Ngày thơ Việt Nam 2016: Những cảm xúc cháy bỏng về chủ quyền đất nước

Thứ Ba, 23/02/2016, 08:09
Với chủ đề “Đất nước – Cánh buồm xuân”, Ngày thơ Việt Nam 2016 diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) vào ngày rằm tháng Giêng Bính Thân (22-2) đã thực sự mang đến cho công chúng một ngày hội đậm chất thi ca. Về cả hình thức lẫn nội dung, Ngày thơ 2016 được đánh giá cao so với các năm trước.

Thời tiết đẹp như một chất xúc tác kéo người dân đến với lễ hội thi ca lớn nhất trong năm, để Ngày thơ Việt Nam có được lượng khách đông đúc hơn bao giờ. Ngày thơ đã tạo được ấn tượng với du khách bằng một cổng chào khá lớn và ấn tượng ngay ở sân trước cửa Văn Miếu.

Bước chân khỏi cổng, du khách được thỏa mãn thị giác bằng một bữa tiệc sắp đặt độc đáo với những chiếc nón trắng được kết thành dãy mềm mại, rất đẹp và rất Việt Nam bên những lá cờ hội truyền thống ghi một chữ Thơ bay bổng dọc con đường dẫn từ cổng đến tận sân thơ.

Xung quanh giếng Thiên Quang cũng lại một bức tranh sắc màu với những chiếc nón màu đỏ, đủ cỡ to nhỏ, sắp đặt rất bắt mắt. Một triển lãm văn học kỷ niệm 70 năm văn học kháng chiến chống Pháp cũng được bố trí hợp lý cho du khách thưởng thức những bài thơ nổi tiếng của các tác giả tên tuổi trong thời kỳ này, qua những tấm pano lớn. Ở đây, những người yêu thơ có thể gặp lại những tác phẩm nổi tiếng của các nhà thơ: Quang Dũng, Tố Hữu, Chính Hữu v.v…

Ngày thơ Việt Nam 2016 có lượng khán giả đông hơn mọi năm.

Năm nay, sân thơ truyền thống chật cứng người xem và điều đáng nói là, các khán thính giả đều ngồi lại đến phút cuối cùng. Có lẽ, do chất lượng của sân thơ này năm nay được chú trọng hơn với những bài thơ mang tầm tư tưởng vang lên hào hùng, sang sảng, nói hộ tình cảm của công chúng trước những vấn đề trọng đại của đất nước.

Những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam được ôn lại, từ năm Giáp Thân 144 khi quân dân ta đánh tan chính quyền đô hộ nhà Hán, hay cuộc tổng duyệt binh thủy bộ chống 50 vạn quân Nguyên-Mông đời Trần, rồi năm 1944 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Đặc biệt, các tác giả đã dẫn dắt công chúng cùng hướng về biển đảo và biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều bài thơ về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 thấm đẫm tình cảm và ý nghĩa sâu sắc đã vang lên trên sân thơ truyền thống. Liên khúc thơ về biển đảo và biên cương với các trích đoạn của 4 nhà thơ từng được giải thưởng thơ về biển đảo là Anh Ngọc, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến và Trần Quang Quý đã chiếm trọn cảm tình của người xem, trở thành một điểm nhấn đặc sắc trong Ngày thơ 2016. Những câu thơ thấm đẫm tình yêu đất nước đã truyền được những cảm xúc cháy bỏng và tình yêu sâu đậm, da diết đến người nghe.

Những gì đã có, đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Tư tưởng của Ngày thơ Việt Nam là không chỉ tôn vinh các giá trị thơ ca trong quá khứ, mà điều rất quan trọng là giới thiệu thơ ca đương đại Việt Nam trong nhịp sống đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, góp phần xây dựng tâm hồn và nhân cách con người Việt Nam. Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một lễ hội tao nhã, lịch thiệp, với các giá trị nhân văn sâu sắc, đáp ứng nguyện vọng đông đảo công chúng văn học trong cả nước. Với chủ đề “Đất nước – Cánh buồm xuân”, Ngày thơ Việt Nam 2016 đã cất cao đôi cánh tư tưởng, cùng nhân dân cả nước giương cao cánh buồm lộng gió tiến về tương lai tươi sáng của dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng phát triển.

Năm nay, Ngày thơ Việt Nam có sân thơ thiếu nhi và thơ trẻ với chủ đề “Đường Xuân” thay cho sân thơ trẻ hằng năm, tạo được sự phong phú, đa dạng. Các tác giả nhí, tác giả trẻ đã mang đến cho sân thơ cái nhìn của thời hiện đại và ít nhiều, tập dượt để công chúng làm quen với sáng tạo của người viết trẻ. Ở hồ Văn Chương, gần 30 câu lạc bộ thơ của các địa phương, thuộc các lứa tuổi cũng về hội ngộ, làm nên một dấu ấn cho Ngày thơ Việt Nam 2016.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, cái được của Ngày thơ Việt Nam 2016 là chủ đề biển đảo, biên giới sâu đậm. Đã có phẩm chất tuyên truyền, biểu diễn, nhưng phẩm chất thơ cần nhiều hơn. Sân thơ truyền thống thu hút được người nghe và có nhiều người đọc thơ hơn. Sau 14 năm tổ chức, đã đưa được phong trào của Ngày hội thơ vào với đời sống của người dân. Vì thế, tưng bừng, náo động nhất lại là các câu lạc bộ thơ với sự sinh hoạt của các độc giả chứ không chỉ của các tác giả. Việc thả thơ đã trở thành một tập tục riêng của Ngày thơ, nhưng có thể lựa chọn ít câu hơn, dành thời gian cho khán giả bình rồi tặng thưởng cho lời bình hay nhất, sẽ tạo nên sự thú vị và tính hấp dẫn cho Ngày thơ!

Thanh Hằng
.
.
.