Những người “giữ lửa” cuối cùng của làng gốm Mỹ Thiện

Thứ Bảy, 06/05/2017, 09:47
Nhiều năm qua, vợ chồng ông Đặng Văn Trịnh - bà Phạm Thị Thu Cúc ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn, Quảng Ngãi) dù khó khăn vẫn quyết tâm đeo đuổi nghề gốm, với hy vọng “giữ lửa” làng gốm truyền thống Mỹ Thiện bên dòng sông Trà Bồng…


Nhìn cái cách vợ chồng ông Trịnh nâng niu từng chiếc hũ, thạp, bình hoa tinh xảo… kỹ càng giới thiệu từng chi tiết cũng như cách làm nên một sản phẩm gốm cho du khách tại Festival Nghề truyền thống Huế 2017 mới thấy được nhiệt tâm của họ đối với nghề gốm thủ công truyền thống như thế nào.

Ông Trịnh cho biết, tham dự Festival nghề năm nay, cơ sở gốm của gia đình ông chỉ có mục đích duy nhất là quảng bá dòng sản phẩm gốm truyền thống Mỹ Thiện đến du khách. Vì thế, vợ chồng ông đã không quản vất vả để đưa gần 200 sản phẩm gốm vượt chặng đường dài ra Huế.

Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh và các sản phẩm gốm do gia đình ông sản xuất.

Chỉ cho chúng tôi thấy những sản phẩm gốm đủ kích thước, chủng loại được bày trên kệ, ông Trịnh nói: “Nhìn vậy chứ phải ngót nghét gần 20 năm và tốn rất nhiều công sức, gốm Mỹ Thiện mới được hồi sinh để giờ đây có mặt cùng với các dòng gốm như Bát Tràng, Hà Nội, gốm Chăm, Bàu Trúc - Ninh Thuận hay gốm Phước Tích, Huế”.

Hỏi ra mới hay, làng gốm Mỹ Thiện được hình thành cách đây khoảng hơn 200 năm. Theo sử sách, ông Phạm Công Đắc và Nguyễn Công Ất quê ở Thanh Hóa cùng gia đình di cư vào Nam, dựng lên những lò nung đầu tiên, khai mở nghề gốm sứ ở làng Mỹ Thiện bên bờ sông Trà Bồng.

Nhiều nghệ nhân có tiếng của làng gốm từng được triều đình nhà Nguyễn cho mời gọi để sản xuất các đồ gốm tinh xảo trong cung phủ và làm tặng vật. Những năm đầu thập kỷ 80, làng gốm Mỹ Thiện có hàng chục lò chuyên sản xuất các mặt hàng gốm gia dụng.

Gốm được sản xuất thủ công với kỹ thuật bàn xoay, nguyên liệu làm cốt gốm là đất sét được lọc kỹ tạp chất. Năm 1982, HTX gốm Mỹ Thiện thành lập với hơn 200 xã viên, các lò gốm Mỹ Thiện hoạt động hết công suất để tạo nên sản phẩm gốm cung ứng cho thị trường miền Trung và Tây Nguyên.

“Mặc dù sản phẩm gốm tinh xảo, dễ sử dụng lại không độc hại nhưng lại bị các mặt hàng đồ nhựa Trung Quốc có giá thành rẻ cạnh tranh khiến người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm gốm truyền thống.

Vì thế mà chỉ 10 năm sau, HTX gốm Mỹ Thiện giải thể, các lò gốm dần đóng cửa, nhiều gia đình có nghề làm gốm lâu đời phải chuyển sang mưu sinh bằng nghề khác”, giọng ông Trịnh chùng xuống khi nhớ lại những ngày gian khó.

Gia đình nhiều đời làm nghề gốm nên ông Trịnh quyết không để lò gốm của nhà mình tắt lửa. Ông chuyên tâm học hỏi các kỹ thuật làm gốm thủ công từ cha mình là cụ Đặng Thạnh, một nghệ nhân có tiếng của làng gốm Mỹ Thiện.

Duyên số hơn, bà Cúc vợ ông cũng xuất thân trong gia đình truyền thống làm gốm, nên cùng nhau nuôi chí phục hồi gốm Mỹ Thiện.

Với quyết tâm ấy, vợ chồng ông thay đổi phương thức sản xuất, sáng tạo ra nhiều mẫu mã gốm độc đáo dùng để trang trí nội thất ở khách sạn, resort như bình hoa, bình vôi, tượng động vật, ấm trà, ché đựng rượu… tráng men tinh xảo. Rồi họ lặn lội ra Đà Nẵng, vào Bình Định, Phú Yên, lên tận Gia Lai, Kon Tum... để giới thiệu, quảng bá từng sản phẩm gốm Mỹ Thiện đến người tiêu dùng.

“Có công mài sắt có ngày nên kim”, từ những đơn hàng nhỏ lẻ, càng về sau, lò gốm của vợ chồng họ càng nhận được nhiều đơn hàng lớn từ khắp các tỉnh, thành miền Trung-Tây Nguyên. Tên tuổi gốm Mỹ Thiện dần được phục hồi trong làng gốm sứ Việt Nam…

Đôi tay thoăn thoắt tạo hình gốm thủ công trên chiếc bàn xoay để trình diễn cho du khách xem, bà Cúc kể tiếp, khi lò gốm đang trên đà phục hồi thì cơn bão số 9 năm 2009 quét qua khiến cơ sở thiệt hại nặng nề, họ lâm vào cảnh gần như trắng tay. Bà cùng chồng phải xoay xở khắp nơi để vay một số tiền lớn rồi dựng lại lò nung.

Đặc biệt, để “chinh phục” những khách hàng khó tính, họ còn tìm cách phục hồi công thức pha chế men gốm cổ truyền từ đá núi trong vùng. “Một trong những nét độc đáo của gốm tráng men Mỹ Thiện là kỹ thuật nung qua 2 lửa.

Lần nung thứ nhất để tạo cho xương gốm chắc, lần thứ 2 sản phẩm gốm được nhúng men rồi cho vào lò nung, và màu sắc của sản phẩm sẽ thay đổi theo nhiệt độ. Nhìn vào lớp men gốm có thể thấy được kỹ thuật điêu luyện và sự tài hoa của người làm gốm đạt đến giới hạn nào...”, ông Trịnh chia sẻ.

Nhờ đôi bàn tay tài hoa và công sức phục hồi làng gốm truyền thống Mỹ Thiện, năm 2016, ông Trịnh đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.

“Công đoạn, kỹ thuật làm gốm Mỹ Thiện khá phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó của người thợ. Ngày nay, người làm gốm có tên tuổi ở Mỹ Thiện chỉ đếm trên đầu ngón tay… Tôi luôn mong mỏi lớp trẻ tiếp tục theo đuổi nghề này để làng nghề gốm truyền thống do cha ông đã bỏ nhiều công sức dựng xây không bị mai một...”, ông Trịnh đau đáu nỗi niềm.

Anh Khoa
.
.
.