Gian nan bảo vệ quyền tác giả thời công nghệ số
- Nhiều thách thức trong bảo vệ quyền tác giả
- Bảo vệ quyền tác giả: Thiếu công cụ hay thiếu niềm tin?
- Quản lý tập thể về quyền tác giả, quyền liên quan: Vẫn lúng túng và nhiều vướng mắc
Ông Brian Nicholas Garnett, Chủ tịch Interight Co Limited cho biết, nền kinh tế sáng tạo khuyến khích tăng thu nhập, tạo việc làm và thu nhập từ xuất khẩu dựa trên sự đa dạng văn hóa và phát triển nhân lực. Kinh tế sáng tạo kết hợp các khía cạnh kinh tế, văn hóa, xã hội, kết hợp với công nghệ, sở hữu trí tuệ và mục tiêu du lịch.
Tâm điểm của kinh tế sáng tạo là công nghiệp sáng tạo và công nghiệp sáng tạo đang trở thành một ngành quan trọng, còn vai trò của bản quyền ngày càng được mở rộng hơn tại các quốc gia. Tùy từng quốc gia mà giá trị đóng góp cho GDP khác nhau, cụ thể tại Mỹ, giá trị đóng góp của công nghiệp sáng tạo cho GDP lên đến trên 10%, còn tại Brunei thì chỉ dưới 2%.
Trong thời đại công nghệ, bản quyền là câu chuyện của toàn cầu. Những thách thức đặt ra đối với hệ thống quyền tác giả trong thời đại số là câu chuyện của toàn cầu, không chỉ riêng với Việt Nam.
Ông Lee Dae Hee, Giáo sư Khoa Luật, Đại học Hàn Quốc cũng chia sẻ, công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho chủ sở hữu quyền tác giả lẫn người sử dụng. Nếu người sử dụng thuận tiện hơn trong tiếp cận, sử dụng các tác phẩm thì người sở hữu cũng có thêm nhiều cơ hội vì thị trường lớn hơn, nhiều người sử dụng hơn, dễ dàng phân phối tác phẩm hơn.
Tuy nhiên, chủ sở hữu cũng đối mặt với nhiều rủi ro hơn vì vi phạm quyền tác giả dễ hơn. Quốc tế đã có nhiều ứng phó với các vi phạm này thông qua các điều ước quốc tế đa phương, điều ước quốc tế khu vực và điều ước quốc tế song phương.
Nhiều vấn đề về kỹ thuật số cũng đặt ra, trong đó có vấn đề về trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ Internet, các biện pháp bảo hộ công nghệ và các giải pháp bảo hộ quyền tác giả trên Internet.
Tại Việt Nam, câu chuyện về bảo hộ bản quyền vẫn còn mới mẻ, dù hệ thống pháp luật, quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam đã tương đối đầy đủ.
Ông Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ: Nhờ công nghệ, chúng ta có cả một tổng kho tri thức trong thế giới mạng nhưng khó nhất của bản quyền là bản quyền trên môi trường mạng vì nó lớn quá, phát triển quá nhanh, luật lệ không theo kịp, nhận thức không theo kịp và hành động con người không theo kịp.
Có khoảng 70% kiến thức của con người từ mạng mang lại nhưng vẫn là nghịch lý khi người sử dụng không đóng góp nghĩa vụ với mạng, với người sáng tạo trong thế giới này.
Trong khi đó, bộ máy thực thi bản quyền của Việt Nam còn mới, Luật có nhưng chưa đồng bộ, người sáng tạo và người sử dụng sáng tạo từ bao nhiêu đời nay đều cho rằng nhạc sĩ có bài hát được nhiều người nghe là vinh dự, như là sự bù đắp.
Tác giả có quyển sách hay được nhiều người đọc cho thế là quý, mà không nghĩ người ta đang sử dụng kiến thức của mình, xâm phạm quyền lợi của mình. Vi phạm bản quyền trở thành bình thường, “hồn nhiên” từ cá nhân đến tập thể. Những người làm bản quyền chủ yếu là từ tâm huyết, bồi dưỡng tập huấn, thực tế không nhiều, tính chuyên nghiệp chưa cao, tín nhiệm ít vì thiếu kinh nghiệm.
Những gì chúng ta làm được về bản quyền vẫn còn rất khiêm tốn so với những gì phải làm. Những người làm bản quyền vẫn đơn thương độc mã vì chưa huy động được sức mạnh tổng hợp từ cộng đồng.