Nghệ sĩ rối nước Phan Thanh Liêm:

Miệt mài với con đường riêng của sân khấu rối nước

Thứ Năm, 22/10/2015, 09:29
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm nổi tiếng trong làng rối nước không chỉ vì anh sinh ra trong một dòng họ có bảy đời làm nghề rối nước, mà còn vì anh “dám” từ bỏ Nhà hát múa rối Trung ương, nơi ông rồi cha anh đã lập nghiệp để tìm cho mình một con đường riêng, đó là tự thành lập sân khấu rối nước thu nhỏ nhằm đưa rối nước, một loại hình nghệ thuật dân tộc đến với mọi ngóc ngách của đời sống.

Phan Thanh Liêm sinh ra và lớn lên tại thôn Rạch (xã Nam Chấn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), một vùng quê có truyền thống nghệ thuật múa rối nước dân gian. Ông nội anh là nghệ nhân Phan Văn Huyên từng là bậc thầy về nghệ thuật điêu khắc, tạo hình rối nước truyền thống. Cha anh là nghệ nhân Phan Văn Ngải, là người đã góp công đào tạo nghệ thuật của rối nước truyền thống cho nhiều thế hệ diễn viên Nhà hát múa rối nước Trung ương và các địa phương.

Ông cũng là người góp công nghiên cứu tạo ra nhiều trò rối nước và thiết kế thành công mô hình sân khấu múa rối nước di động. Nhà thủy đình di động do ông thiết kế đến nay vẫn được các nhà hát múa rối nước từ Trung ương đến địa phương sử dụng. Bảo tàng Louvre (Pháp) cũng đã trưng bày “chú Tễu”, một con trò rối nước do ông tạo tác…

Khi còn nhỏ sống ở làng quê, Phan Thanh Liêm đã chịu ảnh hưởng của truyền thống gia đình về nghệ thuật múa rối nước, được ông nội và cha kèm cặp, truyền lại những bí quyết tạo hình con rối, kỹ thuật máy rối, cách thức biểu diễn các trò rối nước làm hấp dẫn người xem. Rời làng quê theo cha ra thành phố, cậu bé Liêm mang theo tình yêu quê hương, trong đó có tình yêu nghệ thuật rối nước cổ truyền.

Anh chia sẻ: Thời gian tham gia hoạt động trong đoàn nghệ thuật múa rối nước của gia đình do cha tôi thành lập, tôi sớm nhận ra sự hạn chế của mô hình sân khấu múa rối nước lớn. Nó không chỉ cồng kềnh, khó di chuyển mà nó còn không thích hợp với một đoàn biểu diễn có ít người theo kiểu một gia đình. Vì vậy tôi suy nghĩ, trăn trở và sáng tạo một mô hình sân khấu rối nước thu nhỏ.

Tại triển lãm văn hóa nghệ thuật Vân Hồ năm 2000, mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ đầu tiên ra đời. Nhưng đây mới là bước thử nghiệm, với bể nước làm sân khấu biểu diễn chỉ rất nhỏ, dài 80cm, rộng 50cm và những con rối cũng được tạo tác cực nhỏ. Sau bước thử nghiệm, năm 2001, cũng tại triển lãm văn hóa nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng và triển lãm Bộ Nông nghiệp, tôi tiếp tục làm sân khấu múa rối nước thu nhỏ, nhưng có kích cỡ lớn hơn.

Và mô hình múa rối nước thu nhỏ ấy tôi cho rằng đã ổn định vì nó tồn tại đến hôm nay. Rõ ràng mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ có khá nhiều ưu điểm, nó gọn nhẹ và tiện lợi khi di chuyển. Nó cũng phù hợp khi biểu diễn phục vụ khán giả ở những không gian hạn chế, chật hẹp như trường học, cơ quan, gia đình…

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm trong một lần đem rối nước sang Vương quốc Anh biểu diễn.

Nó tiện lợi khi đi biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa và càng tiện lợi khi đi biểu diễn ở nước ngoài. Với mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ, khoảng cách giữa sân khấu và khán giả cũng xích lại gần hơn. Với sân khấu thu nhỏ, khoảng cách từ cánh tay người biểu diễn tới con rối ngắn hơn, cộng với các con rối được tạo tác nhỏ, nhẹ hơn giúp cho việc điều khiển con rối sinh động hơn, hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên với mô hình sân khấu thu nhỏ của tôi cũng gặp không ít khó khăn. Do buồng trò eo hẹp, chật chội, chỉ vừa chỗ cho 1, 2 người nên một diễn viên phải chịu trách nhiệm nhiều vai cùng lúc, cường độ biểu diễn so với sân khấu lớn sẽ vất vả hơn. Người nghệ sĩ phải liên tục biểu diễn, phải diễn mỗi tay một con – có lúc 8 nhân vật xuất hiện cùng một lúc như trò bát tiên…”.

Trong 15 năm qua, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã làm được nhiều điều để quảng bá rối nước Việt tại các cuộc triển lãm, hội chợ, hội xuân, những ngày kỷ niệm trong nước cũng như nhiều nơi trên thế giới. Căn nhà riêng của anh tại phố Chợ Khâm Thiên (Hà Nội) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhiều chương trình, tiết mục múa rối nước dân gian truyền thống sinh động và hấp dẫn diễn ra tại sân khấu thu nhỏ trên tầng 4 của ngôi nhà nhỏ bé này thực sự đã chiếm được cảm tình của người xem.

Tầng 1 là xưởng làm rối và “tạp pí lù” những thứ bảng biểu của những chuyến đi biểu diễn. Tầng hai của ngôi nhà là không gian giới thiệu về lịch sử làm nghề rối nước của gia đình anh. Tầng ba là nơi nghệ sĩ dành cho không gian chế tác quân rối. Còn ở tầng bốn, được anh bố trí một thủy đình mi-ni để trình diễn múa rối nước. Ở đó có sân khấu múa rối dành cho hơn hai chục khán giả.

Tuy nhiên, trong chặng đường tìm con đường đi riêng cho rối nước, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm cũng gặp không ít khó khăn, vất vả. Anh chia sẻ: Căn nhà riêng của hai vợ chồng và hai cậu con trai bị thu hẹp không gian sống đến mức tối thiểu. Căn nhà thành nơi biểu diễn vì thế mất đi khoảng riêng tư và ưu tiên tuyệt đối cho mọi sự khám phá của khán giả muốn tìm hiểu và thưởng thức nghệ thuật rối nước.

Hai vợ chồng và hai cậu con trai, một cậu lên 15 tuổi, một cậu 10 tuổi sống trong căn phòng ở tầng 2 chừng 10m vuông. Cũng không còn cách nào khác vì điều kiện kinh tế của hai vợ chồng cùng làm nghề chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày chứ chưa dư giả để mua một căn hộ chung cư cải thiện điều kiện sống của gia đình.

Thế nhưng ở thời đại bùng nổ thông tin với vô vàn thú giải trí, đương nhiên nghệ thuật rối nước không tránh khỏi khó khăn. Khán giả của anh chủ yếu là khách du lịch và các cháu thiếu nhi muốn tìm hiểu về nghệ thuật múa rối. Thế nhưng, người nghệ sĩ Phan Thanh Liêm vẫn đắm say với nghề và với đời, để bảo tồn, giữ gìn truyền thống văn hóa, nghệ thuật của cha ông.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.