"Giáo sư âm nhạc" Ngọc Sơn: Học hàm không thể... thích phong là được
- Ngọc Sơn trở lại với “Tình khúc vượt thời gian”
- Ca sĩ Ngọc Sơn: “Ngôi sao” tăm tối!
- Ca sỹ Ngọc Sơn: Tửng và tỉnh!
Câu chuyện lạm dụng phong tặng danh hiệu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tiếp tục “nóng” lên trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội khi mới đây, ca sĩ Ngọc Sơn công bố bằng khen của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu dành cho anh vì “đã có nhiều đóng góp xuất sắc trong công tác xây dựng thương hiệu vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Việt Nam”. Đặc biệt, trong đó, Ngọc Sơn được “phong tặng” là Giáo sư âm nhạc…
Thực tế, riêng với lĩnh vực âm nhạc, việc các danh hiệu được phong tặng hoặc tự phong tặng từng khiến khá nhiều ca sĩ, nhạc sĩ bức xúc.
Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa đã từng bức xúc chia sẻ rằng, hiện nay, có không ít gương mặt chỉ “âm ư vài ba câu nhạc” đã đứng tên một số sáng tác rồi nghiễm nhiên được công nhận là ca sĩ, nhạc sĩ đã không phải chuyện hiếm. Giải thưởng cũng vì thế mà “mọc” lên khiến dư luận bức xúc, khó nhận biết đâu là tham vọng.
Ví như lĩnh vực thời trang, danh hiệu người mẫu, hoa hậu cũng từng bị lạm dụng đến mức cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phải có văn bản quy định mỗi năm chỉ được tổ chức tối đa 2 cuộc thi hoa hậu. Các cuộc thi nhan sắc quy mô “ao làng” cũng buộc phải hạn chế. Tuy nhiên, đến trường hợp ca sĩ Ngọc Sơn được “phong tặng” là Giáo sư âm nhạc thì cơ quan quản lý hoạt động văn hóa, nghệ thuật dường như còn tỏ ra lúng túng, mặc dù, đại diện một số đơn vị cũng bức xúc.
Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận định: Việt Nam hiện nay cũng không có chức danh Giáo sư âm nhạc chung chung mà chỉ có Giáo sư chuyên ngành lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Giáo sư chuyên ngành âm nhạc học. Người được phong tặng Giáo sư phải có trình độ, có cống hiến trong công tác nghiên cứu, giảng dạy.
Việc phong tặng phải do Hội đồng học hàm thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, không phải muốn phong tặng thế nào thì phong tặng. Liên quan đến phong tặng danh hiệu, các cơ quan quản lý cũng cần xiết chặt hơn, tránh tình trạng mất kiểm soát, làm giá trị giải thưởng cũng mất đi…
Ca sĩ Ngọc Sơn và bằng khen gây tranh cãi. |
Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho hay, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam không có chức năng phong tặng học hàm Giáo sư. Hội này trực thuộc Bộ Công Thương.
Việc cho phép các Hội Nghề nghiệp thành lập, hoạt động thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ. Xét học hàm Giáo sư là có Hội đồng riêng. Nếu Chủ tịch Hội hoặc Hội này hoạt động sai chức năng, nhiệm vụ, cơ quan quản lý cần xử lý kịp thời, tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Vụ trưởng Vụ Thi đua và Khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Phùng Huy Cẩn cũng nhận định: “Sự việc gây bức xúc dư luận liên quan đến bằng khen của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam dành cho ca sĩ Ngọc Sơn là rất đáng tiếc cho cả người nhận và đơn vị trao. Xét về góc độ nào đấy, đây là hành động xúc phạm giới trí thức trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói riêng, trí thức cả nước nói chung.
Giáo sư là học hàm được Đảng, Nhà nước và nhân dân rất coi trọng, không thể để một cá nhân hay đơn vị nào biến thành trò PR rẻ tiền được. Xã hội phải có tiếng nói rõ ràng về việc này. Sắp tới, chúng tôi mong cơ quan quản lý các Hội nghề nghiệp cũng cần phải xiết chặt lại hoạt động của các tổ chức Hội này.
Việc khen thưởng của các tổ chức Hội nghề nghiệp, tổ chức quần chúng cũng cần rà soát lại xem có đúng tôn chỉ mục đích, đúng quy định của pháp luật hay không. Nếu không đúng, cơ quan quản lý của tổ chức đó phải chấn chỉnh một cách nghiêm túc để giữ sự tôn nghiêm và giá trị của các danh hiệu, giải thưởng, khen thưởng. Về mặt quản lý nhà nước các cơ quan quản lý các Hội phải xiết lại, khi thông qua điều lệ hoạt động của họ phải xem lại”…
Thực tế lâu nay, việc phong tặng các danh hiệu, giải thưởng cấp nhà nước trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được thực hiện theo Luật Thi đua, Khen thưởng, các Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.
Cụ thể, theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25-6-2014 của Chính phủ về xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú thì việc xét tặng các danh hiệu được thực thi theo quy trình rất chặt chẽ.
Các danh hiệu này là để tôn vinh, ghi nhận các cá nhân có đóng góp tích cực trong giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa, có nhiều cống hiến cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Các hồ sơ đề nghị xét tặng đều phải thực hiện qua 3 cấp Hội đồng, từ Hội đồng cấp cơ sở (cấp tỉnh), qua Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ và Hội đồng cấp Nhà nước.
Các danh hiệu được xét tặng có nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, hoàn toàn không có việc phong tặng học hàm, học vị. Vì vậy, chức danh giáo sư dành cho ca sĩ Ngọc Sơn hoàn toàn không có giá trị về mặt pháp lý.