Những món ăn tinh thần phong phú

Thứ Sáu, 17/06/2016, 09:12
Trong những năm qua hoạt động báo chí, văn hóa văn nghệ của lực lượng Công an có nhiều khởi sắc. Báo CAND và các chuyên đề tiếp tục khẳng định được vị thế trong làng báo và với bạn đọc.

Kênh Truyền hình CAND (ANTV) ra đời đánh dấu một bước đi mới trong công tác tuyên truyền của lực lượng Công an. Trong bối cảnh các kênh truyền hình ra đời hàng loạt, ANTV đã có sự lớn mạnh vượt bậc, có được chỗ đứng xứng đáng trong lòng khán giả, để trở thành một trong những kênh truyền hình có số lượng người xem đông đảo. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác cũng phát triển mạnh mẽ với hàng loạt vở diễn, chương trình ca múa nhạc thu hút khán giả và được trao nhiều giải thưởng trong các Liên hoan, Hội diễn sân khấu toàn quốc.

Sự phát triển chung ấy chính là nhờ nỗ lực rất lớn của lãnh đạo và từng thành viên các đơn vị, chuyên ngành, nhưng có một dấu ấn đáng kể của người đã hàng chục năm gắn bó và tâm huyết với hoạt động này. Đó là Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, nguyên Tổng Biên tập Báo CAND, Tổng biên tập Kênh Truyền hình CAND, một thương hiệu của làng báo Việt Nam.

Cảnh trong vở “Người đàn bà uống rượu” (kịch bản: Nhà văn Hữu Ước) - một trong những tác phẩm gây ấn tượng khi tham gia Liên hoan sân khấu hình tượng người chiến sĩ Công an 2015.

Là người năng động, sáng tạo, nhiều năm đứng đầu Báo CAND và Truyền hình CAND, Trung tướng Hữu Ước luôn mang đến cho bạn đọc những món ăn mới, hấp dẫn. Ông từng tâm sự: Tôi luôn có một chiến lược lâu dài với sự phát triển của hệ thống báo chí. Người làm báo giống như một đầu bếp, dù có nấu một món ăn rất giỏi thì cũng không ai thích ăn mãi. Vì thế, suốt những năm làm Tổng biên tập, một vài năm tôi lại “tung” ra một “chiêu”, để bạn đọc luôn có món ăn mới.

Qua 3 lần Liên hoan sân khấu (LHSK) về Hình tượng người chiến sĩ CAND đều có sự đóng góp đáng kể của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước. LHSK lần đầu diễn ra, tất cả mọi thứ còn bỡ ngỡ, nhưng với những mối quan hệ của một nhà văn, một biên kịch, Trung tướng Hữu Ước đã kêu gọi được gần 20 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp - con số tương đương với các Hội diễn sân khấu toàn quốc - ở đủ mọi loại hình sân khấu cùng nhiều diễn viên tên tuổi của cả ba miền đất nước tham gia. 

Thành công của LHSK lần đầu đã mở ra nhiều tiền lệ: Đề tài về người chiến sĩ Công an đã được nhiều biên kịch khai thác hơn, nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp dàn dựng hơn và đặc biệt là, qua những vở diễn về đề tài này, khán giả đã hiểu nhiều hơn về cuộc sống và công việc của người chiến sĩ Công an. 

Hơn nữa, với những gì đã đạt được từ LHSK lần 1, 10 năm qua, cứ 5 năm một lần, LHSK lại được tổ chức, để làm phong phú thêm hình tượng người chiến sĩ CAND trong cuộc hội tụ của các đơn vị nghệ thuật. Với LHSK lần thứ ba, ông cũng tận tâm đóng góp cho tới ngày nghỉ hưu.

Là người sáng tác văn học, cũng là một chiến sĩ Công an, Trung tướng Hữu Ước thấu hiểu và trân trọng những người cầm bút. Đặc biệt là những người viết về đồng đội của ông trên các trận tuyến - những chiến sĩ Công an sẵn sàng hy sinh vì sự bình yên của nhân dân và an ninh của Tổ quốc. 

Bởi thế, trong từng cương vị, ông đều tham mưu với cấp trên, hoặc chỉ đạo để các đơn vị liên quan như Báo CAND, NXB CAND tổ chức các cuộc thi viết về hình tượng người chiến sĩ Công an, tổ chức các trại viết, các đợt đi thực tế cho các nhà văn, người cầm bút được tiếp cận với cuộc sống và chiến đấu sôi động của các CBCS Công an ở nhiều lĩnh vực, nhiều vùng đất. Kênh truyền hình CAND cũng tổ chức chuyên mục về những tấm gương tiêu biểu của lực lượng Công an.

Để lại sau những cuộc thi, những chuyến thực tế, là những cuốn tiểu thuyết, những tập truyện ngắn, những kịch bản thấm đẫm hình ảnh đầy hy sinh, tận tụy của người chiến sĩ Công an, được viết lên bằng cả sự thấu hiểu và sẻ chia. Mỗi tác phẩm lại như những cánh cửa mở ra, soi rọi rõ hơn cuộc sống chiến đấu cũng như đời sống tinh thần của người chiến sĩ Công an, để công chúng thêm hiểu rằng, họ hoàn toàn không phải là những người chỉ biết có nguyên tắc. Trái lại, họ cũng có trái tim tràn ngập yêu thương, biết rung cảm trước những nỗi đau của con người, bất công của xã hội.

Khi ở cương vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Trung tướng Hữu Ước đã luôn quan tâm, tạo điều kiện phát triển hoạt động văn hóa nghệ thuật, để các vở diễn được dàn dựng nhiều hơn, các chương trình ca múa nhạc có chất lượng ra đời, góp phần nâng cao đời sống tinh thần phong phú cho CBCS Công an, đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Nhìn lại một chặng đường phát triển của báo chí, văn hóa văn nghệ trong CAND, thấy ấm áp và tự hào hơn, khi nhận ra rằng, hoa thơm trái ngọt vẫn đang kết trái từ mảnh đất lành, do những bàn tay đã cần mẫn chăm bón cho tương lai.

Thanh Hằng
.
.
.