Vì sao điểm du lịch nổi tiếng Cửa Đại "vắng như chùa Bà Đanh"

Thứ Tư, 16/11/2016, 09:33
Những ngày này về thăm Cửa Đại, TP Hội An (Quảng Nam), chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, lo lắng. Từng là một điểm du lịch nức tiếng gần xa, thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước, giờ đây Cửa Đại trở nên heo hút hẳn…


Khoảng bốn năm về trước, sự thay đổi bất thường của tiết trời đã khiến cho bờ biển Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng. Những bãi cát vàng thơ mộng đã dần bị sóng biển cuốn trôi, hàng trăm cây phi lao, cây dừa rợp bóng cả một vùng đã bị cuốn theo sóng biển. Và, chẳng bao lâu sau, hàng chục mét đất dọc bờ biển bị sóng “nuốt hẳn”.

Cùng với đó, những khu resort, nhà hàng cũng đổ sụp do biểm xâm thực sâu vào đất liền… Từ đó đến nay,  mặc cho chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm, bàn kế cứu bờ biển Cửa Đại, song nạn sạt lở do biển xâm thực, nhất là vào mùa mưa bão, chưa thể cứu vãn được…

Buôn bán đã nhiều năm bên bờ biển Cửa Đại, bà Hồ Thị Lạt (66 tuổi) không sao nén được nỗi buồn:  “Tui buôn bán ở đây mấy chục năm rồi, từ hồi khách Tây còn chưa đến. Rứa mà chưa bao giờ ế khách như bây giờ. Nhiều khi con cái cũng khuyên tui nên đóng quán nghỉ cho khỏe, nhưng ở đây riết rồi cũng thành quen nên muốn bỏ cũng khó lắm”.

Cùng tâm trạng như bà Lạt, nhiều người đã quen cái vị mặn mà của biển, tiếng gió xôn xao, hay sự náo nhiệt, đông vui dọc bờ biển khi Cửa Đại còn bãi biển rộng lớn. Thế mà giờ đây, đành phải ngồi nhìn sóng biển ngày một ăn sâu vào khu dân cư.

Cán bộ, chiến sĩ Công an cùng người dân Cửa Đại, Hội An, đắp đất xây kè chống biển xâm thực.

Chị Nguyễn Thị Bé (44 tuổi) tâm sự: “Hồi trước tôi cùng nhiều chị em lúc nào ra đây cũng bán được hàng. Người tắm biển đông nghịt, người mua dăm ba thứ thì không lo bị ế, vì thế ai nấy cũng hăm hở lắm. Chứ không như bây giờ, từ hồi biển bị sạt lở thì họ cũng nghỉ bán gần hết, vì khách chỉ lác đác thôi nên ai cũng buồn lắm”.

Gắn bó với Cửa Đại tự thuở ấu thơ đến bây giờ, chị Bé nói rằng, từ thời còn cắp sách thì chị đã ra bãi biển đây phụ mẹ bán hàng. Rồi chị lấy chồng, sinh con, vẫn bán hàng bên biển. Nhưng giờ đây bãi biển bị sạt lở, chị bỗng thất nghiệp.

Dõi mắt hướng về phía bờ kè chắn sóng, chị khẽ nói: “Tôi từng tuổi này rồi, xin làm công nhân ai cũng không nhận, trước giờ chỉ có việc này là kiếm tiền ổn định thôi. Giờ làm nông thì thất bát, biển thì vắng người nên buôn bán ế ẩm quá, chẳng biết làm sao lo đủ cho chồng cho con”...

Từ khi Cửa Đại bị biển xâm thực mạnh, cuộc sống của người dân trong vùng cũng cơ cực hơn bội phần. Hàng chục nền đất trước đây là quán nhậu, quầy hàng đông vui, sầm uất mà giờ bỗng vắng hoe, chỉ còn bốn quầy hàng là còn bám trụ.

Lặng nhìn những mùa mưa bão đi qua hay những đợt không khí lạnh ùa về mang theo những con sóng ầm ào hung dữ, khoét sâu vào bờ biển như những mũi dao cứa vào da thịt, những người một thời mưu sinh trên bãi biển như bà Lạt, chị Bé… chỉ biết lặng thầm nuốt nước mắt vào trong.

Mỗi mùa mưa bão, họ cùng người dân trong vùng và lực lượng vũ trang ngày, đêm nỗ lực kẻ lấy đất, người đắp kè để cố giữ được chút nào hay chút đó, ngăn không cho biển nuốt bờ.

Và, mỗi khi có tin lãnh đạo chính quyền về thị sát Cửa Đại, họ và người dân trong vùng đầu hy vọng, chia sẻ cho nhau niềm vui, như tình yêu dành cho Cửa Đại đã khắc vào sâu trong tâm khảm của mỗi người.

Mỗi khi sóng gió nổi lên, hàng trăm người ngày đêm nỗ lực lấy đất, đắp kè để cố giữ bờ biển, ngăn không cho biển xâm thực. Ai nấy đều kỳ vọng rằng được sự quan tâm của chính quyền các cấp, bờ biển Cửa Đại sẽ nhanh chóng được cứu rỗi, phục hồi nguyên bản như xưa...

Hà Ngọc
.
.
.