Festival Huế lần thứ 9

Huế xưa hay Huế nay?

Thứ Năm, 12/05/2016, 11:02
Festival Huế lần thứ 9 khép lại nhưng dư âm vẫn còn ít nhiều trăn trở băn khoăn. Đổi mới cách tổ chức có làm phai nhạt thương hiệu Festival Huế? Huế có còn xưa khi quá nhiều cách khuấy động không gian thâm trầm di sản? Và nên chăng nghĩ tới một kịch bản mới cho Fesival Huế để dung hòa giữa bảo tồn và hội nhập, giữa chọn lọc đẳng cấp giá trị cao với quảng bá rộng rãi cộng đồng…?


16 năm với 9 kỳ lễ hội, Festival Huế (FH) không còn là sân chơi văn hóa nghệ thuật quốc gia mang tính nghiệp dư như ban đầu mà đã thành chuyên nghiệp với "thương hiệu" quốc tế thu hút sự có mặt của giới nghệ sĩ, nghệ nhân đẳng cấp cao trong nước và các quốc gia ở nhiều châu lục. Qua các kỳ FH với rất nhiều "rút kinh nghiệm" trong những khâu kịch bản và tổ chức, đến lần thứ 9, đã có một sự thay đổi mang FH đến gần với cộng đồng hơn, để sự tham gia của Huế được toàn diện hơn, nhưng cũng vì thế, đã có một sự "xuống cấp" nhẹ thương hiệu mang nhiều băn khoăn.

Khi Festival Huế thuộc về Huế?

Tinh gọn, ít tốn kém, không phô trương lãng phí, Festival Huế lần thứ 9 là lần đầu tiên mà ban tổ chức quyết định dùng "người Huế" ở hầu hết các hạng mục chương trình chính, các "thực đơn" mặc định của Festival Huế, để chất Huế - văn hóa Huế, tính cách Huế đậm đặc trong "đại tiệc". 

Từ tổng đạo diễn chương trình khai mạc, bế mạc,  tổ chức lễ hội áo dài, các lễ hội nghệ thuật "in"- "open" (chương trình chính và hưởng ứng) đến tổng chỉ huy dạ yến và nhân lực tham gia thực hiện đều thuộc về người Huế. Và để  giữ cho giá trị đẳng cấp cao thương hiệu FH, đã có sự chọn lựa khách mời tham gia, không tràn lan như các Festival Huế trước, ví dụ Festival Huế năm 2014 có tới 38 đoàn nghệ thuật nước ngoài, thì ở Festival Huế năm 2016 chỉ có 18 đoàn.

Có thể nói, khi Festival Huế thuộc về Huế, thì chất Huế được tôn vinh, những tinh hoa của Huế - di sản được giới thiệu với du khách tương đối toàn diện, tổng hợp. Nhưng cũng lộ điểm yếu, chính là đẳng cấp bị gia giảm, chưa xứng tầm với một Festival quốc tế. Trước tiên là ở lễ khai mạc, thiết kế sân khấu lấy di sản Huế - Cửa Ngọ Môn làm hậu cảnh,  thay vì sử dụng để làm sân khấu, thì lại lấy cảnh giả lấp cửa lại, lãng phí một cảnh quan di sản mang chất Huế.

Kịch bản nghệ thuật nghèo, gần như lặp lại các tiết mục của các Festival Huế trước không thay đổi, chưa làm nổi bật nét đặc sắc của văn hóa nghệ thuật Huế. Sân khấu quá rộng nên khi các tiết mục của bạn bè với số nghệ sĩ khiêm tốn biểu diễn trở nên lạc lõng, đơn điệu thiếu hấp dẫn. Lễ hội đường phố "Những sắc màu di sản văn hóa" vốn có mặt từ những lần Festival Huế trước, là nơi giao lưu, phô diễn tài năng của các đoàn nghệ thuật quốc tế với công chúng.

Thế nhưng ở Festival Huế lần này, khâu điều hành tổ chức lễ hội này khá luộm thuộm đã biến lễ hội đường phố trở thành một lễ diễu hành, chưa tính đến việc "râu ông nọ cắm cằm bà kia" khi phát nhạc của quốc gia này cho một quốc gia khác biểu diễn. Hay như cách sắp xếp các đoàn nghệ thuật không theo tính chất của bộ môn nghệ thuật, khiến nhiều chương trình của bạn trở nên vắng vẻ… Đêm nghệ thuật bế mạc thì như vội vã kết thúc và chương trình nghệ thuật không mang nét chuyên nghiệp cao,

Ở các chương trình chính như Lễ hội áo dài, do để cho một công ty tư nhân - cá nhân ít kinh nghiệm đảm trách nên sự chuyên nghiệp không cao, không kể còn lùm xùm bản quyền ảnh dùng làm nền cho sân khấu biểu diễn chưa giải quyết. Hai "Đêm hoàng cung" với dạ tiệc thực đơn 6 món, cho dù là món ngự yến được phục dựng công phu, đúng quy cách, nhưng cách lựa chọn món quá giản đơn, không cho thực khách cảm giác đang được thưởng thức sơn hào hải vị mỹ vị hoàng cung, dù giá vé tham dự không hề rẻ: 2 triệu đồng/ 1 phần/1 người.

Đêm nghệ thuật tổng hợp "Về miền hương ngự" ở đình Kim Long, tưởng chừng là mang tinh hoa Huế thu nhỏ vào đây, nhưng chỉ là một đêm nghệ thuật tạp kỹ tổng hợp và chất Huế ít nhiều phôi pha.

Tiết mục giao lưu chưa gây được ấn tượng.

Hơn 50 hoạt động văn hóa cộng đồng bao gồm các cuộc trưng bày, triển lãm, nghệ thuật sắp đặt, hoạt động đồng hành, hưởng ứng, tour, tuyến du lịch đã thu hút đông đảo du khách và công chúng tham dự cả ngày lẫn đêm… trong 6 ngày. Vui đấy, thú vị và hấp dẫn, nhưng như  một cơn lốc ở Huế, đảo lộn mọi sinh hoạt vốn có của Huế, như Huế thay chiếc áo lòe loẹt sặc sỡ, làm mất đi sự thâm trầm tĩnh lặng di sản. Thành Nội, các cung, các nhà… lúc nào cũng nườm nượp khách chen chúc, và không thể chiêm ngưỡng bất kể gì gọi là di sản vào thời điểm này, bởi nó đã được (hay bị) hàng loạt thể loại trưng bày, triển lãm, biểu diễn, giao lưu… làm che lấp hết.

Một Huế vừa quen vừa lạ trong Festival Huế làm đôi lúc ngỡ ngàng, Huế - di sản đang ở đâu? Huế có còn xưa?

Thành phố Festival?

Cho đến Festival Huế lần này tính từ năm 2002, mô hình "Thành phố Festival"- ý tưởng được Chính phủ công nhận và phê duyệt của Huế vẫn chưa định hình. Các tiêu chí của một thành phố festival là gì, rất khó để đưa ra những tiêu chí cụ thể. Các festival quốc tế có quan hệ ít nhiều với Festival Huế đã tổ chức đến lần thứ 60, 70, còn Festival Huế chỉ mới lần thứ 9. Hơn nữa, Huế còn nhiều bất cập về cơ chế, về điều kiện ngân sách, về sự nhìn nhận đúng đặc trưng và hình thức tổ chức lễ hội…, chưa tách bạch được yêu cầu phục vụ cộng đồng với yêu cầu hạch toán ngân sách...

Nhưng cũng chính vì muốn mang chất Huế, thuộc về Huế, trong khi mô hình Festival Huế lại theo cách thức của Festival Avignon của Pháp, một liên hoan sân khấu thường niên được tổ chức tại thành phố Avignon Pháp, đã tổ chức đến nay trên 60 kỳ (từ năm 1947), diễn ra định kỳ tháng 7 trên đường phố và trong các nhà hát của Avignon, bình quân có từ trên 900 đến 1.000 buổi diễn, kéo dài cả tháng…

Một tiết mục trình diễn tại Festival Huế lần thứ 9.

Hay Festival Edinburg, chương trình chính thức thường vào tháng 8, Festival Adelaide Úc, tổ chức vào tháng 3, cũng hơn nửa tháng. Cả ba thành phố Avignon, Edinburg, Adelaide đều là những thành phố festival, nhưng để lấy đó mà "áp" vào Festival Huế thì có lẽ rất khó. Vấn đề trước mắt ở đây là sự khéo léo trong tổ chức, chủ động trong tiếp nhận và bố trí các chương trình.

Hơn nữa "Thành phố Festival" hiện đang thiếu một tổng đạo diễn (không phải tổng đạo diễn cho từng lễ hội hay chương trình), như một nhạc trưởng, kiến trúc sư trưởng, để có một sự thống nhất, một sự xuyên suốt của Festival Huế. 

Hiện tại, Festival Huế gồm rất nhiều tổng đạo diễn cho nhiều chương trình, và mỗi người gần như độc lập với nhau, không ai biết ai làm gì, như thế nào, dẫn đến các lễ hội được tổ chức không thống nhất. Và đây cũng là một vấn đề để cho Festival Huế trở thành chuyên nghiệp và đẳng cấp, có giá trị cả kinh doanh và giá trị văn hóa quốc gia.

Khi đã là "Thành phố Festival", tổ chức Festival Huế, nên chăng chỉ sử dụng 1 tấm vé duy nhất in tất cả chương trình để khách có thể tham gia những gì có thể, không phải mua vé cho từng đêm, người lớn trẻ em giá vé khác nhau… Cũng như  không nên chia nhỏ từng địa điểm tham quan với giá vé từng nơi mà gộp chung như cách làm của Campuchia với di sản Angkor. 

Riêng yến tiệc hoàng cung, cần xem lại giá vé, nếu xác định đẳng cấp cao thì cần một giá vé tương xứng với giá trị cao (như ở Hàn Quốc hay Nhật Bản giá vé thưởng thức ngự yến hoàng cung thường từ 150-200 USD và rất chọn lọc thực khách), xem như đây là thương hiệu cao cấp của Festival Huế.

Mỗi một FH qua đi là một lần đúc kết nhiều kinh nghiệm tổ chức và xây dựng kịch bản, cũng như tạo thêm giá trị, nâng tầm cho Festival Huế ngày càng như một thương hiệu quốc tế, không chỉ cho di sản Huế, mà còn là sự tiếp cận khám phá và tìm hiểu tinh hoa văn hóa, con người, đất nước Việt Nam, giúp cho ngành du lịch Việt Nam phát triển.

Và việc bảo tồn di sản với phát triển vẫn luôn là bài toán khó để sao cho xưa - nay đồng hành, để không phải tiếc nếu mất đi hay khổ vì không đổi mới.

Hoài Hương
.
.
.