Du lịch đường thủy TP Hồ Chí Minh thiếu sản phẩm đặc trưng
- Du lịch đường thủy TP Hồ Chí Minh: Tàu nhiều, bến thiếu
- UBND TP HCM ban hành “Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2017-2020”
Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 29 doanh nghiệp đang kinh doanh, khai thác vận chuyển và phục vụ du lịch đường thủy; 84 phương tiện vận tải khách du lịch, gồm: 6 tàu nhà hàng, 72 tàu/ca nô du lịch và 6 tàu chở khách cao tốc, 4 tàu buýt thủy.
Các sản phẩm du lịch đường thuỷ tầm ngắn dưới 10km có 4 tuyến; tầm trung từ 10-60km có 3 tuyến, các tuyến tầm xa trên 60km có 3 tuyến.
Trong đó, tuyến du lịch nội đô tầm ngắn là Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang xây dựng Đề án Phố ẩm thực Phan Xích Long gắn với việc đề xuất bổ sung bến thuyền tại khu Rạch Miễu dự kiến sẽ khai trương Phố Ẩm thực trong năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay đang ảnh hưởng dịch COVID-19 nên thành phố chưa có quyết định chính thức.
Một bến tàu du lịch ở TP Hồ Chí Minh. |
TP Hồ Chí Minh có mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc, gồm 2.953 tuyến với tổng chiều dài 4.368km có các tuyến sông, kênh, rạch chảy sâu vào khu vực trung tâm thành phố, tạo nên không gian, cảnh quan kiến trúc thành phố; phục vụ vận tải hành khách, hàng hóa và phát triển du lịch bằng đường thủy, nhưng thành phố vẫn chưa khai thác được tiềm năng.
Thành phố hiện cũng có 11 bến thủy nội địa do thành phố đầu tư, đã bàn giao các đơn vị quản lý và khai thác 8 bến. Còn các tổ chức, cá nhân đầu tư cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch trên địa bàn có 48 cảng và bến thủy. Nhưng hiện tại do tác động của môi trường, triều cường, một số bến đã xuống cấp và không còn hoạt động được như bến Bình Đông, bến Chùa Long Hoa, bến Lò Gốm, bến Bình Hòa, bến Bình Khánh,…
Ngoài ra, 68 bến thủy nội địa phục vụ đưa rước hành khách nhưng hầu hết là tạm thời, nhỏ lẻ, thiếu khu vực vệ sinh cho khách du lịch, chưa xác định được khu vực neo đậu cho phương tiện thủy.
Mục tiêu trọng tâm trong 2020 mà Sở Du lịch đề ra để vực dậy du lịch đường thuỷ là xây dựng sản phẩm quảng bá du lịch đường thủy xúc tiến trong và ngoài nước, nhất là tuyến đường thủy kết nối đồng bằng sông Cửu Long; công bố tuyến vận tải Bạch Đằng – Bình Dương – Củ Chi, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch gắn với các tuyến mới nhằm đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch đường sông. Tuy nhiên, vấn đề là phải có sản phẩm du lịch đặc trưng và hấp hẫn du khách, chứ quảng bá rầm rộ, khách đến và thất vọng thì thất bại.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, du lịch đường thuỷ ở TP Hồ Chí Minh có tiềm năng rất lớn, nhưng cần có chính sách phù hợp để phát triển nhằm khai thác hết tiềm năng. Ngoài xây dựng các bến tàu du lịch, có thể tổ chức các cuộc thi trang trí đèn màu dọc hai bên sông để có sự sáng tạo của người dân, khai thác cho du khách tham quan các di tích lịch sử dọc các tuyến sông…
Còn theo ông Nguyễn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tú chuyên tổ chức tour du lịch trên sông Sài Gòn, “làm du lịch cũng chính là bảo vệ môi trường”. Bởi vì, làm du lịch đường thuỷ thì mọi người sẽ tự giác làm sạch môi trường hoặc không xả rác ra môi trường.
Ông Linh cho biết, khung cảnh sông Sài Gòn rất đẹp và được chia làm hai ngả để du khách lựa chọn. Đó là hướng từ trung tâm thành phố lên thượng nguồn (Hóc Môn, Củ Chi, Bình Dương,…) và hướng từ thành phố ra biển (Cần Giờ).
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, để phát triển du lịch đường thuỷ, các sở, ngành liên quan đang cùng quận, huyện rà soát, đánh giá hiện trạng cầu bến để lập danh mục cảng, bến thủy nội địa đề xuất đầu tư, nâng cấp phục vụ phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố đến năm 2030.
Sở Du lịch cũng kiến nghị UBND thành phố giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì khẩn trương hoàn thiện việc quy hoạch, thiết kế đô thị và tổ chức quản lý, khai thác cảnh quan sông nước, hệ thống bờ kè dọc sông Sài Gòn và kênh rạch nội đô nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về tổ chức và quản lý không gian cảnh quan trên toàn bộ tuyến sông.