Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM:

Hi vọng năm 2021, có thể động thổ được công trình xây dựng Nhà hát

Thứ Ba, 28/02/2017, 17:17
Đó là câu trả lời của NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) khi được hỏi về kế hoạch xây dựng Nhà hát này trong cuộc gặp báo chí vừa qua.

Cụ thể, ông Thạch cho biết, kế hoạch xây dựng HBSO đã có từ năm 1999. Sau cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM khi đó, đã có thông báo về quy hoạch phát triển cơ sở vật chất ngành văn hóa thông tin đến năm 2010, trong đó có việc xây dựng nhà hát cho HBSO.

Thậm chí, lúc đó, vị trí để xây Nhà hát cũng đã được đưa ra. Tuy nhiên từ đó đến nay, qua nhiều cuộc họp, đề án, thậm chí vị trí xây dựng cũng thay đi đổi lại, kế hoạch này vẫn nằm nguyên trên giấy.

NSƯT Trần Vương Thạch.

 Lãnh đạo HBSO nói:“Để xây dựng nhà hát, chỉ có 2 vấn đề thôi. Đất đâu và tiền đâu? Giờ còn chưa có đất thì biết nói cái gì? Chỉ khi nào giao đất, thì lúc đó mới lập ra bản vẽ được. Chỉ khi nào có bản vẽ thì lúc đó mọi thứ mới hiện thực hóa được. Rồi tiếp đến, vấn đề tiền đâu để xây? Ngân sách Nhà nước có đủ không? Nếu không đủ thì để chúng tôi kêu gọi xã hội hóa. Thành phố phải quyết định chứ”.

Khi PV hỏi, với tư cách là người đứng dầu HBSO, ông có những biện pháp quyết liệt gì để thúc đẩy, tiến tới hiện thực hóa kế hoạch này, ông Thạch trả lời khá thận trọng.

“Tôi vẫn đang cố gắng từng ngày, từng bước, với từng người. Từ nay tới năm 2021 - khi tôi nghỉ hưu, trong 5 năm ấy, tôi không muốn làm điều gì khác ngoài việc này. Tôi hi vọng đến năm 2021, có thể động thổ được công trình này”, ông nói. “Động thổ thôi nhé, tôi chẳng dám nói điều gì cao xa hơn thế nữa”, ông nhấn mạnh lần nữa.

Không có "nhà", HBSO phải thuê địa điểm để tập luyện và biểu diễn.

HBSO được thành lập vào năm 1993, đến nay đã có hơn 20 năm cống hiến, phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc hàn lâm của khán giả trong và ngoài nước đến với thành phố này. Vì chưa có một địa điểm hoạt động chính danh, xứng tầm với quy mô, tính chất của Nhà hát, nên hàng trăm nghệ sỹ, nhân viên của HBSO vẫn phải “nay đây mai đó” khắp thành phố, từ rạp chiếu phim Khải Hoàn, rạp Nhân dân, trụ sở 2 của Sở Văn hóa & Thể thao TP.HCM và hiện nay là tầng hầm chật hẹp của Nhà hát TP.HCM. Chưa kể, chi phí thuê địa điểm biểu diễn và tập luyện rất lớn.

Việc xây dựng Nhà hát là một nhu cầu hết sức bức thiết. Song, chẳng hiểu vì lí do gì, kế hoạch này vẫn nằm trên giấy gần 20 năm qua?

Đậu Dung
.
.
.