Khi nhan sắc không thể đứng một mình

Thứ Bảy, 16/04/2016, 15:33
Năm nay có bốn cuộc thi hoa hậu, hoa khôi quy mô: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu người Việt toàn cầu, Hoa hậu Biển Việt Nam và Hoa khôi Áo dài. Phải chăng từ thành công của nhan sắc Việt trong năm 2015 mà đa số các cuộc thi năm nay đều hướng đến hình mẫu hoa hậu tiệm cận sân chơi quốc tế và nâng cao ý nghĩa cộng đồng?


Hình thể chỉ là điều kiện cần

Năm 2015, có thể coi là năm thành công nhất của nhan sắc Việt. Tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015, Hoa hậu Phạm Hương luôn được các nhà chuyên môn, báo giới, chuyên trang sắc đẹp và công chúng quốc tế theo dõi, đánh giá cao. Nhan sắc lộng lẫy và phong tái tự tin, rạng rỡ của cô dù không gặt hái được thứ hạng nào ở cuộc thi nhưng đủ để làm nên cơn sốt.

Hoa khôi Lan Khuê cũng nhận được sự ủng hộ tương tự khi chinh chiến tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2015. Cô là người đẹp Việt Nam đạt thành tích cao nhất tại cuộc thi này: lọt vào top 11. Á khôi Thúy Vân giành giải Á hậu 3 cuộc thi Hoa hậu Quốc tế diễn ra tại Nhật Bản. Nhờ các thành tích trên, Việt Nam thăng hạng lên thứ 16 trên bảng xếp hạng của chuyên trang đánh giá sắc đẹp uy tín Globalbeauties.

Tại buổi họp báo Hoa hậu Việt Nam 2016, Ban tổ chức cho biết sẽ có thêm giải phụ "Người đẹp Nhân ái".

Thứ hạng đáng gờm của Venezuela và cường quốc nhan sắc mới nổi Philippines là lời tuyên bố hùng hồn: Xưa rồi cái thời một cô gái đẹp, biết chút kỹ năng catwalk trở thành hoa hậu sau vài ngày dự thi. Càng không có chuyện tân hoa hậu tất tả luyện tiếng Anh, chơi một môn thể thao, tập cho thể hình săn chắc, học đàn hát múa… chỉ vỏn vẹn trong dăm ba tháng rồi trống giong cờ mở sang đánh chuông xứ người với tâm thế học hỏi là chính mà tự nhiên chạm được vương miện.

Phạm Hương, Lan Khuê, Thúy Vân... đều ra đi với quyết tâm chiến thắng. Người có quyết tâm chiến thắng thì bao giờ cũng chuẩn bị chu đáo, đầy kinh nghiệm. Sở dĩ Thúy Vân, Lan Khuê hay Phạm Hương được chú ý là bởi ngoài ngoại hình xinh đẹp, họ còn có thần thái, kỹ năng và trí tuệ nổi trội.

Phạm Hương tự tin trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, thân thiện và cởi mở với các thí sinh khác, không ngại phô diễn khả năng ca hát với bạn bè ngoại quốc. Thúy Vân cũng gây ấn tượng khi trong bữa tiệc tối cô xung phong hát ca khúc tiếng Anh ca ngợi quê hương Việt Nam do chính mình sáng tác. Sự tỏa sáng của Phạm Hương, Lan Khuê, Thúy Vân có nền tảng từ những kinh nghiệm mà các cô gặt hái được tại các cuộc thi trong nước. Nếu Phạm Hương trải qua nhiều cuộc thi như "Người mẫu Việt Nam" (Vietnam's Next Top Model), Hoa hậu Việt Nam 2014… thì Lan Khuê, Thúy Vân lại được rèn từ "lò" Hoa khôi Áo dài.

Ban tổ chức cuộc thi Hoa khôi Áo dài đã làm rất tốt việc chọn lọc và đào tạo thí sinh chuyên nghiệp và bài bản để góp mặt vào đấu trường thế giới. Vòng phỏng vấn chọn lựa những cô gái có hình thể đẹp, giọng nói chuẩn, có bản lĩnh và sự tự tin. Chính siêu mẫu Hà Anh - huấn luyện viên của cuộc thi Hoa khôi Áo dài năm nay cho hay cô rất ngạc nhiên khi những bạn trẻ mới 18, 19 tuổi nhưng rất mạnh dạn, tự tin trên sân khấu lớn.

Muốn vào Lâu đài sắc đẹp, hai yêu cầu không thể bỏ qua đó là kỹ năng giao tiếp tiếng Anh của thí sinh phải ở mức khá và có kinh nghiệm làm người mẫu ít nhất một, hai năm. Đây là các yếu tố quan trọng nhưng còn xem nhẹ ở khâu đầu vào của nhiều cuộc thi sắc đẹp lớn. Chính vì kém Anh ngữ, thiếu các kỹ năng trình diễn, kiến thức xã hội... nên rất nhiều người đẹp ngại tham gia các cuộc thi quốc tế. Họ thừa biết mình không đáp ứng được các tiêu chí mà cuộc thi ngoài nước đặt ra.

Ông Lê Xuân Sơn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 thừa nhận dù Hoa hậu Việt Nam là một cuộc thi uy tín, danh giá nhất trong nước nhưng từ năm 2008 đến nay, chưa có Hoa hậu Việt Nam nào dự thi quốc tế. Ban tổ chức dù hết sức động viên, khuyến khích nhưng các hoa hậu thường không sẵn sàng khi có lời mời.

Ông Sơn cho hay thời gian tới, để khắc phục tình hình, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam có thể phải kết hợp với các đơn vị giữ bản quyền đưa thí sinh ra thế giới dự thi nhằm lên kế hoạch đào tạo và các hoa hậu, á hậu đăng quang bắt buộc phải lên đường.

Hiểu được hạn chế này nên năm nay, cuộc thi Hoa khôi Áo dài mạnh dạn tìm thêm 4 á khôi thay vì hai á khôi như mọi năm để có thêm ứng viên sáng giá cho đấu trường quốc tế. Hoa khôi và 4 á khôi sẽ giành quyền đại diện Việt Nam tham gia các cuộc thi hàng đầu như Hoa hậu Thế giới (Miss World), Hoa hậu Quốc tế (Miss International), Hoa hậu Siêu Quốc gia (Miss Supranational), Hoa hậu Hòa bình Quốc tế (Miss Grand International), Hoa hậu Du lịch Quốc tế (Miss Tourism International).

Cái nết đồng hành cùng cái đẹp

Thay vì tôn vinh vẻ đẹp hình thể đơn thuần hay ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn một cách chung chung, sáo mòn qua phần trả lời ứng xử, các cuộc thi hoa hậu đang chuyển dần sang hướng thiết thực hơn. Trước đây, từ thiện được xem là hoạt động bắt buộc sau khi thí sinh đăng quang. Nhưng đây cũng là hoạt động mờ nhạt hoặc làm màu, gượng gạo, gây nhiều tranh cãi nhất. Năm nay, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam vẫn đẩy mạnh hoạt động thiện nguyện nhưng ở một góc độ hoàn toàn mới lạ.

Vòng sơ khảo cuộc thi Hoa hậu biển năm 2016.

40 thí sinh vào vòng chung kết sẽ đảm nhận triển khai một dự án từ thiện do chính họ đề xuất hoặc do ban tổ chức hỗ trợ định hướng. Các thí sinh phải trình bày ý nghĩa, trực tiếp thực hiện và đảm bảo tính hiệu quả tối đa của dự án. Những hoạt động này được ghi hình và phát sóng để công chúng cùng giám sát và ghi nhận. Thí sinh nào có dự án xuất sắc sẽ giành danh hiệu "Người đẹp Nhân ái".

Bà Kim Dung, Phó Ban tổ chức phấn khởi: "Các dự án từ thiện được thực hiện bài bản sẽ có ý nghĩa tích cực, đóng góp thiết thực cho cộng đồng, xã hội. Tôi tin rằng, qua những hoạt động trên sẽ trực tiếp bồi đắp lòng trắc ẩn, có định hướng nghề nghiệp, giúp các cô gái hướng tới nét đẹp tâm hồn thực sự". Rõ ràng, sự đổi mới này chứng tỏ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đang bám sát xu hướng của cuộc thi Hoa hậu Thế giới.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế không chỉ đào tạo thí sinh các kỹ năng mà một người đẹp đi thi quốc tế phải có như: định hình phong cách, các kiến thức về xã hội, phát huy tài năng... mà giúp thí sinh chung tay xây dựng các dự án nhân đạo. Tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2015, Lan Khuê mang đến dự án "Chung tay cùng Khuê" chia sẻ với bệnh nhi ung thư, hỗ trợ học bổng cho trẻ em. Gần một năm hoạt động, dự án mang lại tiếng cười cho nhiều em nhỏ.

Đặc biệt, Lan Khuê đã làm nức lòng người Việt khi thông qua clip giới thiệu dự án, cô đã khẳng định chủ quyền biển đảo trước bạn bè năm châu. Riêng á khôi Thúy Vân dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em, á khôi Lệ Quyên tích cực với dự án "Giúp đến trường" hỗ trợ dụng cụ học tập cho học sinh nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, các chương trình này vẫn rất thành công như một lời khẳng định rằng đây là những hoạt động thiết thực và dài lâu chứ không phải "làm màu" để đi thi.

Riêng cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam 2016 nhấn mạnh đến chủ quyền biển đảo, ý thức trách nhiệm công dân của các thí sinh với Tổ quốc. Cụ thể, cuộc thi sẽ có các hoạt động xã hội cải thiện môi sinh, hoạt động từ thiện cùng ngư dân làng chài. Ông Hoàng Công Cường, tổng đạo diễn chương trình cho biết: "Vì đây là cuộc thi Hoa hậu Biển nên chương trình huấn luyện đào tạo thí sinh rất chú trọng đến kiến thức biển đảo, để mỗi thí sinh trở thành một hình ảnh quảng bá du lịch, góp phần thể hiện lòng yêu nước".

Sự thay đổi của các cuộc thi hoa hậu trong nước khẳng định một điều: cái đẹp không thể hoàn thiện nếu đứng một mình. Với các cuộc thi quốc tế, sự thay đổi ấy đang được kỳ vọng đưa nhan sắc Việt chạm vào những ngôi vị cao nhất. Tất nhiên, mọi điểm chuẩn và kinh nghiệm của thí sinh chỉ là cánh cửa mở để bước vào sân chơi phẳng. Cái giúp họ tỏa sáng giữa vườn hoa đa sắc vẫn là dấu ấn riêng của cô gái Việt.

Phan Thi Uyên
.
.
.