Thiếu kinh phí, chỉ có thể "Làm phim trên giấy"
“Kịch bản của chúng tôi xếp đầy trong tủ”. Đó là khẳng định của Hội Điện ảnh Hà Nội mới đây khi trao đổi với chúng tôi quanh câu chuyện xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội thông qua vai trò của điện ảnh.
So với nhiều loại hình nghệ thuật khác, điện ảnh có nhiều thế mạnh. Bởi lẽ, tác phẩm điện ảnh tác động trực tiếp, hình thức thể hiện sinh động, dễ đi vào lòng người, dễ phổ biến rộng rãi với số đông. Tuy nhiên, từ kịch bản chương trình, kịch bản phim truyền hình cho đến phim truyện nhựa là một khoảng cách khá dài, thậm chí rất dài.
Đạo diễn Đan Thiết Thụ, Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội cho hay, không phải không có lý khi băn khoăn, thậm chí pha chút bức xúc rằng một năm nay, Hội đã tích cực kêu gọi các văn nghệ sĩ là hội viên và không phải hội viên sáng tác kịch bản theo đúng nội dung trọng tâm mà thành phố đề ra: "Người Hà Nội văn minh, thanh lịch" với sự góp mặt của đông đảo hội viên.
Cảnh phim “Long thành cầm giả ca” – một trong số rất ít phim truyện điện ảnh Hà Nội. |
Sáng tác kịch bản là hoạt động thiết thực của các văn nghệ sĩ hưởng ứng chủ trương của thành phố. Đây là một chủ trương vô cùng đúng đắn nhằm phát huy lối sống văn hóa, nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. Nhưng nếu không có tiền để sản xuất, các văn nghệ sĩ chỉ có thể “làm phim trên giấy”. Như thế, công chúng không thể tiếp cận được tác phẩm.
Thành quả lao động của nghệ sĩ có nguy cơ “lưu kho cho vui”. Bản thân ông cũng đứng tên biên soạn 30 tập kịch bản phim truyền hình “ Lê Thái Tổ - Từ Lam Sơn đến Hồ Hoàn Kiếm”. Hội đồng thẩm định đánh giá cao.
Người viết chỉ mong Nhà nước hỗ trợ một phần, trên cơ sở đó kêu gọi nguồn kinh phí xã hội hóa song sau nhiều nỗ lực, nhiều trắc trở, đến thời điểm hiện tại, việc tìm kiếm kinh phí sản xuất phim đã không thành hiện thực.
Đạo diễn Lâm Mạnh Hiệp, nguyên đạo diễn hãng phim truyện Việt Nam cũng cho hay, anh đang có trong tay 35 tập kịch bản phim “Tôi và Hà Nội”. Câu chuyện kể về một người lính từ thời thanh xuân nhưng phải rời mái trường đi chiến đấu. Thời thanh xuân của người lính ấy cũng là tuổi trẻ một thời đáng nhớ của cả một thế hệ. Thời ấy, người trẻ thích đánh dấu tên mình vào gốc cây.
Sau 20 năm chiến đấu ở chiến trường thì anh bị mù. Người bạn gái ở bên khung cửa sổ ngày nào đã lấy chồng. Cái cây khắc tên 2 người đã xù xì theo năm tháng nhưng tên của họ vẫn còn… Câu chuyện của họ là chuyện về tình người Hà Nội trước năm 1954. Nhưng câu chuyện ấy rất có thể sẽ chỉ nằm trên giấy vì không có kinh phí làm phim.
Nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn Nguyễn Sĩ Trung, tác giả của tập kịch bản "Sắc hương Hà Nội" thì chia sẻ: Hiện nay chúng ta nhắc nhiều thành quả cách mạng, ít nói về dấu ấn người Hà Nội mà đây là “mảnh đất” vô cùng màu mỡ.
Cái tinh hoa, tinh túy của người Hà Nội cũng không chỉ gói gọn trong phạm vi cư dân đang sinh sống trên địa bàn Thủ đô mà còn là những thế hệ đã di cư qua nhiều vùng miền khác, lan tỏa giá trị văn hóa của Hà Nội tại các vùng đất ấy, có nhiều cống hiến cho quê hương đất nước.
Họ có thể ở Hà Nội, có thể là những cá nhân đang góp phần dựng xây nên thành phố ngàn hoa ở Đà Lạt, Lâm Đồng, là các nhà khoa học, nghệ sĩ nổi tiếng ở nước ngoài. Đấy là hương sắc của Hà Nội đang lan tỏa.
Dù họ ở đâu thì cãi lõi văn hóa chính vẫn là văn hóa đất Tràng An – niềm tự hào của một thời: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Cốt lõi ấy, rất nhiều kịch bản phim đã “chạm” đến được. Rất nhiều kịch bản hay nhưng nếu không có nguồn kinh phí để sản xuất thì các sáng tác ấy chỉ… để cho vui.