Kiến nghị thay đổi quy định cấp phép ca khúc, thi người đẹp…

Thứ Hai, 02/04/2018, 08:23
Hàng loạt quy định về quản lý nghệ thuật biểu diễn không phù hợp với thực tiễn, trong đó có những quy định từng gây phản ứng trong dư luận xã hội như cấp phép ca khúc, thí sinh thi người đẹp, người mẫu… vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào bản dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định mới về quản lý lĩnh vực này.


Theo đó, quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ được quy định cụ thể nhưng trách nhiệm cũng được xác định rõ hơn và lấy đó làm cơ sở ban hành quy phạm chế tài để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. 

Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện của chủ thể đầu tư, kinh doanh ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu” và “Kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu” trên cơ sở hướng dẫn quy định của Luật Đầu tư năm 2014.

Nghệ thuật biểu diễn bị cho là gặp nhiều vấn đề trong quản lý hành chính thời gian qua.

Trong dự thảo xác định: Hiện nay, việc cấp giấy phép biểu diễn cho nghệ sỹ người Việt Nam định cư ở nước ngoài được căn cứ trên đề nghị của pháp nhân đủ điều kiện để xác định trách nhiệm pháp lý trong trường hợp có hành vi vi phạm quy định pháp luật, vì vậy các nghệ sỹ chỉ tham gia trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật do đơn vị được cấp phép tổ chức. 

Điều này đã dẫn đến việc hoạt động biểu diễn nghệ thuật của nghệ sỹ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục hành chính nhiều lần. 

Nghị định sẽ điều chỉnh theo hướng cấp phép trực tiếp cho các nghệ sỹ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, không phải thông qua các pháp nhân Việt Nam. Giấy phép có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc và có thời hạn sử dụng.

Quy định cấp phép cho thí sinh thi người đẹp, người mẫu cũng linh hoạt hơn. Theo đó, thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế chỉ cần được đơn vị tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước chứng nhận thuộc danh sách 10 thí sinh xuất sắc nhất.

Nghị định cũng sẽ bãi bỏ văn bản thỏa thuận sử dụng quyền tác giả trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Lý do là quyền tác giả đã được đảm bảo thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. 

Quy định thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu phải có “hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm” đã vô hình trung biến quan hệ thỏa thuận giữa tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm thành quan hệ hành chính. 

Trong thực tế áp dụng, thủ tục này cũng gây ra nhiều bất lợi cho đơn vị tổ chức biểu diễn khi tổ chức đại diện quyền tác giả áp đặt các mức giá không công bằng, thiếu minh bạch giữa các đơn vị khai thác, sử dụng...

Ngoài ra, Nghị định còn quy định cụ thể các trường hợp tác phẩm không phải thực hiện thủ tục xin cấp phép phổ biến trên cơ sở: “Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác”.

Dự kiến, dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ vào tháng 11-2018.

N.H.
.
.
.