Nhận diện nhiều vấn đề lớn của văn học, nghệ thuật Việt Nam

Thứ Tư, 06/12/2017, 09:43
“Đời sống văn học, nghệ thuật (VHNT) vẫn thiếu vắng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng sự trông đợi và kỳ vọng của công chúng. Hoạt động lý luận, phê bình (LLPB) còn trầm lắng, thiếu tính tích cực, chủ động, sắc bén, còn bộc lộ khá rõ tính nghiệp dư, tự phát, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn sáng tác và tiếp nhận VHNT”.


Đây là ý kiến đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương (TƯ) tại hội thảo khoa học toàn quốc mang chủ đề “Các xu hướng vận động của VHNT Việt Nam hiện nay, thực trạng và định hướng phát triển" tổ chức tại Quảng Ninh ngày 5-12, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, các nhà nghiên cứu LLPB VHNT và đại diện nhiều bộ, ban, ngành v.v…

Thực trạng đó chính là lý do để Hội đồng LLPB VHNT TƯ tổ chức hội thảo này, nhằm đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc các xu hướng vận động của VHNT ở nước ta hiện nay và đưa ra các giải pháp phù hợp.

Nhìn lại tình hình VHNT thời gian qua, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X), VHNT Việt Nam tiếp tục có sự phát triển, đạt được nhiều thành tựu cả về sáng tác, LLPB, sản xuất, trình diễn, quảng bá tác phẩm...

Hơn 200 đại biểu tham dự hội thảo.

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ đánh giá một cách thẳng thắn: So với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, hoạt động VHNT thời gian qua phát triển chưa tương xứng, còn bộc lộ không ít yếu kém, khuyết điểm. Khuynh hướng chạy theo hình thức, xem nhẹ các giá trị thẩm mỹ và nhân văn của VHNT chưa được khắc phục, mà có lúc, có nơi còn có chiều hướng gia tăng. Thị hiếu thẩm mỹ văn hóa, VHNT của một bộ phận công chúng đang chịu những tác động theo khuynh hướng lệch lạc, thiếu lành mạnh, thậm chí tiêu cực. Nhiều vấn đề lý luận cơ bản chưa được quan tâm đúng mức, chưa làm rõ được những vấn đề lớn, quan trọng của VHNT, nhiều vấn đề chưa được nhận thức, lý giải một cách có hệ thống, toàn diện và sâu sắc.

Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng LLPB VHNT TƯ - PGS.TS. Phan Trọng Thưởng cũng cho rằng: Nhìn một cách khái quát bức tranh VHNT, dễ dàng nhận thấy một thực trạng sôi động, phong phú và đa dạng nhưng cũng khá ngổn ngang, bề bộn và phức tạp… Trong sáng tác hiện có hàng chục xu hướng. Trên phương diện tiếp nhận, chưa bao giờ công chúng VHNT lại phân hóa sâu sắc về thị hiếu thẩm mỹ như hiện nay. Trước một tác phẩm, một hiện tượng, ý kiến khen, chê khác nhau… Trong tình hình VHNT như vậy, việc lý giải chính xác các xu hướng vận động, chỉ ra các yếu tố và cơ chế tác động, tính chất và triển vọng của mỗi xu hướng đặt ra như một yêu cầu khoa học cấp thiết, không chỉ trong hoạt động LLPB, mà còn với thực tiễn sáng tác, tiếp nhận lẫn quản lý.

Tuy nhiên, ông Thưởng cũng nêu rõ quan điểm thảo luận: Trước một thực tiễn đang vận động, các nhận thức, lý giải ở hội thảo này không phải để can thiệp thô bạo vào các xu hướng, làm nghèo đi tiềm năng và sức sống đa dạng của VHNT, mà trái lại, để chủ động nắm bắt thực tiễn, chủ động tạo ra các điều kiện thuận lợi cho các xu hướng VHNT lành mạnh, tiến bộ, có cơ hội phát triển và hoàn thiện, làm giàu có hơn gia tài văn hóa tinh thần của đất nước.

Vì thế, ba mục tiêu quan trọng được hội thảo hướng tới là: Nhận diện, mô tả, phân tích các hiện tượng, các khuynh hướng vận động của thực tiễn VHNT Việt Nam nói chung, của từng lĩnh vực nghệ thuật nói riêng, trên tất cả các phương diện hoạt động từ sáng tác, tiếp nhận, thưởng thức, LLPB đến quản lý, lãnh đạo VHNT; lý giải, đánh giá thực trạng, chỉ ra những yếu tố tác động, các nguyên nhân chủ quan và khách quan tạo nên xu hướng; đánh giá mức độ ảnh hưởng cũng như tác động của xu hướng vận động tới hoạt động sáng tạo, thưởng thức, thẩm định và đánh giá văn học nghệ thuật; dự báo, cảnh báo các xu hướng vận động và đề xuất các kiến nghị, xây dựng, định hướng phát triển VHNT.

Các đại biểu đã tập trung vào những vấn đề nóng bỏng của đời sống VHNT để tìm ra các giải pháp cần thiết đưa VHNT Việt Nam đi theo hướng đúng đắn, tích cực. Các ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, văn nghệ sỹ từ nhiều góc độ khác nhau đã được thảo luận cùng nhiều đề xuất, kiến nghị góp phần cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý VHNT ngày càng phù hợp.

Gần 70 bài tham luận của các chuyên gia hàng đầu, các các nhà nghiên cứu LLPB VHNT gửi đến hội thảo chứng tỏ VHNT vẫn luôn được công chúng chú ý, đồng thời, chủ đề của hội thảo đã đáp ứng những đòi hỏi của đời sống VHNT hiện nay, nên đã thu hút sự quan tâm của những người hoạt động trong lĩnh vực đặc thù này.

Hội thảo này là bước đi khoa học và cần thiết của Hội đồng LLPB VHNT, nhằm nhận diện, đánh giá thực tiễn đời sống VHNT trong nước, từ góc độ các xu hướng, các khuynh hướng vận động và phát triển, trên cơ sở đó đề xuất định hướng, các giải pháp tiếp tục phát triển lĩnh vực quan trọng này trong thời kỳ mới.

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ cho biết, kết quả của hội thảo sẽ là tài liệu quan trọng của các nhà nghiên cứu VHNT và văn nghệ sĩ, góp phần hệ thống và tổng hợp các xu hướng vận động của VHNT. Đặc biệt, kết quả hội thảo cũng sẽ góp phần xây dựng luận cứ khoa học để đánh giá thực trạng, tìm định hướng đối với sự phát triển VHNT trong bối cảnh hiện nay, để từ đó có những kiến nghị, đề xuất, tham mưu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành có cơ chế chính sách phù hợp trong công tác lãnh đạo, quản lý VHNT, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Hơn 200 đại biểu tham dự hội thảo.
Thanh Hằng
.
.
.