Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung: Mình giàu rồi nói gì cũng dễ

Thứ Bảy, 27/08/2016, 08:19
Sau 2 vở diễn giúp mang lại cả về mặt danh vọng lẫn doanh thu, nghệ sĩ ưu tú Chí Trung tiếp tục chuẩn bị cho ra mắt vở kịch thứ 3 của tác giả Lưu Quang Vũ. Đây cũng là những vở diễn được đồn thổi giúp Chí Trung liên tiếp giành được các hợp đồng tài trợ tiền tỷ.

 

 

Nghệ sĩ kiêm “ông bầu” nổi tiếng mát tay và khôn ngoan này đã có buổi trao đổi với chúng tôi về thực hư của câu chuyện đồn thổi cũng như khá nhiều vấn đề khác về tình hình của sân khấu hiện nay.

Không tiếp cận được khán giả thì mình chết

PV: Chọn “Lời nói dối cuối cùng” của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ để dàn dựng phục vụ khán giả và đi thi Sân khấu thử nghiệm quốc tế, anh sẽ có đầu tư như thế nào để hấp dẫn khán giả hiện tại, thuyết phục hội đồng giám khảo?

NSƯT Chí Trung: Phải nói là tất cả các vở của anh Lưu Quang Vũ là mọi người đã dựng hết rồi nhưng khi xem các vở Chí Trung dựng, chưa ai thấy hình bóng của bản dựng cũ. Vì khi dựng, tôi phải thổi hơi thở của ngày hôm nay vào, thổi quan điểm nhân sinh của người làm nghề bây giờ. 

Hơn nữa, giá trị nhân văn trong kịch của anh Lưu Quang Vũ rất lớn, nó ngồn ngộn ra trong từng tác phẩm. Tôi đang có 47 tác phẩm của anh Vũ, lọc ra cũng có ít nhất hơn 20 tác phẩm có thể tái tạo lại được. Đây là những viên ngọc quý đầy chất nhân văn. Vấn đề là anh phải mài dũa và quay ra cho khán giả xem dưới góc độ nào.

Kịch của anh Vũ được cái lợi thế là lớp lang, trình tự, nhân vật, mầu sắc nhân vật, tính cách và cái kết rất là bao dung nên rất dễ dựng. Nhưng, đạo diễn phải tìm được, biết rút ra được cái cốt lõi của vở diễn, cái thông điệp cuối cùng của anh Vũ và trao nó cho khán giả bây giờ. 

Cái khó khi dựng “Lời nói dối cuối cùng” là phải làm sao bật ra được giá trị niềm tin và thông điệp anh Vũ gửi gắm: “không thể xây những điều tốt đẹp trên nền tảng của sự giả dối được”. Thông điệp này vẫn còn nguyên, thậm chí là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện tại.

Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung.

PV: Cụ thể là anh sẽ làm mới như thế nào để có thể trao thông điệp của tác giả đến cho khán giả bây giờ?

NSƯT Chí Trung: Nếu chúng tôi không làm mới các vấn đề của anh Vũ thì mọi người sẽ không tiếp cận được câu chuyện. Nếu mới như thế nào phải xin phép không thể nói được bằng miệng, phải đợi khi vở diễn ra mắt. Nhưng với “Ai là thủ phạm”, vở diễn Chí Trung chọn dàn dựng trước đó, vẫn là câu chuyện của thời bao cấp, vẫn là tranh nhau một cái nhà vệ sinh mà khán giả vẫn thấy vấn đề mới như của hôm nay thôi.

Chí Trung là người theo trường phái của thầy Phạm Xuân Huyền, là học trò của thầy Phạm Xuân Huyền và cô Thành (NSND Phạm Thị Thành – PV) nên khi dựng vở bao giờ cũng phải giữ hồn cốt của tác giả. Văn phong, cấu trúc, tư tưởng của tác giả phải giữ nguyên. Tôi chỉ làm mới nó lên bằng một vài thủ pháp chứ không xoay ngược xoay xuôi kịch bản để áp đặt cái tư tưởng của mình vào.

Tôn trọng tác giả là quan điểm của Chí Trung khi dựng vở. Cũng như khi mình chọn vợ, mình thấy cô ấy phải xinh đẹp, phải tốt thì mình mới lấy. Tự nhiên lấy về rồi đi giải phẫu, cắt gọt cho giống cô người yêu cũ của mình thì lấy về làm gì.

Với kịch của anh Vũ, khi dựng lại, tôi sẽ cố gắng dùng tất cả những gì mình có để bọc lại vấn đề, nhân vật, vở diễn bằng cách tiếp cận mới nhưng vẫn chuyển được thông điệp của tác giả đến khán giả. Bởi vì, các thông điệp, tính  nhân văn, dự báo của anh Lưu Quang Vũ đến bây giờ vẫn không cũ. Vấn đề là mình phải làm sao để đưa đến,tiếp cận được khán giả. Nếu không làm được điều này thì mình sẽ chết.

Xã hội hóa là hợp tác cùng thắng chứ không phải quỳ lạy xin tài trợ

PV: Cũng có thông tin cho rằng Chí Trung chọn dựng kịch của Lưu Quang Vũ vì đây là mảnh đất màu mỡ để anh lấy tài trợ mà mức tài trợ 4 tỷ cho 1 vở là vô cùng lớn với sân khấu kịch Việt Nam hiện nay.

NSƯT Chí Trung: 4 tỷ đồng này không phải là tài trợ dành riêng cho kịch Lưu Quang Vũ mà là tài trợ cho dự án “Chắp cánh niềm tin” của nhà hát Tuổi Trẻ. Chúng tôi không bán các vở kịch Lưu Quang Vũ cho nhà tài trợ mà họ lấy 100 suất/ 1 năm để tặng khách hàng của họ khắp cả nước. 

Trong 100 suất ấy có ca nhạc, hài, kịch, trong đó chỉ có 10 đến 15 đêm khán giả muốn xem kịch của anh Vũ. Có 20 đến 30 đêm dành cho thiếu nhi dịp 1-6. Ngoài ra còn phải có chương trình dành cho phụ nữ dịp 8-3. 20-10 phải có hài kịch tình yêu. Dành cho quân đội có dịp 22-12 còn  dịp 27-7 dành cho thương binh.  

Nhiệm vụ của nhà hát là phải đưa được những chương trình đáp ứng đòi hỏi của khán giả và nhà tài trợ.

"Ông ba bị" - chương trình dành cho thiếu nhi.

Làm như thế chúng tôi có cơ hội phục vụ khán giả còn nhà tài trợ cũng có lợi. Thay vì đến biếu khách hàng của họ 300.000 đồng thì họ biếu một cặp vé xem biểu diễn. 

Chưa kể chúng tôi “bán sỉ” như thế giá rất rẻ. Mỗi đêm 600 vé, 40 triệu đồng/ 1 đêm, tính ra có 140.000 đồng/cặp vé. 

Đối tượng hưởng lợi thứ nhất ở các chương trình là khán giả, đối tượng thứ hai nhà hát và nhà tài trợ. Rõ ràng đây là sự kết hợp để cùng nâng thương hiệu phát triển chứ không phải họ ném 4 tỷ đồng cho mình muốn làm gì thì làm. 

Họ tài trợ cho mình không phải là nuôi cho mình sống mà là hợp tác cùng nhau phát triển. Chứ nếu chỉ đi xin, quỳ lạy xuống xin một lần rồi lần sau lại phải quỳ xuống xin tiếp sẽ rất hèn. Thực chất, việc hợp tác này là xã hội hóa chứ lâu nay chúng ta cứ nghĩ xã hội hóa ở đâu đâu.

PV: Nhưng có vẻ như thời gian gần đây anh chỉ ưu tiên chọn kịch Lưu Quang Vũ để dồn tâm huyết đầu tư dàn dựng?

NSƯT Chí Trung: Tôi chỉ thích dựng vở của anh Vũ vì tìm thấy xúc cảm để dựng. Hiện nay, nhiều tác giả có tác phẩm mới tôi từ chối vì nó cứ toàn vay mượn những điều sung sướng, vay mượn những điều tốt đẹp. 

Nếu những đều tốt đẹp tôi đi vay mượn mang cho bạn, bạn cũng sẽ không thích. Những điều sung sướng, tốt đẹp xuất phát từ trái tim tôi và tôi trao cho bạn thì bạn mới thích. 

Đây là điều mà trong các vở của Lưu Quang Vũ có và toát ra bằng hương sắc của chính nó. Vấn đề là anh làm mới nó như thế nào để xứng đáng với niềm tin của khán giả thôi. Khi làm được khán giả sẽ tự tìm đến.

"Công lý không gục ngã" - một trong số các vở chính luận được đánh giá cao của Nhà hát Tuổi trẻ

Nhưng cũng phải thừa nhận một sự thật là, những người quan tâm đến các vở diễn chính luận, chính luận có yếu tố hài không nhiều.

Cũng phải nói thêm là không phải chỉ với riêng kịch của Lưu Quang Vũ mà các vở chính kịch của chúng tôi đều khá cầu toàn. Nếu đã dựng thì dựng tới nơi tới chốn, ngược lại thì đi làm hài, chạy sô kiếm tiền. 

Tất nhiên, mình giàu thì nói gì cũng dễ vì có nhiều lựa chọn, còn anh nhà nghèo, người ta bảo dựng gì chả phải dựng vì có dựng thì mới kiếm được tiền dù biết rõ rằng làm xong có thể không mấy ai xem.

Hài kịch của nhà hát nhiều vô thiên lủng, toàn là “của nhà trồng được”. Thường thì tối  thứ 7 là thời gian chúng tôi làm thương mại, diễn hài kịch, dành cho số đông và lấy doanh thu để nuôi chủ nhật. Đây là thời gian dành cho các vở chính luận.

 Sắp sửa là nuôi tiếp ngày thứ 6, dự kiến diễn đúng 1 buổi/tháng cho 200 khán giả đặc biệt. Đây có thể là một chương trình âm nhạc,  một vở kịch tâm huyết cho đối tượng khán giả hạn hẹp với giá cao hơn. 

Nghệ sĩ chỉ diễn 1 tiếng thôi, thời gian còn lại để mọi người giao lưu, cùng ngồi lại mổ xẻ chương trình. Nếu thành công sẽ tổ chức 2 lần /tháng và thứ 5 hàng tuần có chương trình cho học sinh, sinh viên với giá chỉ vài ba chục ngàn với các vở diễn mang đề tài thanh niên…

Chủ trương lấy ngắn nuôi dài nhưng chúng tôi cũng không làm hài dễ dãi. Giống như xây dựng các quán cơm bình dân, có quán cơm nhếch nhác ngoài vỉa hè còn chúng tôi chọn làm những quán quán ngon, sạch sẽ. 

Đây là nguồn khán giả lớn của chúng tôi. Năm 2017, chúng tôi diễn loanh quanh thành phố cũng có 300 suất, còn khán giả đến xem tại rạp nữa…

PV: Xin cảm ơn anh


Ngọc Nguyễn (thực hiện)
.
.
.