Thanh tra hoạt động của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam
Theo thông tin từ Cục Bản quyền tác giả, để góp phần minh bạch thông tin và giải tỏa các thắc mắc về vấn đề thu chi của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) trong vài năm gần đây, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức thanh tra VCPMC.
VCPMC thành lập ngày 19/4/2002, thuộc Hội Nhạc sỹ Việt Nam, là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, có trụ sở chính tại Hà Nội, Chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh.
Trung tâm là tổ chức đại diện quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan cho khoảng 3.340 tác giả, nhạc sĩ trong nước. Trung tâm cũng là tổ chức đại diện quyền tác giả tại Việt Nam của gần 3 triệu tác giả âm nhạc và lời trên thế giới đối với quyền biểu diễn tác phẩm và/hoặc quyền sao chép tác phẩm.
Việc chi trả tác quyền âm nhạc trong các chương trình truyền hình đang khiến VCPMC và nhà đài đều thắc mắc |
Năm 2015, Trung tâm đã triển khai đàm phán, cấp phép và thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc cho các tác giả, nhạc sĩ 68.784.296.308 đồng. Việc phân phối cho các tác giả, nhạc sĩ được thực hiện theo 4 kỳ/năm theo nhiều phương thức: chi trả trực tiếp tại 2 văn phòng của Trung tâm, chuyển khoản, chuyển tiền qua bưu điện; cử người đến tận nhà chi trả… Số tiền phân phối cho các tác giả quốc tế được thực hiện thông qua các tổ chức đại diện của họ.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, một số nghệ sĩ, nhạc sĩ, đơn vị tổ chức liên tiếp cho rằng việc thu phí và phân phối tiền sử dụng tác quyền của VCPMC chưa hợp lý và minh bạch.
Trước đó, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC đã chia sẻ rằng: VCPMC không có một phần mềm chuyên dụng để ghi lại các chương trình phát sóng và đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đàm phán, xác định giá trị bản quyền thu phí cho các đài phát thanh, truyền hình. Cũng vì thiếu phương tiện đối soát nên việc theo dõi và đối soát mới chỉ được 2% tổng số lượng chương trình và kênh phát sóng trên toàn quốc…