Nghệ sĩ lại bức xúc về việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện VN: Bộ VH,TT&DL nói gì?

Thứ Năm, 15/11/2018, 10:00
Liên quan đến hoạt động cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam gây tranh cãi gay gắt thời gian qua, trưa 14-11, hàng loạt nghệ sĩ đã từng là cán bộ, công nhân viên làm việc tại hãng phim đã lên tiếng cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang cố tình làm ngược với kết luận của Thanh tra Chính phủ trước đó.

Lý do của những bức xúc mới này là Văn bản số 4974  do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Lê Quang Tùng ký về việc thực hiện kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam. Nội dung văn bản này yêu cầu nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam qua các thời kỳ phối hợp với người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam thực hiện một loạt nội dung mà theo các nghệ sĩ là bất khả thi và không hợp lý.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, nguyên Phó Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam cho rằng văn bản đang làm khó các nghệ sĩ khi ký ngày 29-10 nhưng đến tận  ngày 12-11 mới đến tay người cần nhận. Thời hạn Bộ yêu cầu báo cáo giải trình kèm các hồ sơ, tài liệu, văn bản liên quan là ngày 15-11.

Các nghệ sĩ từng là cán bộ, công nhân viên của Hãng phim Truyện Việt Nam trong cuộc gặp với báo chí ngày 14-11.

Nếu chỉ có 3 ngày để thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ, những vấn đề đã tồn tại trong hãng phim từ nhiều chục năm, qua nhiều thế hệ lãnh đạo, trong đó có những vấn đề giải quyết nhiều năm nay chưa xong như làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của việc ký kết hợp đồng cho thuê nhà đất, góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất mà hãng phim được giao nhiều năm qua là bất khả thi.

Cũng theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, rất nhiều nội dung mà văn bản yêu cầu đã được các nghệ sĩ, lãnh đạo hãng phim nhiều thế hệ làm việc cụ thể với Thanh tra Chính phủ trong nhiều tháng trước đó.

Việc kiểm tra, đối chiếu, xác nhận lại các khoản công nợ, phải thu phải trả chưa được đối chiếu tại thời điểm cổ phần hóa… và các nội dung như yêu cầu làm rõ nguyên nhân đơn vị không thực hiện việc thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý về phương pháp và thời gian trích khấu hao, nguyên nhân tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, lỗ liên tiếp… đều đã được giải trình. Hiện nay, Hãng phim Truyện Việt Nam đã được cổ phần hóa, trở thành Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam. Toàn bộ các hồ sơ, tài liệu trước đó, các nghệ sĩ không còn nắm giữ thì không thể báo cáo theo yêu cầu của Bộ.

Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam cũng cho rằng, toàn bộ lãnh đạo qua các thời kỳ, sau khi nghỉ hưu đều bàn giao và có văn bản thể hiện cụ thể. Tất cả các thông tin, tài liệu này đã được cung cấp cho Thanh tra Chính phủ trước đây, sau đó Thanh tra Chính phủ mới có kết luận chính thức.

Kết luận này đã được thông báo rộng rãi thì cứ theo kết luận thực hiện. Chưa kể, những nội dung mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu liên quan đến rất nhiều thế hệ lãnh đạo hãng phim. Có người đã mất, phần lớn còn lại đã về hưu. Nếu yêu cầu chung chung như trong văn bản thì nghệ sĩ không biết ai là người đủ tư cách để đứng ra tập hợp và báo cáo với Bộ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, lý do khiến các nghệ sĩ nguyên là cán bộ, công nhân viên của Hãng phim Truyện Việt Nam bức xúc nhất nằm ở nội dung Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu nhà đầu tư chiến lược bổ sung thêm nội dung về kế hoạch, giải pháp đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là đối với các đạo diễn, quay phim, biên kịch…

Theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ ngày 19-9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và tổ chức sẽ phải thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo quy định để cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy xin rút vốn trước hạn. Trong buổi làm việc giữa Bộ và các nghệ sĩ sau đó, Thứ trưởng Lê Quang Tùng đã khẳng định sẽ triển khai thực hiện lộ trình để nhà đầu tư chiến lược rút vốn trong 2 tháng. Nhưng, nếu nhà đầu tư rút vốn thì không còn trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan.

Việc Bộ yêu cầu nhà đầu tư tiếp tục xây dựng bổ sung kế hoạch phát triển thị trường, đội ngũ nhân lực nêu trên bị nghi ngờ là có ý giữ lại nhà đầu tư cũ. Trong khi, nhà đầu tư này, ngay từ đầu là nguyên nhân chính dẫn đến các bức xúc kéo dài thời gian qua.

Trao đổi về các nội dung mà các nghệ sĩ tố cáo, chiều 14-11, ông Trần Hoàng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thực tế, tất cả các nội dung trong Văn bản 4974 đều triển khai từ kết luận của Thanh tra Chính phủ. Không phải Bộ yêu cầu nguyên lãnh đạo hãng phim qua các thời kỳ báo cáo lại toàn bộ quá trình hoạt động mà là giải trình lại những nội dung mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận, yêu cầu làm rõ. Riêng ý kiến cho rằng Bộ cố ý giữ lại nhà đầu tư cũ, ông Hoàng cho rằng đây là nghi ngờ thiếu cơ sở.

Hiện tại, Bộ vẫn cùng với nhà đầu tư thực hiện lộ trình rút vốn trước thời hạn. Nhà đầu tư chiến lược trong Văn bản 4947 mà Bộ nhắc đến, bị các nghệ sĩ hiểu là Công ty Vận tải thủy thực ra là nhà đầu tư chiến lược trong tương lai. Hiện nay, nhà đầu tư là ai, Bộ cũng chưa xác định. Tuy nhiên, các yêu cầu bổ sung này nằm trong một phần của đề án cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam. Nội dung này lẽ ra phải được hoàn thiện hơn từ trước khi cổ phẩn hóa.

Riêng về lý do văn bản đến với người cần nhận quá chậm trễ, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đến ngày 12-11, Bộ mới nhận thông tin phản hồi là văn bản đến chậm. Để xử lý vấn đề này, ngày 13-11, Bộ đã có văn bản mới, gia hạn giải trình thêm 1 tháng, tức là ngày 15-12.

Ngọc Nguyễn
.
.
.