Nỗ lực bảo tồn các đền tháp Mỹ Sơn
- Hoàn thành việc trùng tu đoạn đường cổ tại Di sản Mỹ Sơn
- Di tích Mỹ Sơn xuống cấp trầm trọng vì thiếu tiền trùng tu
- Thánh địa Mỹ Sơn
Khu vực Di sản thế giới của Khu di tích Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã được UNESCO công nhận có diện tích 142ha. Đặc điểm của Khu di tích Mỹ Sơn là các đền tháp đều nằm ở khu vực trung tâm của thung lũng Mỹ Sơn, phân bố tương đối đều ở hai bên dòng khe Thẻ bắt nguồn từ núi thiêng chảy về hướng Bắc, tượng trưng cho nữ thần Ganga, vợ của thần Siva.
Các chuyên gia tích cực trùng tu đền tháp tại Khu di tích Mỹ Sơn. |
Dòng suối này chảy qua Mỹ Sơn, qua vùng đất cố đô Trà Kiệu và đổ vào dòng sông Thu Bồn. Xung quanh khu di tích được các núi đá và núi đất vây bọc, che chở tạo nên một cảnh quan hùng vĩ, thâm nghiêm rất phù hợp với tính chất tâm linh của khu đền tháp.
Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn với đặc thù phân bố trên địa bàn rộng, vật liệu sử dụng đã lâu nên vấn đề bảo tồn, trùng tu tôn tạo rất phức tạp, gặp nhiều khó khăn.
Đợt tu bổ, bảo tồn lớn do Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp chỉ đạo thực hiện vào thập niên 30 của thế kỷ XX được xem là đợt tu bổ, bảo tồn đầu tiên ở Mỹ Sơn sau khi Khu đền tháp Mỹ Sơn được phát hiện lại, là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử hiện đại của khu di sản.
Trong đó, cụm đền tháp B-C-D với vị trí trung tâm cùng với mật độ dày đặc các công trình với nhiều loại hình kiến trúc đa dạng đã trở thành biểu tượng chung cho Di sản Văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn. Hình ảnh cụm đền, tháp này được như ngày nay là do chúng đã được tu bổ, gia cố và tôn tạo một phần trong đợt tu bổ ở thập niên 80 của thế kỷ XX với sự giúp đỡ của các chuyên gia về tu bổ di tích của Ba Lan, trở thành một trong những hình mẫu cho công cuộc bảo tồn và tu bổ các đền, tháp ở Mỹ Sơn sau này.
Theo ông Nguyễn Công Khiết, Phó Trưởng Ban quản lý (BQL) Di tích và Du lịch Mỹ Sơn, công tác gia cố, tu bổ và phục hồi từng phần các di tích kiến trúc trong Khu đền tháp Mỹ Sơn là một trong những hoạt động trọng tâm, được ưu tiên hàng đầu nhằm bảo tồn, gìn giữ các giá trị cơ bản của di sản. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, BQL Di tích và Du lịch Mỹ Sơn đã phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước tiến hành nghiên cứu, tu bổ các đền tháp bị xuống cấp.
Gần đây nhất, từ tháng 3 đến 5-2017, BQL phối hợp với nhóm chuyên gia Ấn Độ đã triển khai dự án khai quật và trùng tu khu tháp K, H tại Khu di tích Mỹ Sơn. Đặc điểm thực tế trước khi triển khai dự án là khu tháp H tọa lạc trên một ngọn đồi, hầu hết các ngôi tháp tại đây đã bị tác động của thời gian và chiến tranh làm hư sập trở thành phế tích, chỉ còn mảng tường phía Tây tháp H1 cao gần 7m, lộ rõ những đường gờ dọc và các giật cấp ngang sắc sảo, bề mặt gạch tương đối chắc, tường khá phẳng không có điêu khắc hoa văn.
Còn khu tháp K tình trạng cũng tương tự như nhóm tháp H, hư sập nhiều chỉ còn 2 bức tường hai bên. Khu tháp này hầu như chưa có dấu vết can thiệp nào của công tác bảo tồn qua các giai đoạn trùng tu ở Mỹ Sơn.
Trước thực tế đó, các chuyên gia đã bảo tồn khu tháp K dựa vào yếu tố gốc, bậc cấp cửa Đông và 2 đoạn tường đường dẫn hai bên khu tháp đã được trùng tu. Còn với khu tháp H, do các tháp ở đây đã bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập nên việc trùng tu, gia cố chưa được tiến hành, do đó các chuyên gia đã chằng chống bằng gỗ tạm thời vào những điểm kết cấu yếu của kiến trúc và sẽ trùng tu khi phù hợp.
Ông Nguyễn Công Khiết cho rằng việc trùng tu, tôn tạo các đền tháp đến nay còn gặp những trở ngại lớn về phương pháp - kỹ thuật, vật liệu, chất liệu. Do đó, công việc tìm kiếm vật liệu trùng tu ở Mỹ Sơn chỉ có thể phát triển theo hướng tìm kiếm các vật liệu có các đặc tính gần giống nhất với vật liệu gốc, có thể đạt được tương đồng về cấu trúc khối xây, đồng nhất về kết cấu song không gây hại cho vật liệu gốc.
Ngoài ra, sự tác động của môi trường ngày một khắc nghiệt do biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó những ảnh hưởng lên di tích hằng năm như lũ cục bộ tại di tích vào các tháng mùa mưa, nắng nóng khắc nghiệt gây những khó khăn trong công tác bảo tồn và trùng tu khu di sản…
Vì vậy, bên cạnh việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân có chuyên môn nghiên cứu, hỗ trợ công tác trùng tu di tích, BQL Di tích và Du lịch Mỹ Sơn cũng đã đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần đẩy mạnh các chương trình hành động ưu tiên những năm tới cho công cuộc bảo tồn và phát huy Di sản Mỹ Sơn.