Khẩn trương lập đề án tu bổ di tích chùa Cầu

Thứ Ba, 02/07/2019, 08:45
Chùa Cầu là biểu tượng của đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam đang bị xuống cấp trầm trọng. Do đó, việc tu bổ di tích chùa Cầu được tỉnh Quảng Nam xác định là nhiệm vụ cấp bách, cần phải tiến hành tu bổ khẩn cấp, toàn diện nhằm đảm bảo sự ổn định bền vững, lâu dài của chùa Cầu.

Chùa Cầu được xem là một công trình có giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật, là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách mỗi khi đến với Hội An và là một biểu tượng của thành phố du lịch này.

Di tích chùa Cầu được cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990. Chùa Cầu còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản, tên chữ Lai Viễn Kiều do chúa Nguyễn Phúc Chu ban vào năm 1719. Tương truyền cầu do người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ XVII.

Chùa Cầu vừa là công trình giao thông, vừa là công trình tín ngưỡng, là biểu tượng của sự giao lưu văn hóa lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Chùa Cầu cần được tu bổ khẩn cấp.

Trung bình mỗi ngày, chùa Cầu đón tiếp khoảng 3.500 lượt khách. Sau nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, hiện nay, di tích chùa Cầu đang trong tình trạng xuống cấp và cần sớm được tu bổ, gìn giữ lâu dài. Các mố, trụ cầu bị nứt, nhiều cột, kèo có dấu hiệu mục ruỗng, hư hỏng,… Ngoài ra, chùa Cầu cũng nằm ngay ở vùng rốn lũ của Hội An nên thêm nguy cơ mất an toàn.

Theo ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, để công tác quản lý, bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị Di sản văn hóa thế giới Hội An, nhất là phương án, giải pháp tu bổ chùa Cầu, tỉnh Quảng Nam đã giao UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, khẩn trương chọn đơn vị tư vấn có chuyên môn, kinh nghiệm lập dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chùa Cầu báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ VH-TT&DL thẩm định, trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua trước ngày 31-10-2019 để triển khai thực hiện.

Trong quá trình lập dự án, yêu cầu đặt ra là phải giải quyết tổng thể các vấn đề liên quan đến chất lượng, độ bền vững, tính chân xác của di tích chùa Cầu. Sau khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND TP Hội An tổ chức họp dân 2 phường Minh An, Cẩm Phô công khai thông tin để người dân biết, tạo sự đồng thuận, cùng nhau đồng hành, hỗ trợ trùng tu di tích.  

Thống kê cho thấy TP Hội An là địa phương có nhiều di sản, di tích nhất tỉnh Quảng Nam với 1.432 di tích đã được kiểm kê phân loại, trong đó 28 di tích quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 1.358 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố.

Thời gian qua, TP Hội An đã nỗ lực, chủ động trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy di sản, di tích trên địa bàn. Bên cạnh đó, TP Hội An cũng thường xuyên quan tâm đầu tu bổ, sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị, nông thôn và riêng về di tích, từ năm 2008 đến nay đã tu bổ 255 di tích với tổng kinh phí 146 tỷ đồng từ nguồn thu bán vé tham quan.

Đặc biệt, thực hiện dự án “Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ trong khu phố cổ” từ năm 2005 đến nay Hội An đã tu bổ gần 100 di tích nhà ở từ nguồn ngân sách của tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Ngọc Thi
.
.
.