bà Trương Thu Dung, Phó Chủ tịch RIAV về thực trạng bảo hộ bản quyền, làm rõ thêm nhiều vấn đề bạn đọc quan tâm.

PV: Vừa qua, RIAV thông tin sẽ thu phí bản quyền đối với dịch vụ kinh doanh karaoke. Tại sao đến thời điểm này, RIAV mới quyết định thu phí bản quyền đối với dịch vụ này mà không phải sớm hơn ?

Bà Trương Thu Dung: Chúng tôi thu phí bản quyền căn cứ vào điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ đã ban hành năm 2005. Đáng lý RIAV phải thu phí từ thời điểm ấy. Khi chưa làm được việc cần làm, RIAV có lỗi với các hội viên.

Nhưng chúng tôi có khó khăn. Chúng tôi từng tiến hành thu khoán nhưng sau một thời gian, chúng tôi xác định không thể thu khoán được, mà phải thu theo đầu bài hát. Lý do là mỗi đầu máy karaoke thu khoảng 20.000 bài. RIAV cũng được các hội viên ủy thác quyền khoảng 20.000 bài, nhưng thực sự các thương hiệu đầu máy chỉ sử dụng khoảng 5.000 bài, ít thì 2.000 bài của chúng tôi thôi. Số còn lại là họ sử dụng của các trung tâm khác, kể cả của hải ngoại.

Khi chúng tôi thu phí, các nơi này lại cho rằng họ trả khoán cho RIAV. Giả sử sau này, các trung tâm này về đòi phí bản quyền của họ, các đơn vị kinh doanh nói họ đã trả cho RIAV rồi thì chúng tôi biết giải quyết làm sao?

Thứ hai là việc thu phí với các cơ sở kinh doanh, hiện nay, chúng tôi cũng mới chỉ thu bản quyền đối với bản ghi hình thôi. Bản ghi âm thì chưa thu vì phức tạp và khó. Ví dụ, cùng một bài hát của một nhạc sĩ, một ca sĩ hát nhưng nhiều nhà sản xuất, rất khó phân biệt được bản ghi âm nào của nhà sản xuất nào và muốn phân biệt thì phải có hội đồng thẩm định.

Bà Trương Thu Dung.

Còn với bản ghi hình thì bản hòa âm có thể giống nhau, tác giả giống nhau, ca sĩ biểu diễn là một người nhưng đạo diễn thì không ai giống ai, khi nhìn vào hình có thể phân biệt được bài hát này của nhà sản xuất nào, khi thu phí về thì trả lại cho họ cho đúng.

Trước đây, phương tiện không có thì như thế, nhưng bây giờ, sau hơn 1 năm chuẩn bị, chúng tôi có đủ điều kiện để phân tích, xác định mỗi đầu máy sử dụng của các hội viên bao nhiêu bài và trong danh mục bài hát sử dụng thì bản nào là bài nào của ai sản xuất nên thu phí bản quyền ghi âm, ghi hình theo đầu bài hát.

PV: RIAV dựa trên cơ sở nào để đưa ra mức phí 2.000 đồng/bài hát/ đầu thu?

Bà Trương Thu Dung: Các nhà sản xuất của chúng tôi đã cân đong đo đếm rất kỹ để đưa ra mức phí này. Đây là mức tối thiểu nhất. Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau là không bằng một ly trà đá nữa. Nhưng bây giờ mình làm sao để cho người đóng tiền thấy thoải mái, vui vẻ, thấy không có gì quá đáng.

Khi ghi hình, nhà sản xuất có thể chi 50 triệu - 70 triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho một bài hát. Nhưng chúng tôi cũng chỉ dám đưa ra mức phí tối thiểu. Ai cũng hiểu, giá 2.000 đồng/bản ghi âm, ghi hình là rất nhỏ nhưng vẫn đầu tư công sức làm.

Mức phí này chỉ là để cho họ nhận thức rằng phải có trách nhiệm chi trả phí bản quyền trong việc sử dụng sản phẩm chứ không thể bù được chi phí sản xuất ban đầu.

PV: Cả nước có rất nhiều cơ sở kinh doanh. Mức thu thấp nhưng nhiều cơ sở dồn lại sẽ giống như “góp gió thành bão”.

Bà Trương Thu Dung: RIAV hiện nay có khoảng 20.000 bài nhưng không phải đầu máy nào cũng sử dụng hết 20.000 bài này. Có cơ sở kinh doanh karaoke này sử dụng bài này, cơ sở khác thì không sử dụng và ngược lại. Hiện giờ, mỗi cơ sở bình quân lựa chọn sử dụng của chúng tôi chỉ khoảng vài ngàn bài.

PV: Trên cả nước hiện nay có rất nhiều cơ sở kinh doanh karaoke nói riêng, cơ sở kinh doanh từ bản ghi âm, ghi hình nói chung, RIAV sẽ tiến hành thu như thế nào trong thời gian tới và có tự tin kiểm soát được việc tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm kinh doanh hay không?

Bà Trương Thu Dung: Khi đến làm việc với các cơ sở, chúng tôi phải chuẩn bị tài liệu rất kỹ, phải kiểm tra từng đầu máy, thương hiệu của từng đầu máy để đối chiếu. Khi xuống cũng không ký hợp đồng ngay mà phải thông báo trước đó, mang danh mục sản phẩm ghi âm, ghi hình bài hát của RIAV, phải phân tích cho họ vì sao phải đóng, giải thích luật quy định nghĩa vụ của người sử dụng sản phẩm như thế nào, giúp họ hiểu rằng khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình kinh doanh thì phải đóng bản quyền.

Đây cũng là sự chia sẻ với nhà sản xuất để nhà sản xuất có nguồn thu, có điều kiện tái tạo lại sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng cao phục vụ họ sử dụng. Trong danh mục bản ghi âm, ghi hình của chúng có vài chục ngàn bài hát nhưng chúng tôi chỉ thu phí sử dụng mấy ngàn bài cơ sở đang sử dụng thuộc quyền sở hữu của chúng tôi. 3 tháng sau khi giải thích, gặp gỡ với cơ sở, chúng tôi mới tiến hành thu, vì phải để dành thời gian cho họ dò lại, so sánh với danh mục của mình, thấy chính xác rồi người ta mới thoải mái ký hợp đồng với mình.

Chúng tôi chuẩn bị kỹ như thế và đi có lộ trình, đúng luật, đúng quy định cho phép và giá thu tối thiểu nên tin là mọi người kinh doanh sẽ hiểu và hợp tác.

PV: Ngay khi có thông tin RIAV thu bản quyền dịch vụ karaoke, lập tức nhiều người hiểu hát karaoke sẽ phải trả thêm phí, kể cả hát karaoke tại gia đình. Thói quen “xài chùa” đã ăn sâu bám rễ trong suy nghĩ của nhiều người. Thời gian qua, RIAV đã có những hoạt động cụ thể nào để cộng đồng hiểu rõ hơn, thực thi chi trả bản quyền nói chung một cách… “vui vẻ”

Bà Trương Thu Dung: Từ xưa đến giờ người ta quen sử dụng bản ghi âm, ghi hình không phải trả tiền. Nhiều cơ sở sản xuất đầu máy karaoke không mua bản quyền nên không trả phí. Một số cơ sở sản xuất sử dụng 4.000 – 5.000 bài của RIAV nhưng chỉ mua bản quyền khoảng 400 – 500 bài để lấy hợp đồng đối phó với cơ quan quản lý thôi.

Nhiều người còn cho rằng, họ đã trả tiền cho Trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc tức là đã trả cho chúng tôi rồi, sao bây giờ lại đòi nữa? Lúc ấy chúng tôi lại phải giải thích cho họ hiểu tác quyền mà họ đã trả chỉ là cho bản giấy thôi, còn bản ghi là lĩnh vực khác. Muốn thành bản ghi thì phải qua nhiều công đoạn, rất tốn kém.  Chúng tôi rất hy vọng và tin các cơ sở kinh doanh sẽ hợp tác với RIAV.

Riêng với cộng đồng nói chung, vì họ chưa nghe thông báo chính thức từ RIAV, chưa được nghe giải thích nghĩa vụ, quyền lợi, cách thức thu nên họ hiểu là thu phí với tất cả người sử dụng. Thực tế, RIAV chỉ thu phí với các cơ sở kinh doanh. Các gia đình thì không.

PV: Cũng đã có thông tin, người sử dụng bản ghi âm, ghi hình trái phép sẽ bị xử phạt lên đến 25 triệu đồng? Theo bà, việc xử phạt đối với hành vi vi phạm bản quyền với bản ghi âm, ghi hình thời gian qua đã đủ sức răn đe chưa?

Bà Trương Thu Dung: Đến thời điểm này chúng tôi chưa phạt ai hết vì cũng hiểu mình chưa giải thích, họ chưa hiểu thì thu làm sao được. Khi chúng tôi thông báo, nhiều nơi không ký hợp đồng, vẫn tiếp tục vi phạm thì chúng tôi báo với cơ quan chức năng ban ngành xuống kiểm tra. Khi ấy phát hiện thêm là đầu máy nào cũng có những bài hát bị cấm…

Nếu phạt đúng mức cần thiết thì rất lớn. Ví dụ, một bài hát của chúng tôi chi phí vài chục triệu đến hàng trăm triệu rồi. Nếu sử dụng trái phép vài ngàn bài, thậm chí hàng chục ngàn bài thì con số rất lớn. Mức phạt hiện nay vẫn chủ yếu là đánh động ý thức của người sử dụng thôi.

Về giải pháp, trước mắt, đối với những người không chấp hành quy định về bản quyền, chúng tôi nghĩ cần phải tuyên truyền cho họ hiểu về trách nhiệm và nghĩa vụ của họ.

PV: Câu chuyện bản quyền tại Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề. Bản quyền ghi âm, ghi hình  không là một ngoại lệ. RIAV đã, sẽ có những động thái như thế nào để bảo vệ bản quyền của các hội viên nói riêng, góp phần thúc đẩy thực thi bản quyền nói chung?

Bà Trương Thu Dung: Như đã nói ở trên, RIAV đã cố gắng hết sức mình để hoàn thành nghĩa vụ một cách tốt nhất. Với cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi đã có kiến nghị nhiều lần, nhưng chúng tôi cũng xác định, do ý thức của người kinh doanh, người sử dụng chỉ thấy cái lợi trước mắt, không thấy tác hại làm giảm đi tâm huyết của người có chất xám trong lao động nghệ thuật.

Muốn thực thi bản quyền phải cần nhiều cơ quan, ban, ngành cùng phối hợp thực hiện. Chúng tôi cũng xác định, mình rất nóng ruột bảo vệ quyền lợi của mình nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiều việc nên những kiến nghị của mình đưa lên thì người ta không thể xử lý ngay, mà còn phải xem xét các biện pháp sao cho phù hợp.

PV: Xin cảm ơn bà!

Ngọc Nguyễn (thực hiện)
.
.
.