Nét đẹp văn hóa Huế từ các hội vật truyền thống dịp đầu Xuân
- Sôi động lễ hội vật cầu ở Hà Nội
- Náo nhiệt hội vật làng Sình dịp đầu xuân
- Rộn ràng hội vật Thủ Lễ đầu Xuân mới
Những ngày đầu năm mới Bính Thân 2016, người dân sống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế và du khách thập phương đã nô nức kéo về sới vật ở đình làng Thủ Lễ (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền) như dịp trẩy hội ngày Xuân.
Trò chuyện với những cụ cao niên ở địa phương mới biết được rằng, hội vật của làng đã được hình thành cách đây chừng 200 năm vào thời nhà Nguyễn để chọn ra những người tài, có sức vóc nhằm tuyển vào đội lính tinh nhuệ để bảo vệ triều đình. Bên cạnh đó, hội vật còn mang ý nghĩa tâm linh khi cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt đến với người dân địa phương.
Các hội vật truyền thống ở Cố đô Huế là nét đẹp văn hóa ngày đầu xuân. |
Năm nay, hội vật Thủ Lễ thu hút 100 VĐV đến từ 10 xã và 1 thị trấn trên địa bàn tỉnh tham dự. Trong đó, ngoài các đô vật cao niên, trung niên còn có nhiều học sinh đang theo học tại các trường THCS và THPT đến đăng ký dự đấu. Hội vật thi đấu theo nguyên tắc vòng loại trực tiếp, đô vật nào muốn vào vòng bán kết và chung kết phải chiến thắng các đối thủ với quy định “lấm lưng, trắng bụng”.
Ông Lê Đức Ưa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phước cho biết, so với những năm trước thì hội vật Thủ Lễ được tổ chức vào dịp đầu Xuân 2016 có quy mô lớn và hoành tráng hơn để phục vụ người hâm mộ. Bên cạnh đó, lực lượng công an xã đã phối hợp với công an huyện và các tổ tự quản thực hiện tốt công tác giữ gìn ANTT, đảm bảo an toàn cho du khách đến xem hội vật.
“Mình phải làm sao để vừa quảng bá hội vật truyền thống của địa phương vừa tạo được hình ảnh thân thiện trong mắt du khách. Và mong rằng những năm sau, du khách khắp nơi sẽ đổ về với Thủ Lễ để xem hội vật nhiều hơn nữa”, ông Ưa bày tỏ.
Hội vật làng Sình (Thừa Thiên- Huế) tổ chức hàng năm luôn thu hút đông đảo du khách. |
Ngoài hội vật làng Thủ Lễ, thành thông lệ hàng năm thì cứ đến ngày mùng 10 tháng Giêng, khi tiết trời đang độ vào Xuân cũng là lúc người dân gồm già trẻ, lớn bé ở huyện Phú Vang lại kéo nhau đến sới vật làng Sình (xã Phú Mậu) được dựng trước sân đình để xem các đô vật tranh tài. Nhiều năm qua, hội vật làng Sình trở nên “nổi tiếng” với du khách phương xa, đặc biệt là du khách ở nước ngoài đến Huế đón Tết nguyên đán cổ truyền.
Người dân địa phương cho hay, chính vì hội vật làng Sình có sự hấp dẫn và lôi cuốn với tinh thần thượng võ cao nên đến nay, trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca dao, rằng: “Dù ai đi ngược về xuôi, đến ngày hội vật nhớ quay về Sình!”. Sau màn nghi lễ truyền thống, hội vật được chính thức bắt đầu bởi những màn đấu vật hấp dẫn với các thế đòn đánh, đòn thủ của những đô vật. Cũng như hội vật làng Thủ Lễ, các đô vật tham gia hội vật làng Sình muốn chiến thắng phải vật cho đối thủ... “lấm lưng, trắng bụng”.
Đối với hàng trăm hộ dân ở làng Sình thì ngày hội vật của địa phương được xem như một lễ hội lớn trong năm. Hầu như nhà nào cũng chuẩn bị bánh chưng, bánh tét, mứt và trà thơm... để đón khách phương xa về xem hội.
Ông Nguyễn Văn Dinh (60 tuổi, có nhà ở gần sới vật Sình) kể thêm: “Khi diễn ra hội vật, người dân thường đứng bao quanh sới vật để cổ vũ cho các đấu vật. Thôn nào có đấu vật chiến thắng thì sẽ tổ chức ăn mừng lớn để vinh danh. Đặc biệt, bà con ở địa phương luôn niềm nở và sẵn sàng tiếp đón khách phương xa về xem hội vật...”.
Ông Trần Hiếu Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu khẳng định: “Khoảng 5 năm trở lại đây, vật làng Sình đã trở thành một nét đẹp văn hóa của địa phương nói riêng và của Cố đô Huế nói chung bởi ngoài việc tổ chức để phục vụ du khách thì hội vật còn mang một ý nghĩa cầu chúc cho một năm mới thắng lợi, mùa màng tươi tốt hơn”.
Trước sự cuốn hút của các hội vật truyền thống nên dịp Tết nguyên đán Bính Thân năm nay, đã có nhiều doanh nghiệp lữ hành ở Thừa Thiên- Huế mạnh dạn tổ chức nhiều tua tuyến du lịch để đưa du khách nước ngoài về Thủ Lễ và làng Sình xem hội vật. Việc làm này sẽ góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của Cố đô Huế đến với du khách trong nước và quốc tế.