Quản lý, cấp phép phổ biến ca khúc: Cần thấu tình đạt lý
- Ca khúc "Nối vòng tay lớn" bất ngờ được cấp phép!
- Về việc ca khúc "Nối vòng tay lớn" phải xin cấp phép biểu diễn!1
- Yêu cầu giải trình việc cấm ca khúc "Màu hoa đỏ"
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết, đến nay, ca khúc “Nối vòng tay lớn” đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn có văn bản chính thức cấp phép phổ biến nên vụ việc cũng được gia đình tạm khép lại. Nhưng lúc ban đầu nghe tin ca khúc “Nối vòng tay lớn” của anh mình chưa được cấp phép, chị ngạc nhiên vô cùng. Sau đó thì buồn. "Bây giờ, xôn xao cũng đã nhiều, nên để mọi chuyện qua đi vì có thể có những khi do sơ xuất mà xảy ra những chuyện đáng tiếc", bà Trinh nói.
Nhiều ý kiến đề nghị nên tạo điều kiện về thủ tục cấp phép cho các tác phẩm âm nhạc. |
Ca sĩ Ánh Tuyết, một trong số các ca sĩ nổi tiếng, có thâm niên biểu diễn và tổ chức biểu diễn cao trong làng nhạc Việt chia sẻ, chị thực sự rất ngạc nhiên khi biết thông tin 4 ca khúc: Nối vòng tay lớn, Huế - Sài Gòn – Hà Nội, Ca dao mẹ, Đêm thấy ta là thác đổ chưa được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến.
Các ca khúc này đã được biểu diễn vài chục năm nay trong rất nhiều chương trình lớn, nhỏ trên cả nước, thậm chí được phát sóng trên cả truyền hình. Bản thân chị cũng từng hát rất nhiều và các chương trình được cấp phép đàng hoàng. Lâu nay, với chị, danh sách thống kê các ca khúc đã được cấp phép đăng tải trên trang web của Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ là một trong các kênh tham khảo thông tin.
Nếu căn cứ theo danh sách này, rất nhiều ca khúc chị biểu diễn, thậm chí là nhiều album nhạc chị hát các ca khúc do nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Phạm Thế Mỹ… đã phát hành rộng rãi trong và ngoài nước, có giấy phép rồi nhưng danh sách thì chưa có. Nếu bây giờ Cục Nghệ thuật biểu diễn có quyết định tương tự như “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì xử lý ra sao với các sản phẩm âm nhạc này của chị?
Nữ ca sĩ Ánh Tuyết cũng chia sẻ, chị vừa trực tiếp biểu diễn vừa đứng ra tổ chức chương trình biểu diễn nên thấy việc cấp phép, công bố ca khúc cấp phép còn rất nhiêu khê. Có nhiều ca khúc chưa có trong danh mục đã cấp phép đăng trên web của Cục nhưng tìm hiểu ra thì văn bản trên giấy có rồi. Như thế là làm khó cho người biểu diễn, người tổ chức biểu diễn, cản trở nhu cầu hưởng thụ tác phẩm của công chúng.
Khoa học công nghệ ngày nay rất phát triển, Cục không thể viện cớ này khác để nói rằng chưa thể thống kê được. Chưa kể, các ca khúc đã rất nổi tiếng, đã đi vào lòng người nhiều năm nay càng không thể cấm được. Với văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, nhiều khi càng cấm càng được người ta hát nhiều. Các ca khúc động chạm đến vấn đề chính trị thì cấm là rõ rồi nhưng các ca khúc về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa đã rất nổi tiếng, người ta thuộc hết rồi, hát hằng ngày, Cục yêu cầu thủ tục cấp phép làm gì?
Nhạc sĩ Nguyễn Quang, con trai của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 – một trong số các tác giả ở miền Nam có nhiều sáng tác nổi tiếng trước năm 1975 cho biết, cha anh có khoảng 100 sáng tác nhưng mới chỉ phổ biến khoảng 30 ca khúc. Anh cũng là một người nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn, tổ chức biểu diễn nên hiểu và hoàn toàn có thể thông cảm với yêu cầu làm thủ tục mới cấp phép phổ biến ca khúc của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Đây là việc làm cần thiết vì không phải tác phẩm nào nghệ sĩ cũng đồng ý cho phổ biến. Tuy nhiên, với các tác phẩm đã rất nổi tiếng, xác định nội dung không vi phạm quy định pháp luật, đã đi vào lòng người nhiều năm thì không thể áp dụng một cách máy móc. Các trường hợp này, Cục Nghệ thuật biểu diễn không nên chờ đến khi có đơn xin cấp phép thì mới cho phổ biến mà nên chủ động rà soát. Nếu Cục thiếu nguồn dữ liệu thì có thể vào Trung tâm Dữ liệu Quốc gia trong TP Hồ Chí Minh. Đây là đơn vị lưu trữ rất nhiều tác phẩm, sách, bản nhạc nổi tiếng của các nhạc sĩ từ trước đến nay.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang cũng đề nghị, cơ quan quản lý cần cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định dừng lưu hành ca khúc nào đó, đặc biệt là những ca khúc nổi tiếng đã từng được cấp phép. Vì ca khúc được yêu thích thì có rất nhiều chương trình, sản phẩm kèm theo.
Ví dụ, ca khúc “Con đường xưa em đi” bị cấm lưu hành nhưng vì trước đây đã được cấp phép, rất nhiều nhà sản xuất làm chương trình, nhiều bản ghi âm ghi hình đã được thực hiện. Không chỉ có các quán kinh doanh karaoke mới sử dụng bản ghi âm ghi hình này mà rất nhiều hộ gia đình trên cả nước sử dụng. Nhà nước có cấm cũng không cấm nổi họ hát…
Góp ý về công tác quản lý cấp phép biểu diễn ca khúc, nữ ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đề nghị, Cục Nghệ thuật biểu diễn nên cập nhật danh mục ca khúc đã cấp phép phổ biến đầy đủ, không chỉ riêng với “kho” sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà của tất cả nhạc sĩ khác. Việc làm này vừa tránh hiểu nhầm, vừa giúp người dân nắm bắt thông tin một cách rõ ràng, nhanh chóng.