Khủng hoảng phê bình sân khấu chuyên nghiệp
- Lý luận phê bình sân khấu: Nói phải củ cải cũng nghe…
- Tấn bi kịch của nhà phê bình sân khấu nổi tiếng
- Lớp phê bình sân khấu miễn phí cho các nhà báo trẻ
Gần đây nhất, tại Liên hoan sân khấu quốc tế thử nghiệm năm 2019, cứ sau một vài suất diễn, Ban Tổ chức lại dành một buổi để các nghệ sĩ cùng ngồi lại phân tích các vở tham gia liên hoan, đồng thời giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, hầu hết các buổi giao lưu trở thành những cuộc tranh cãi, đôi khi gay gắt và không có hồi kết, khiến không ít người tham dự bất ngờ.
PGS.TS Phạm Duy Khuê, một trong số những gương mặt kỳ cựu của nhiều liên hoan sân khấu cũng chia sẻ rằng, Tạp chí Sân khấu từng có không ít chuyện dở khóc dở cười chỉ vì không có sự đồng điệu trong tiếp cận, phê bình tác phẩm.
Đã có nữ nghệ sĩ gửi thư đến tòa soạn để thóa mạ, nguyền rủa, xúc phạm tác giả một bài viết đăng trên Tạp chí vì bài viết chê vở diễn của nữ đạo diễn này. Một nam đạo diễn, là Nghệ sĩ nhân dân còn viết thư đến tòa soạn, đề nghị đuổi việc, đồng thời cho người đánh tiếng đe dọa sẽ xử trí người viết bài phê bình, chê vở diễn do ông dàn dựng…
Cảnh trong vở “Vẫn sống”. |
Cũng theo PGS.TS Phạm Duy Khuê thì chuyện người viết bài chê vở diễn, kể cả chê đúng vẫn khiến nghệ sĩ phật ý là chuyện thường ngày trong đời sống sân khấu. Bởi, một số người làm sân khấu chỉ thích khen, không thích chê, vì chê khiến tác phẩm của họ giảm giá trị trước công chúng.
PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng, lâu nay, ở Việt Nam không có phê bình sân khấu chuyên nghiệp thực sự. Hoạt động phê bình sân khấu chỉ mang tính phong trào, tự do, theo cảm hứng, có cũng tốt, không có cũng không sao.
Phê bình sân khấu đang là “lãnh địa” bị bỏ ngỏ. Những người coi mình là nhà lý luận phê bình chưa bao giờ coi phê bình sân khấu là nghề nghiệp sống còn. Vì bài viết của họ có công phu, nếu được đăng báo thì nhuận bút cũng rất thấp. Nếu vở diễn chưa hay, người viết bài chê nhiều, khen ít, dù khen chê thực lòng thì vẫn bị nghệ sĩ trách móc. Do đó, nhiều người được đào tạo bài bản hoặc đã từng có tiếng tăm một thời cũng chuyển sang dạy học, sáng tác, đạo diễn, đi xuất khẩu lao động.
Lấp khoảng trống về lý luận phê bình là những cây bút không chuyên. Hiện nay, phần lớn các bài viết về sân khấu chỉ tường thuật cốt truyện, giới thiệu qua về tác giả, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ, họa sĩ…, khen chê vài lời. Các bài viết này chỉ nghiêng về đáp ứng thông tin về mặt báo chí, chưa phải là phê bình sân khấu chuyên nghiệp.
Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, muốn khắc phục tình trạng nói trên, không có cách nào khác phải phát triển và xây dựng được đội ngũ lý luận phê bình sân khấu chuyên nghiệp. Trước đây, đội ngũ phê bình sân khấu được đào tạo tại Liên Xô cũ, Trung Quốc và Khoa Văn của Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn)… Đội ngũ này đã từng có giai đoạn được phát huy vai trò trong đời sống sân khấu nước nhà.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, sân khấu khủng hoảng, nguồn nhân lực cũ cho phê bình sân khấu cạn kiệt. Nguồn lực mới hầu như không có vì trường không mở lớp đào tạo, hoặc có năm mở lớp nhưng sinh viên không đến thi tuyển.
Chưa kể, trong cơ chế thị trường hiện nay, tác phẩm trở thành hàng hóa, người làm lý luận phê bình sân khấu không có hệ thống giá trị thẩm mỹ chuẩn để làm điểm tựa cho ngòi bút của mình.
Vì vậy, lý luận phê bình sân khấu khủng hoảng trầm trọng là chuyện đương nhiên. Nếu Nhà nước không có những quyết sách điều chỉnh kịp thời, phê bình sân khấu sẽ còn "nhiễu loạn".