Ra “tối hậu thư” cho cầu đáy kính không phép ở Đà Lạt
- San lấp miệng hầm trong khu vực khai thác thiếc tại thung lũng Tình yêu
- 'Thung lũng tình yêu' giá 700 triệu đồng?
- “Thiếc tặc” đe dọa Thung lũng tình yêu, Đà Lạt
Ngày 20/3, UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã ra thông báo về việc thực hiện biện pháp khắc phục tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm tại Khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu của Công ty Cổ phần du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng.
Cầu đáy kính không phép ở Lung Lũng Tình Yêu |
Theo UBND TP Đà Lạt, đã quá thời hạn 60 ngày kể từ khi bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chính nhưng Công ty Cổ phần du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng không xuất trình được giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh.
Do đó, UBND TP Đà Lạt yêu cầu doanh nghiệp này trong vòng 15 ngày phải nghiêm túc thực hiện việc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Sau 15 ngày, chủ đầu tư không tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế |
Hết thời hạn trên, Công ty Cổ phần Thành Thành Công Lâm Đồng không thực hiện, cơ quan chức năng sẽ thi hành cưỡng chế tháo dỡ theo quy định.
Liên quan đến vi phạm về trật tự xây dựng tại Khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu, UBND TP Đà Lạt đã xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư 40 triệu đồng, yêu cầu khắc phục hậu quả tháo dỡ công trình vi phạm.
Cầu này đã hoàn thành khoảng 80% |
Trước đó, mặc dù chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng nhưng Công ty Cổ phần du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng vẫn tự ý cho thi công cầu treo đáy kính tại tiểu khu 144B, nằm giữa Thung Lũng Tình Yêu và Đồi Mộng Mơ, cạnh đường Mai Anh Đào, phường 8, TP Đà Lạt.
Quy mô công trình, gồm 2 mố neo 10x15 mét, cao 10 mét; 2 trụ đỡ có kích thước 8x8 mét, cao 20 và 28 mét (hiện đang kéo dây neo và kéo dây đáy kính với chiều dài 221,5m, rộng 2,09m). Chủ đầu tư còn cho lắp dựng khung sắt lắp ghép nhà chờ rộng 8 mét, dài 20 mét, cao 4 mét (hiện đã tháo dỡ).
Cầu đáy kính không phép từ Thung Lũng Tình Yêu bắc qua Đồi Mộng Mơ |
Quá trình thi công cầu treo đáy kính không phép, chủ đầu tư còn tự ý cho chặt hạ 6 cây thông ba lá có đường kính từ 20 - 35cm, cao 10 mét, trên diện tích 270 m2 rừng phòng hộ. Tại hiện trường, PV Báo CAND còn ghi nhận có tình trạng cưa nhỏ gỗ thông thành từng lóng, chôn giấu xuống lòng đất.