Phát huy giá trị di sản về Bác Hồ ở Cố đô Huế

Thứ Hai, 11/05/2020, 08:01
Cố đô Huế có nhiều di tích gắn liền với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để phát huy giá trị di sản về Bác Hồ, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt…

Những ngày này có nhiều đoàn du khách nước ngoài đến thăm nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 158 Mai Thúc Loan, TP Huế. Nữ hướng dẫn viên với chất giọng mượt mà xứ Huế tận tình giới thiệu với du khách từ ngôi nhà rường 3 gian đến những vật dụng, như giá sách, khung cửi, xa quay, mâm cơm, chén bát, chậu rửa mặt… gắn liền với thời thơ ấu của Bác Hồ được trưng bày tại đây. Các du khách đều ngạc nhiên khi nhìn thấy những hiện vật đơn sơ của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại được trưng bày tại nhà lưu niệm.

“Chúng tôi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại đã cùng nhân dân Việt Nam giải phóng dân tộc nhưng không hình dung được tuổi thơ của ông lại trải qua thời kỳ gian khó như thế. Và thật kỳ diệu khi ông đã trở thành danh nhân văn hóa thế giới. Chính vì thế, mỗi lần đến Huế, tôi và bạn bè thường đến đây tham quan để hiểu rõ hơn về những câu chuyện lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, một nữ du khách Pháp chia sẻ.

Di tích nhà lưu niệm Bác Hồ tại số 158 Mai Thúc Loan, TP Huế.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Thoại (52 tuổi), người trông coi nhà lưu niệm Bác Hồ cho hay, ông đã có hơn 20 năm làm việc tại di tích này và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ông Thoại bảo: “Vừa qua, do tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nên di tích phải đóng cửa một thời gian. Di tích mới mở cửa đón khách tham quan trở lại vào ngày 29-4. Trước đây, mỗi ngày di tích đón hàng chục đoàn khách du lịch vào tham quan và dâng hương Bác”…

Tại nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang), những ngày này cũng có khá đông du khách đến tham quan, dâng hương Bác. Đây là ngôi nhà mà Bác Hồ sống từ năm 1898 đến 1900. Theo sử liệu, cha và anh trai Bác đã dạy học tại ngôi nhà này và Bác đã được học những chữ Hán đầu tiên. Và, cùng với ngôi nhà, bến Đá, am Bà, đình làng Dương Nỗ đã trở thành cụm di tích liên hoàn ghi dấu những câu chuyện về tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chị Nguyễn Thị Vân Quỳnh, thuyết minh viên Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên-Huế thường có ca trực mỗi tuần tại nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ, song chị vẫn không giấu được xúc động khi giới thiệu về di tích đến du khách. Chị Quỳnh tâm sự: “Dù đã nhiều lần thuyết minh, giới thiệu đến du khách về các hiện vật, kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng lần nào mình cũng có cảm xúc dâng trào, nhất là vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác. Bởi trên hết đó chính là lòng biết ơn vô hạn về sự hy sinh vì lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân mà Người đã hiến dâng trọn cả cuộc đời”.

Làm việc với chúng tôi, bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên-Huế, cho hay, ngoài di tích nhà lưu niệm Bác Hồ tại 2 địa chỉ trên, di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Huế là hệ thống di tích lưu niệm về Người vô cùng quý giá. Đó là các di tích chợ Xép, miếu Âm Hồn, Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Trường Quốc học, địa điểm Tòa Khâm sứ Trung kỳ, địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan…

Nhiều năm qua, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng bộ chính quyền và nhân dân Thừa Thiên-Huế trân trọng gìn giữ, trùng tu tôn tạo. Hiện Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế đang thực hiện các bước đầu tiên để chuẩn bị lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt nhằm phát huy giá trị của cụm di tích này. Cũng theo bà Lê Thùy Chi, do vật liệu ở một số điểm di tích, như nhà lưu niệm Bác Hồ được làm bằng tranh tre nhanh xuống cấp nên cần có biện pháp nghiên cứu, tôn tạo để phát huy tốt hệ thống di tích Bác Hồ.

Bên cạnh đó, không gian văn hóa của di tích cũng cần được đầu tư mở rộng. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên-Huế đang xây dựng hệ thống nhận diện di sản Bác Hồ ở Huế qua logo; xây dựng đề án phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng trùng tu, tôn tạo các di tích, lập các tour tuyến tham quan di tích gắn liền với các điểm du lịch cộng đồng, tổ chức các hội thảo xúc tiến, khảo sát du lịch để các hãng lữ hành cùng tham gia.

Với những giải pháp thiết thực ấy, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên-Huế sẽ tiếp tục được gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa...

Anh Khoa
.
.
.