Làm gì lễ hội hết biến tướng, trục lợi?

Thứ Bảy, 18/02/2017, 07:15
Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 8.000 lễ hội được tổ chức trên cả nước, diễn ra nhiều nhất vào 3 tháng đầu năm. Được coi là sợi dây quan trọng để gắn kết cộng đồng, lễ hội truyền thống mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, hướng con người trở về nguồn cội, hướng đến những giá trị nhân văn và lễ hội cũng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch...


Bài 1: Tả tơi như đi chơi lễ hội

Nhưng, lễ hội hiện nay đang đối diện với nhiều vấn đề nhức nhối: sự hỗn loạn, mê muội của đám đông, ảnh hưởng đến an ninh trật tự… Làm gì để lễ hội truyền thống phát triển phù hợp với văn hóa dân tộc, của xã hội hiện đại mà vẫn đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng đang là bài toán khó rất cần có lời giải.

Đã qua thời gian cao điểm sau khai hội nhưng chùa Hương, Hương Sơn (Hà Nội) vẫn tấp nập khách đổ về.  Ngay từ khu vực thuộc địa phận huyện Ứng Hòa, cứ vài trăm mét, chúng tôi lại gặp một xe máy từ đâu đó bên vệ đường vọt ra chào mời đưa đò. Giá mỗi người mỗi khác, dao động từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng gồm cả lượt đi và lượt về.

Tại bến đò chính, hàng ngàn chiếc thuyền tôn đậu san sát chờ khách. Mùa lễ hội 2017, ban tổ chức cấm triệt để chạy thuyền máy đưa rước khách và quy định khá chặt chẽ từ số lượng người mà nhà đò được phép chuyên chở mỗi chuyến cho đến số lượng phao cứu sinh trang bị trên thuyền…

Khách hành hương mệt mỏi nằm, ngồi ngổn ngang khắp lòng động Hương Tích trong mùa lễ hội 2017.

Nhưng theo quan sát của chúng tôi, khâu kiểm soát các chủ đò trong quá trình chở khách chưa triệt để. Không phải ngày cao điểm, một số thuyền không đón được nhiều khách, chỉ chở một vài người, ngược lại, có những thuyền nhồi nhét rất nhiều du khách. Thấy nhóm chúng tôi vác theo máy quay phim, du khách nữ tên Vân Anh trên một thuyền đi gần gọi với sang nhờ phản ánh giúp đến ban tổ chức vì thuyền chị quá chật.

Chị Vân Anh cho biết, đoàn của mình đến từ Đông Anh, Hà Nội. Quy định cho phép thuyền lớn chỉ được nhận tối đa 20 người nhưng đến bến, chủ thuyền định nhồi nhét cả 40 người trong đoàn. Bị la ó phản đối, họ mới chấp nhận giảm bớt. Thuyền lại gần, chúng tôi vẫn đếm được 28 khách.

Quan sát suốt chặng đường dẫn vào chùa chính – chùa Thiên Trù, chúng tôi thấy các chủ thuyền đều trang bị đầy đủ phao cứu sinh theo quy định, song phần lớn phao lại được buộc chặt vào thuyền, thậm chí còn được khóa trong cả… lồng sắt.

Chủ thuyền hồn nhiên lý giải, họ làm như thế là để tránh mất mát. Phao chỉ dành cho người già và trẻ nhỏ trong trường hợp bất trắc. Người khỏe mạnh thì không cần vì dòng suối Yến nhỏ, nông, thuyền đông, gần nhau, nếu xảy ra sự cố rất dễ ứng cứu nên khách cứ yên tâm là sẽ không việc gì (?)…

Tại điểm cuối của chuyến hành hương – khu vực chùa Thiên Trù và lối dẫn vào động Hương Tích chật như nêm. Tiếng loa chào mời khách mua hàng của các cửa hàng trải dài từ dưới chân núi lên tận sát cửa chùa.

Đồ lễ, hàng quà, đồ lưu niệm, đồ chơi đủ sắc màu, kể cả đồ chơi mang tính bạo lực, sách bói toán được bày bán dọc hai bên đường. Khu cáp treo dẫn vào động Hương Tích, dòng người mệt mỏi đợi chờ. Túi nilon, vỏ đồ hộp, đồ nhựa đựng nước giải khá rải la liệt. Mất hơn nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi mới thoát khỏi “biển người” để vào động.

Sau ít phút thư thả ngắm cảnh trên cao, không khí ngột ngạt trở lại. Toàn bộ lòng động, người chật cứng như nêm. Người xì xụp khấn vái, người nằm, người ngồi ngổn ngang trên các vật dụng tạm, bất chấp việc động được coi là thắng cảnh và chốn linh thiêng.

Một góc động khác, ngay lối dẫn vào bên trong, một đám đông nhốn nháo. Lý do bắt nguồn từ việc một số người giơ tay hứng nước đang nhỏ giọt từ nhũ đá chảy xuống. Một số cho rằng, làm như thế để lấy may đầu năm nhưng không ít người làm theo chỉ vì bắt chước. Trao đổi nhanh về mục đích trẩy hội, không ít nam thanh nữ tú đều cho rằng họ đi chơi cho vui là chính.

Ghi nhận của chúng tôi tại chùa Hương và một số lễ hội lớn tại nhiều địa phương khác như đền Trần (Nam Định), vùng Lim (Bắc Ninh)…, nhiều vấn đề bất cập trong các mùa lễ hội trước đã được giải quyết. Đã không còn tình trạng ăn xin, ăn mày, hàng rong đeo bám du khách, các dịch vụ “hét giá trên trời”…

Nhưng, đêm diễn ra lễ hội chợ Viềng, đêm khai ấn đền Trần (Nam Định), hàng vạn người cùng đổ về một lúc tạo thành đám đông nhốn nháo. Riêng đền Trần, vì ban tổ chức chủ động kéo giãn lượng người dự lễ, đợi gần sáng mới tiến hành phát ấn nên một số du khách trải chiếu, bạt, nilon, nằm vật vờ chờ đợi ngay khu vực trước đền.

Lễ hội cướp Phết tại làng Hiền Quan, huyện Tam Nông, Phú Thọ, dù đã được dự đoán sẽ phức tạp và được ban tổ chức đầu tư chuẩn bị khá kỹ cho phương án bảo đảm an ninh trật tự song vẫn không ngăn được đám đông tràn vào tranh cướp. Tại lễ hội vùng Lim (huyện Tiên Du, Bắc Ninh), từ khu đồi Lim cho đến một số làng, xã, du khách nườm nượp đổ về. Hàng loạt bãi giữ xe tự phát mọc lên bên đường…

Điều đáng nói là những mặt tiêu cực và tích cực của lễ hội đã được cơ quan quản lý, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “bắt mạch” chính xác từ trước thềm mùa lễ hội 2017. Cục Văn hóa cơ sở chỉ rõ: Sự thay đổi về nhận thức, hành vi của những người tham gia lễ hội ngày càng được thể hiện rõ nét, kéo theo các hoạt động văn hóa trong lễ hội cũng thay đổi.

Các hoạt động trong lễ hội ngày càng đa dạng, phong phú hơn nhưng các yếu tố văn hóa truyền thống trong lễ hội đang mai một dần. Một số địa phương tìm cách lách các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội để trục lợi.

Không gian lễ hội chật hẹp, lượng người tham gia vượt quá khả năng đáp ứng của các di tích và lực lượng phục vụ. Việc sưu tầm, nghiên cứu về di tích, lễ hội chưa đủ luận cứ khoa học dẫn đến việc phục dựng có nơi tùy tiện, không đúng bản chất lễ hội… Tuy nhiên, mùa lễ hội 2017, những câu chuyện nhức nhối này vẫn tồn tại.

N.Nguyễn – Q.Cảnh
.
.
.