Ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ đã có từ đầu thế kỷ thứ XX

Chủ Nhật, 26/11/2017, 20:52
Một số chuyên gia ngôn ngữ học cho rằng đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền không phải mới và đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện. Thay vì “ném đá”, cộng đồng xã hội cần có thái độ ủng hộ những nghiên cứu nghiêm túc về ngôn ngữ.


“Chuyện quá bình thường của giới Ngôn ngữ”

Chia sẻ với PV Báo CAND, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết: Dù rằng đề xuất cải tiến chữ viết của PGS-TS Bùi Hiền là quá lạ, quá khó và không khả thi nhưng chúng ta không nên vì thấy lạ mà vội vã phản bác.

Đề xuất cải tiến chữ cái Tiếng Việt của PGS Bùi Hiển tiếp tục gây tranh cãi trong cộng đồng.

Ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ có từ những năm đầu tiên của thế kỉ 20, ngay từ Hội nghị Quốc tế khảo cứu về Viễn Đông đã có người đề xuất phương án thay một số con chữ ( K thay cho C, Q; D thay cho Đ, Z thay cho D, J thay cho GI...). 

Năm 1919, trên tờ Trung Bắc tân văn, nhiều tác giả (Phó Đức Thành, Dương Tự Nguyên, Nguyễn Văn Vĩnh...) cũng có nhiều đề xuất gây phản ứng, vì nếu sử dụng sẽ là "kì quặc" (viết AA thay cho Â, EE thay cho Ê, OO thay cho Ô; HỮU viết thành HUUUZZ, NHƯỠNG viết thành NHUUOONGZZ...). 

Sau Cách mạng Tháng Tám, có người đề nghị viết theo kiểu đánh Telex (dùng con chữ biểu thị một số âm vị, trong có có thanh điệu, HUYỀN = F, SẮC = S, HỎI = R, NGÃ = X, NẶNG = J...).

Những năm sau này, nhiều nhà Việt ngữ học cũng đưa ra một số đề xuất mà nếu công bố thì cũng gây "sốc" chẳng kém phương án của PGS TS Bùi Hiền hôm nay vì nếu đem ra sử dụng thì sẽ phá vỡ hệ thống kí hiệu đã dùng hàng trăm năm trước đó.

Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Tình, Trong những năm 60 của thế kỉ 20, các nhà ngôn ngữ và ngữ văn Việt Nam đã có nhiều cuộc họp trao đổi về việc cải tiến chữ Quốc ngữ, trong đó Dự thảo về Đề án này của GS Hoàng Phê dài tới gần 60 trang, với những cơ sở luận cứ luận chứng khá rõ ràng. Nhưng rồi cũng không thể đem ra áp dụng vì vướng nhiều vấn đề, chủ yếu là chữ Quốc ngữ đã ăn sâu vào trong tiềm thức cộng đồng.

“Chính tôi đã đọc bài nghiên cứu về đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS TS Bùi Hiền từ tháng 9-2017 tại hội thảo “Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và Phát triển” do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức. Cá nhân tôi còn là người biên tập chính cho cuốn kỷ yếu và đã đồng ý cho in bài tham luận của PGS Bùi Hiền vì tôn trọng ý kiến cá nhân. Nhưng tôi phải khẳng định, ý tưởng cải tiến chữ tiếng Việt mới chỉ dừng lại là ý kiến của một nhà ngữ học, trình bày về một ý tưởng đã từng có.

Đây chỉ là ý kiến cá nhân, không phải quan điểm của giới ngôn ngữ học, càng không phải quan điểm từ phía Nhà nước đem áp dụng cho tiếng Việt hiện nay. PGS TS Bùi Hiền đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết cho ý tưởng này. Ta hãy khoan tới tính đúng sai của vấn đề mà nên trân trọng thái độ lao động nghiêm túc đó”- PGS.TS Phạm Văn Tình nêu quan điểm.

Với tư cách là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, PGS Phạm Văn Tình cho rằng  hiện nay tiếng Việt có nhiều vấn đề đáng quan tâm, như hiện tượng sử dụng tiếng nước ngoài bừa bãi, ngôn ngữ thời đại công nghệ số, tiếng lóng các loại… Trước đây cũng có rất nhiều ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ được đưa ra, nhưng thực tế đã vấp phải nhiều trở ngại.

Do thói quen sử dụng và nếu thay đổi sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, làm đảo lộn nhiều thứ  từ dạy học sinh thế nào, xử lí các văn bản trước đây ra sao, phải cải tiến một loạt các cách viết cho toàn xã hội nói chung... “Mọi người cứ yên tâm, chưa có vấn đề gì nghiêm trọng cả. Giới Ngôn ngữ học coi đây là chuyện cũ, quá bình thường.

Chữ quốc ngữ hiện thời vẫn đang đồng hành cùng tiếng Việt và không dễ dàng thay đổi được nó, mặc dù nó còn bộc lộ những bất hợp lý. Tuy nhiên những bất hợp lý này cũng giống như những bất hợp lý của nhiều ngôn ngữ khác. Việc ta trao đổi cứ trao đổi, vì khoa học chấp nhận điều này”-PGS Phạm Văn Tình chia sẻ.

Thay đổi cần tránh “gây sốc” cho cộng đồng

TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cũng cho rằng: Phương án do PGS Bùi Hiền đề xuất có quá nhiều sự thay đổi chưa thuyết phục được người sử dụng tiếng Việt, cũng là chủ nhân đích thực của tài sản tinh thần quí giá của cộng đồng nên dễ gây phản ứng tiêu cực cũng là dễ hiểu. Thậm chí, đã có nhiều  ý kiến lý giải sự bất hợp lý, dẫn tới bất khả thi trong những phương án đề xuất của PGS.

“Cá nhân tôi chỉ có thêm vài góp ý nho nhỏ. Đó là tiếng nói có trước, chữ viết có sau để ghi âm tiếng nói, vậy chữ phải thể hiện được đầy đủ các sắc độ tinh tế của tiếng nói, không thể xoá nhoà và đồng nhất các sắc độ ấy, không thể thay đổi chính âm và buộc người sử dụng ngôn ngữ chạy theo chính tả khi đồng nhất x/s; ch/tr; r/d... Sự thật không thể phủ nhận, đó là ngữ âm tạo nên khí của ngôn ngữ, đó là cái tinh tế linh diệu của một ngôn ngữ. Chính vì thế, tôi cho rằng việc cải tiến nên hướng tới giải quyết những bất hợp lý đơn thuần về những chữ viết không làm phương hại tới ngữ âm”- TS Trịnh Thu Tuyết nêu quan điểm.

Cũng theo chia sẻ của TS Trịnh Thu Tuyết, nếu nhìn nhận nghiêm túc thì Tiếng Việt của mình có rất nhiều điều bất hợp lý cả trăm năm nay, những bất hợp lý được hợp lý hoá bằng những ước lệ mang tính mặc định trong cộng đồng sử dụng ngôn ngữ Việt, ví dụ các chữ cái c/k/q, r/d/gi, ng/ngh, g/gh...

Những mặc định đó tồn tại lâu dần thành thói quen, từ thói quen, lâu dần thành chuẩn mực chính tả phổ thông, và chuẩn mực là một trong những tiêu chí quan trong thiết lập giá trị thẩm mỹ trong tâm thế người sử dụng ngôn ngữ Việt.

Và đó là điều khó khăn cho những người mới học tiếng Việt như trẻ em Việt hay người nước ngoài, họ không thể giải thích bằng cơ sở khoa học mang tính logic mà chỉ chấp nhận như một qui ước mặc định. Ví dụ nhiều học viên thắc mắc về cách viết và cách đọc chữ " gì", chữ " quốc", " cuốc"...

Bất hợp lý luôn tiềm tàng nhu cầu thay đổi để giảm thiểu tiến tới xoá bỏ nó, để dần mang tới tính khoa học, thẩm mỹ cho tiếng Việt. Tuy nhiên, sự thay đổi thói quen đã hình thành hàng trăm năm là điều cực kì khó khăn. Vấn đề đặt ra là phải tìm phương án tốt nhất cho sự thay đổi, phương án ấy vừa khoa học, hợp lý, vừa không thay đổi quá nhiều những yếu tố có sẵn, tránh gây sốc cho cộng đồng.

Huyền Thanh
.
.
.