Khai mạc Festival văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên 2018

Thứ Sáu, 30/11/2018, 22:44

Tối 30-11, tại Quảng trường Đại đoàn kết - TP Leiku, tỉnh Gia Lai, Festival văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 đã chính thức khai mạc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu khai mạc.


Tham dự Lễ khai mạc còn có Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, lão thành cách mạng, lãnh đạo tỉnh Gia Lai cùng đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khai mạc Festival

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Tây Nguyên là vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, nơi được xưng tụng là nóc nhà Đông Dương, nơi đã sinh ra những người anh hùng đi vào huyền thoại và trở thành nguồn cảm hứng để nhân dân các dân tộc Tây Nguyên viết thành những bản trường ca bất tận truyền tới muôn đời sau. Gia Lai là vùng đất cổ xưa lưu giữ những văn hoá truyền thống đặc trưng với những địa danh lịch sử như: Tây sơn thượng đạo, những con người huyền thoại như: Anh hung Núp hay những thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú Biển Hồ, Núi Hàm Rồng…và đặc biệt là kho tàng Sử thi hùng tráng vô giá…

13 năm trước, UNESCO đã trao cho chúng ta một danh hiệu cao quý, không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Chúng ta đón nhận danh hiệu ấy và đã có những cam kết mạnh mẽ với UNESCO về thực sự chúng ta đã giữ vững danh hiệu đó.

 Cùng với thời gian, tiếng cồng, tiếng chiêng cùng với không gia di sản vẫn luôn vang vọng trong lòng của đồng bào các dân tộc anh em trên ngọn núi cao hung vỹ Trường Sơn, vượt qua biên giới quốc gia. Là gia tài quý báu trong kho tàng văn hoá Việt Nam nói riêng, văn hoá nhân loại nói chung.

Một số tiết mục nghệ thuật trong đêm khai mạc

Tiếng cồng, tiếng chiêng trở thành tiếng nói của tâm hồn khát vọng, chuyển tải những niềm vui, những nỗi buồn và những ước mơ của người Tây Nguyên, góp phần tôn vinh vẻ đẹp, đa dạng văn hoá lịch sử qua những câu chuyện bi tráng, đậm chất sử thi về khí phách, quả cảm tinh thần cộng đồng và tinh thần thượng võ của những người con Ê đê, Gia Rai, Mơ Nông, Bana…

Đây là sự kiện văn hóa quan trọng, nhằm tôn vinh, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thông qua lễ hội sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi để giao lưu văn hóa, tăng thêm sự đoàn kết, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói riêng và cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung.

Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 tổ chức tại tỉnh Gia Lai chính là dịp để chúng ta quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người và tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế, mở rộng cơ hội mời gọi và đón nhận đầu tư, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương, liên kết phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch giữa các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và vị trí chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào và Campuchia.

Vùng đất Tây Nguyên đang còn lưu giữ hơn 10.000 bộ chiêng, hàng trăm nghi lễ liên quan đến vòng đời người và chu kỳ cây trồng. Lễ Nghi nào cũng thường liên quan đến cồng chiêng, chúng ta gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của không gian văn hoá cồng chiêng chính là gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị đặc trưng của văn hoá Tây Nguyên truyền thống…

Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền cùng toàn thể nhân dân các đại phương trong vùng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung cần tiếp tục phát huy ý chí, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, trách nhiệm, tập trung giữ gìn tiếng cồng chiêng trong không gian di sản nhà rông, nhà dài, các nghi lễ, tín ngưỡng.

Lễ hội đường phố, một trong những chương trình nằm trong Festival cồng chiêng Tây Nguyên 2018

Ngay sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chương trình nghệ thuật được diễn ra với 3 chương: Huyền thoại đất và người Gia Lai; Cồng chiêng và Lễ hội dân gian Tây Nguyên; Cồng chiêng Tây Nguyên nhịp nối những trái tim với 11 cảnh diễn tiếp nối nhau được trình diễn với hơn 200 diễn viên chuyên nghiệp cùng hơn 1.000 nghệ nhân, diễn viên quần chúng thuộc các đơn vị nghệ thuật Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên cùng các sở, ban, ngành, đơn vị trường học trên địa bàn TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. 

Chương trình nghệ thuật là cảnh diễn ca ngợi thiên nhiên, danh thắng và con người của đại ngàn Tây Nguyên hùng vỹ với những con thác hùng vĩ, hồ trong vắt, rừng cây xanh ngát và rực rỡ sắc màu của hoa dã quỳ, Pơ Lang. Bên cạnh đó là sự tôn vinh, ca ngợi, tiếng ngân linh thiêng của âm vang cồng chiêng…

Theo Ban tổ chức, Festival văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên sẽ diễn ra từ ngày 30-11 đến 2-12 với nhiều hoạt động sẽ được 5 tỉnh Tây Nguyên phối hợp tổ chức như: Lễ hội đường phố (giao lưu, biểu diễn cồng chiêng); Phục dựng một số nghi lễ, lễ hội truyền thống của 11 dân tộc thiểu số tại chỗ; Trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng; Tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; Diễn xướng sử thi Tây Nguyên; Hội thảo về bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng; Triển lãm, trình diễn trang phục dân tộc... 


Văn Thành
.
.
.