Đưa ca Huế vào giảng dạy ở các trường học

Chủ Nhật, 12/01/2020, 07:51
Thời gian qua, ngành Văn hóa tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thực hiện nhiều giải pháp để đưa di sản ca Huế vào trường học. Hoạt động thiết thực này không những giúp các em học sinh nâng cao khả năng thực hành, biểu diễn ca Huế mà còn góp phần lưu truyền, gìn giữ, phát huy giá trị di sản ca Huế trong cộng đồng.


Trong 4 tháng qua, cứ đến chiều thứ 5 hàng tuần, Trường THCS Thống Nhất, TP Huế, lại dành 2 tiết học cuối buổi để giảng dạy ca Huế cho học sinh. Từng lời ca, âm điệu của những bài ca Huế, như “Hò mái xắp”, “Lý Đoản xuân”… đã được cô giáo Kim Liên, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Thừa Thiên-Huế đứng lớp truyền dạy cho các em. 

Em Hoàng Thanh Ngọc (học sinh lớp 6) chia sẻ: “Từ nhỏ, em đã được xem và được nghe ca Huế và có ấn tượng với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Dù một số bài ca Huế rất khó học, nhưng em và các bạn cùng lớp sẽ cố gắng học thật tốt để có thể hát được các bài này”. 

Cô giáo Nguyễn Phước Như Ý, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thống Nhất cho hay, việc tổ chức lớp học ca Huế của nhà trường được bắt đầu từ khi Sở VH&TT cùng Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp tổ chức chương trình “Đưa di sản nghệ thuật ca Huế vào trường học” từ tháng 8-2019. 
Học sinh Trường THCS Trần Cao Vân, TP Huế biểu diễn các làn điệu ca Huế.

Sau 3 tháng tập huấn và nâng cao kỹ năng về ca Huế cho các giáo viên âm nhạc, hiện các giáo viên của nhà trường đã tiếp nhận được các bài bản, làn điệu ca Huế và các điệu hò, điệu lý Huế để truyền dạy cho các em học sinh. 

“Có thể nói, những buổi học ban đầu, cả cô giáo lẫn học trò đều bỡ ngỡ, tuy nhiên đến nay hoạt động truyền dạy ca Huế cho học sinh của nhà trường đã đi vào nền nếp. Điều đáng mừng là các em học sinh rất thích thú; nhiều em đam mê và rất có năng khiếu với ca Huế. Nhà trường đánh giá rằng, hoạt động đưa ca Huế vào trường học rất thiết thực và ý nghĩa khi chương trình không những giáo dục tình yêu quê hương, đất nước mà còn giúp các em học sinh tiếp cận được với loại hình nghệ thuật mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống như ca Huế”, cô giáo Ý nói.

Được biết, nhiều tháng trở lại đây, Trường Trung cấp VHNT và Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với các trường THCS ở TP Huế triển khai nhiều hoạt động góp phần lan tỏa di sản ca Huế đến với thế hệ trẻ. 

Có 28 học viên là những giáo viên âm nhạc của các trường THCS tham gia lớp tập huấn, tìm hiểu về không gian diễn xướng, nghệ thuật ca Huế; thực hành các bài bản, làn điệu ca Huế tiêu biểu; đồng thời giao lưu, biểu diễn ca Huế với các nghệ sĩ, nghệ nhân tại các câu lạc bộ (CLB) ca Huế. 

Nhiều trường học còn xây dựng mô hình CLB ca Huế thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh. Các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hình thức hoạt động nhằm giới thiệu, tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực về di sản nghệ thuật ca Huế thông qua tổ chức biểu diễn hát ca Huế trong lễ chào cờ đầu tuần, trong lễ khai giảng, và các dịp lễ kỷ niệm, các chương trình liên hoan văn nghệ….

Ông Dương Hồng Lam, Hiệu trưởng Trường Trung cấp VHNT tỉnh Thừa Thiên-Huế còn cho biết, trong quá trình triển khai giảng dạy ca Huế cho những CLB tại các trường học, dù các em học sinh bận lịch học chính khóa theo thời khóa biểu, sĩ số khó đạt 100% nhưng khi đến lớp các em rất tập trung, nghiêm túc tham gia với niềm đam mê, hứng thú thật sự. Có nhiều học sinh tiếp thu và thể hiện tốt khả năng trình diễn ca Huế của mình, đây là điều rất đáng mừng. 

Theo lãnh đạo Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, ca Huế đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2015. 

Việc đưa di sản ca Huế vào trường học không chỉ đơn thuần là dạy cho học sinh tập hát ca Huế mà còn giúp các em nhận ra giá trị nhân văn ẩn chứa trong nội dung từng bài bản ca Huế để các em trân trọng và yêu quý di sản ca Huế hơn, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản này khi tỉnh Thừa Thiên-Huế đang thực hiện xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật ca Huế” trình UNESCO đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Anh Khoa
.
.
.