Bảo vệ tác quyền âm nhạc cần phù hợp với đời sống

Thứ Sáu, 28/03/2008, 09:37
Hầu hết các nhạc sĩ mà chúng tôi trao đổi đều cho rằng việc ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đòi tác quyền "nhạc Trịnh" là việc làm hoàn toàn đúng pháp luật nhưng xét ở góc độ ứng xử của cha ông từ xưa đến nay thì việc đòi hỏi quá sòng phẳng như thế chưa hẳn đã là một cách làm hay.

Sau một thời gian dài tạm lắng, thêm một lần nữa, việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam lại được đem ra "mổ xẻ" dồn dập khi ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đề nghị các đơn vị sử dụng ca khúc của anh trai bà phải thanh toán tiền tác quyền cho gia đình...

Tác quyền âm nhạc: Đụng đâu cũng thấy vi phạm

Theo thông tin của Trung tâm Bảo vệ tác quyền Việt Nam phía Nam, hiện nay có khoảng 1.300 tác giả đang ủy quyền thu tác quyền tác phẩm cho Trung tâm. Năm 2007, tổng số tiền tác quyền các tác phẩm âm nhạc Trung tâm đã thu được 7 tỷ đồng, gấp đôi so với tổng thu 3 năm 2004, 2005, 2006.

Tuy ý thức về việc trả tiền tác quyền ca khúc cho tác giả có cao hơn nhưng trừ một số đơn vị đã có thương hiệu: các siêu thị Coop Mark, Metro, phòng trà ATB… còn lại, phần lớn các đơn vị khác đều vẫn "xài chùa". Thế nên, nếu tính đến thời điểm này thì trung tâm cũng mới thu được khoảng từ 5% đến 7% tiền tác quyền ca khúc trong tổng số tiền lẽ ra phải thu.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều nhạc sĩ khác đều cho biết, mặc dù vẫn thấy "đứa con tinh thần" của mình đang được sử dụng tràn lan nhưng chấp nhận để mặc vì ngại chuyện lùm xùm hoặc làm lớn chuyện, sợ kiện tụng xong, nếu có "được vạ thì má cũng sưng"… Phần lớn nhạc sĩ chọn việc ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ tác quyền Việt Nam với tâm lý: Thà có một chút gì còn hơn không.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Giám đốc chi nhánh phía Nam cũng khẳng định: Không kể những quy định chung của thế giới mà chúng ta phải tuân thủ khi gia nhập WTO, Nhà nước ta cũng đã có hàng loạt các văn bản pháp lý có quy định về việc này: Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 61NĐ-CP về chế độ nhuận bút, Nghị định 100/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định 56/2006/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thông tin

 Nhưng với thói quen "xài chùa" nhiều năm nay của dân ta thì việc thay đổi ý thức không thể một sớm một chiều. Đó là chưa kể những khó khăn từ chính những đơn vị có chức năng kiểm tra, kiểm soát: sự hoạt động thiếu đồng bộ, nhiều cơ quan chức năng, đặc biệt là ở các tỉnh, vẫn chưa thực sự nhập cuộc với lý do còn chờ văn bản hướng dẫn… Thế nên, nếu Trung tâm không kiểm tra đến thì thôi, còn nếu đã đụng đâu là thấy vi phạm đó.

100% các quán karaoke tại TP Hồ Chí Minh đều chưa thực hiện đóng tiền tác quyền khi sử dụng các tác phẩm âm nhạc vào mục đích kinh doanh. Hầu hết các kênh truyền hình cáp cũng đều chưa có ý thức về việc trả tiền tác quyền cho các tác giả khi sử dụng ca khúc của họ…

Quan trọng nhất vẫn là sức lan tỏa của tác phẩm vào đời sống

Trở lại với vụ việc ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đề nghị thanh toán tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hầu hết các nhạc sĩ mà chúng tôi trao đổi đều cho rằng đây là việc làm hoàn toàn đúng pháp luật nhưng xét ở góc độ ứng xử của cha ông từ xưa đến nay thì việc đòi hỏi quá sòng phẳng như thế chưa hẳn đã là một cách làm hay.

Một nhạc sĩ xin được giấu tên còn bảo rằng, ông không biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ủy quyền những gì cho gia đình trước khi mất nhưng xét theo tính cách của người nghệ sĩ tài hoa mà một thời đã từng làm bạn với ông thì nếu còn sống, chưa chắc Trịnh Công Sơn đã hài lòng với cách đòi tiền như hiện nay.

Việc các đơn vị sử dụng ca khúc của cố nhạc sĩ vào mục đích kinh doanh phải trả tiền tác quyền là đúng, song số lượng người sử dụng vì yêu mến ông cũng rất nhiều. Hơn nữa, người nghệ sĩ chỉ sống được trong lòng công chúng khi tác phẩm của họ được phổ biến rộng rãi.

Ngay bản thân nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, một trong những người nhất định "miễn bàn" chuyện tác quyền của gia đình nhạc sĩ họ Trịnh cũng thừa nhận rằng, tuy anh tự nguyện làm một trong những người đứng đầu đơn vị đi "đòi" công bằng cho tác giả của các tác phẩm âm nhạc hiện nay nhưng khi tính tiền tác quyền, không thể tính đến mặt bằng chung của xã hội, các thói quen, yếu tố văn hóa ứng xử đặc thù của mỗi quốc gia, dân tộc.

Người Việt vốn nặng chữ tình, không thể cứ sòng phẳng tình ra tình, lý ra lý như ở các nước phương Tây. Phải làm thế nào để vừa đúng luật, vừa đảm bảo được quyền lợi của người sáng tác, song quan trọng trước hết đối với người nghệ sĩ vẫn là việc tạo điều kiện cho tác phẩm đi vào đời sống…

N.Hoa
.
.
.