Phía trước của tiểu thuyết

Chủ Nhật, 20/12/2015, 09:32
Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 (2011-2015) của Hội Nhà văn Việt Nam là một sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu văn học nước nhà. Cuộc thi đã thu hút 144 tác giả tham gia với 170 tác phẩm, có 34 tác phẩm lọt qua vòng sơ khảo, 12 tác phẩm đoạt giải. Đó là những con số biết nói. Cuộc thi không có giải A. Điều này làm không ít người băn khoăn.


Có 3 giải B (“Người thứ hai” của Tô Hải Vân, “Chim ưng và chàng đan sọt” của Bùi Việt Sỹ, “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” của Vĩnh Quyền). Có chín giải C (“Bác sỹ trưởng khoa” của Vũ Oanh, “Vùng sâu” của Tô Nhuận Vỹ, “Thạch trụ huyết” của Nguyễn Trần Bé, “Hát” của Trần Nhã Thụy, “Dư chấn 3,5 độ richter” của An Bình Minh, “Gã Tép Riu” của Nguyễn Bắc Sơn, “Cuộc đời ngoài cửa” của Nguyễn Danh Lam, “Seo sơn” của Vũ Quốc Khánh, “Đốt trúc” của Nguyễn Đắc Như).        

Nhìn vào độ tuổi của các cây bút tiểu thuyết đạt giải (người trẻ nhất là Nguyễn Danh Lam sinh 1972, Tô Nhuận Vỹ sinh năm 1941) thấy giật mình vì không có tác giả nào dưới 40 (hãy thử nhớ lại trước năm 1945, sẽ thấy những tiểu thuyết gia như Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, đều phát tiết văn tài ở độ tuổi 20). Ai đó nói rằng viết tiểu thuyết phải có trải nghiệm, phải đầy vốn sống, nghĩa là phải sống nhiều. Nhưng ít ai lại nghĩ rằng sức trẻ cũng lại là một lợi thế, một năng lượng tương lai. Những tài năng văn chương cổ kim, đông tây đều không chờ tuổi. Thôi thì hãy đợi đấy, nói như một bộ phim hoạt hình Nga nổi tiếng.

“Người thứ hai”, một trong ba tác phẩm đoạt giải B.

Cảm hứng thế sự - đời tư nổi bật, đậm đà trong các tác phẩm dự thi và đạt giải. Trong tổng số 12 tác phẩm được giải chỉ có “Vùng sâu” của Tô Nhuận Vỹ, “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” của Vĩnh Quyền viết về những dư âm của chiến tranh trong cái nhìn của con người ở thời hậu chiến. “Chim ưng và chàng đan sọt” của Bùi Việt Sỹ là một cuốn tiểu thuyết lịch sử (viết về triều Trần với các nhân vật nổi tiếng của nó). Còn lại 9 tác phẩm là viết về muôn mặt đời thường với biết bao nhiêu hỉ nộ ái ố, tham sân si. Như thế là tiểu thuyết ưu tiên viết về cái chưa hoàn tất, cái thường ngày sôi động quanh ta. Đây có thể coi là niềm an ủi đối với độc giả yêu văn chương và có cảm tình với tiểu thuyết.

Nhìn sâu vào số phận con người trong những biến thiên của lịch sử, những thăng trầm của nhân tình thế thái là ưu điểm nổi bật của “Đốt trúc” của Nguyễn Đắc Như, “Người thứ hai” của Tô Hải Vân, “Bác sỹ trưởng khoa” của Vũ Oanh, “Gã Tép Riu” của Nguyễn Bắc Sơn, “Cuộc đời ngoài cửa” của Nguyễn Danh Lam, “Hát” của Trần Nhã Thụy…

Các tác phẩm đoạt giải cũng cố gắng hướng tới những “góc khuất” của đời sống để truy tìm sự thật và “giải oan” cho những phận người, kiếp người không may mắn. Đó chính là hơi thở nhân văn của tác phẩm khi nhà văn giúp con người vượt lên, thoát ra khỏi cái bẫy của sự hận thù dai dẳng và vô lí (“Đốt trúc” của Nguyễn Đắc Như là một ví dụ điển hình).

Có  tác giả lần đầu thử sức với tiểu thuyết nhưng đã gặt hái được thành công như Vũ Quốc Khánh với “Seo son”, một tác phẩm thấm nhuần tinh thần đương đại, chỉ ra được bằng ngôn từ nghệ thuật cái sức bung phá của cơ chế đời sống hợp theo quy luật tự nhiên. “Bác sỹ trưởng khoa” của Vũ Oanh đi sâu vào một lĩnh vực rất nhạy cảm của đời sống xã hội đương thời – ngành Y tế và việc chăm sóc sức khỏe con người với biết bao nhiêu mặt trái và hệ lụy của nó. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, nếu đừng để cho “việc” che lấp “người”, thì tôi nghĩ, đây sẽ là một tác phẩm tốt hơn cái danh hiệu nó được nhận.

Chưa có sự bứt phá, thay đổi về thi pháp thể loại - đó là nhận xét của những người bỏ công sức theo dõi cuộc thi tiểu thuyết lần này. Đa số các tác giả tiểu thuyết vẫn còn bị gò vào những khuôn thước truyền thống khi viết. Trước hết đó là tinh thần “nệ thực” giống như một cái “vòng kim cô” trói buộc nhà văn. Có người cố gắng viết theo lối “giả tưởng” nhưng lại chưa tới (trường hợp Tô Hải Vân với “Người thứ hai”).

Nệ thực đã trói buộc trí tưởng tượng trong sáng tạo, trong khi chính nghệ thuật ngôn từ lại chấp nhận “cái khả nhiên” (viết về cái có thể có). Về cấu trúc của tiểu thuyết, xem ra chủ yếu vẫn theo lối quen thuộc, vẫn dàn dựng và sắp xếp, gắn nối các bộ phận theo lịch trình thời gian.

Dường như không có tác giả nào vận dụng các phương pháp tân kỳ để cho tiểu thuyết có một chỉnh thể  cấu trúc mới. Thành thử cảm xúc của độc giả trước một tác phẩm ít biến đổi khi tiếp nhận (trong khi trong lĩnh vực xây dựng người ta đang cố tạo ra những kiến trúc không gian sinh tồn mới để hấp dẫn các “Thượng đế”). Lối kể chuyện trong các tác phẩm được giải vẫn không khác gì nhiều so với trước đây ở thế kỷ hai mươi.

Phía trước của tiểu thuyết vẫn là một tâm thế của độc giả khi đón nhận một tác phẩm mới được ghi thể loại là “tiểu thuyết”. Điều đó cắt nghĩa một khoảng cách còn khá dài để tiểu thuyết có thể chiếm lĩnh độc giả ngày nay vốn rất thông minh, đôi khi khó tính, và thậm chí có thể là… đỏng đảnh.

Nếu nói “tiểu thuyết là máy cái của văn chương”, thì trong hiện tại, cỗ máy cái ấy còn chưa hoàn thiện. Nó đang được tu bổ, nâng cấp để một ngày không xa khi xuất xưởng sẽ thực hiện tốt chức năng của mình – đó là nơi lưu giữ hình ảnh của lịch sử và đời sống tâm hồn con người thời đại. Nhưng có lẽ, tôi nghĩ, đôi khi chờ đợi cũng có thể là một niềm vui.

Bùi Việt Thắng
.
.
.