Cần xử lý hình sự các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ

Thứ Hai, 09/11/2015, 08:07
Các biện pháp chống cạnh tranh không lành mạnh của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) rất mạnh. Trong đó, vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT) được TPP đòi hỏi rất nghiêm ngặt, trong khi vi phạm SHTT của Việt Nam vẫn còn phổ biến, nhưng việc ngăn chặn, xử lý chưa đạt kết quả như kỳ vọng...

Bà Đỗ Thị Minh Thủy - Trưởng phòng Thanh tra 1, Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ cho rằng:  “Khi nhu cầu tiêu thụ hàng nhái, hàng giả còn cao thì các cơ sở sản xuất hàng nhái, hàng giả vẫn còn tồn tại để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đa số  người tiêu dùng (NTD) vi phạm SHTT nhưng họ không biết là mình đã vi phạm, chính vì điều này đã góp phần tạo điều kiện cho vi phạm SHTT phát triển”.

Nếu năm 2013, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) xử lý hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm SHTT chỉ có 525 vụ, thì trong năm 2014, số vụ vi phạm bị xử lý lên đến 665 vụ (tăng 130 vụ so với năm 2013) và trong 9 tháng của năm 2015 phát hiện, xử lý 316 vụ vi phạm. Với Cục Quản lý thị trường, số vụ vi phạm đã bị xử lý trong năm 2014 lên đến 17.396 vụ.

Đó là chưa kể các lực lượng thực thi khác như Thanh tra Khoa học & Công nghệ,  Hải quan,... “Hàng giả, hàng nhái vi phạm SHTT có mặt tại Việt Nam không chỉ sản xuất trong nước, mà sản xuất ở cả nước ngoài, nhập vào Việt Nam bằng đường chính ngạch và tiểu ngạch”, ông Vũ Văn Khiêm - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học - Công nghệ khẳng định.

Hàng nhái, hàng vi phạm SHTT còn tồn tại nhan nhản trên thị trường nhưng việc xử lý của các cơ quan thực thi vẫn còn quá ít. Lý giải điều này, ông Nguyễn Thành Danh – Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Bình Dương nêu lên thực trạng: Tại Chi cục QLTT Bình Dương, từ trước đến nay, Chi cục QLTT Bình Dương xử lý những trường hợp hàng hóa bị vi phạm của doanh nghiệp nước ngoài nhiều hơn của doanh nghiệp trong nước. Điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp nước ngoài có nghiên cứu kỹ pháp luật, họ có ý thức trong việc bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền SHTT cao hơn doanh nghiệp Việt Nam.

Chính vì họ có nghiên cứu kỹ pháp luật nên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người thực thi trong việc chống hàng vi phạm. Ngoài ra, luật pháp của chúng ta chưa nghiêm, vừa yếu, lại vừa trùng lặp nên gây khó khăn cho cơ quan thực thi. Ví dụ, có một đối tượng vi phạm nhưng có đến 4 nghị định khác nhau nên không biết áp dụng nghị định nào. Vì vậy, chúng ta phải thực thi được quyền SHTT thì mới làm ăn được với thế giới.

Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm ở quận 8 có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ.

Trước thực trạng trên, để ngăn chặn tình trạng vi phạm SHTT thành công, theo ý kiến của ông Nguyễn Thành Danh thì cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều “nhà”, gồm: NTD, doanh nghiệp và cơ quan thực thi. Điển hình, như vụ bắt mỹ phẩm giả Vĩnh Tân ở Bình Dương. Sau khi sử dụng mỹ phẩm bị phù mặt phải nhập viện cấp cứu, quá bức xúc chị H. đã đã tìm đến Công ty TNHH MTV Mỹ phẩm Vĩnh Tân, đơn vị sản xuất kem mà chị đã sử dụng.

Khi đưa mẫu hàng đang dùng đối chiếu, chị H mới biết mình xài phải hàng giả. Lúc này, chị H. cùng đại diện Công ty Mỹ phẩm Vĩnh Tân trình báo cơ quan chức năng. Ngay sau đó, Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương phối hợp với lực lượng Công an vào cuộc lần tìm và “phá” được “lò” sản xuất mỹ phẩm giả của Công ty Vĩnh Tân. Đối tượng sản xuất mỹ phẩm giả đã bị kêu án 18 tháng tù.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, ngoài sự phối hợp đồng bộ giữa các “nhà” thì việc cấp bách nữa là phải điều chỉnh hệ thống pháp luật về SHTT. Thực tế hiện nay, hệ thống pháp luật về SHTT chưa hoàn chỉnh, còn chồng chéo và chưa có tòa án chuyên trách xử lý vi phạm luật SHTT. Đó là lý do khiến việc thực thi luật SHTT còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Từ trước đến nay, việc xử lý vi phạm SHTT chủ yếu xử lý dân sự nên mức răn đe chưa cao, nên cần phải xử lý hình sự các hành vi vi phạm SHTT. Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị cho mình những kiến thức để hiểu rõ thực sự về SHTT nhằm tránh “rào cản”, đồng thời có thể lấy đó làm công cụ bảo vệ mình trong hội nhập ngày một mạnh mẽ.

Các doanh nghiệp cần chú ý, khi gia nhập TPP thì việc kiểm soát vấn đề SHTT của hàng hóa sẽ rất gắt gao tại “cửa” hải quan của thị trường xuất khẩu. Đây là cách để ngăn cản hàng xuất khẩu của đối thủ. Trên lĩnh vực SHTT về nhãn hiệu, hiện nay, nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam rất ít, trong khi các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài tại Việt Nam lại rất nhiều.

Do vậy sẽ có nhiều khả năng các thương hiệu sẽ bị trùng tên. Điều này sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, nếu doanh nghiệp Việt có sản phẩm đang bán chạy tại nội địa thì phải nhanh chóng đăng ký trước để ngăn ngừa những rủi ro.

T.Hà
.
.
.