Du lịch đường thủy TP Hồ Chí Minh: Tàu nhiều, bến thiếu

Thứ Ba, 05/09/2017, 08:21
Với lợi thế có sông Sài Gòn và sông Đồng Nai chảy qua, cùng với hệ thống kênh rạch khắp thành phố, TP Hồ Chí Minh có đầy đủ mọi điều kiện thuận lợi để đưa du lịch đường thủy nội đô trở thành mũi nhọn trong chiến lược phát triển ngành. Tuy nhiên, đi cùng với những lợi thế đó là những khó khăn khiến du lịch đường thủy tại địa phương này “mắc cạn”.


Du lịch đường thủy tại TP Hồ Chí Minh đang phát triển èo uột khi lượng khách liên tục giảm khiến nhà đầu tư thì lâm vào tình thế "phá sản", nhiều nguy cơ "chết lâm sàng". Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng này là do có nhiều tàu muốn vào thành phố nhưng lại phải ghé nơi khác vì... thiếu bến.

TP Hồ Chí Minh có khoảng 1.000km sông, kênh, rạch, ngoài chức năng là đường thủy nội địa và hàng hải, còn có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch đường sông. Đặc biệt, cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn có nhiều đoạn rất phong phú và đặc sắc, được kết nối với các làng nghề, vườn cây ăn trái ở nhiều địa phương lân cận... Đây chính là tiềm năng lớn để TP Hồ Chí Minh chọn du lịch đường sông là mũi nhọn trong các loại hình du lịch của thành phố.

Du lịch đường thủy TP Hồ Chí Minh vắng khách.

Mặc dù du lịch đường thủy có một vị trí chiến lược trong phát triển du lịch của thành phố và có đầy tiềm năng để phát triển, tuy nhiên sự phát triển của loại hình này vẫn chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng hiện có, do hệ thống cầu tàu, nhà chờ, bến đậu trên các tour tuyến khá thiếu và yếu về chất lượng.

Một số doanh nghiệp du lịch tàu biển lớn cho biết, số lượng tàu muốn đưa khách đến TP Hồ Chí Minh nhiều nhưng vì thiếu cầu cảng nên số chuyến tàu và lượng khách đến trên thực tế lại giảm.

Trước đây, những tàu có sức chứa vài ngàn hành khách có thể đổ khách gần bến Nhà Rồng - trung tâm thành phố. Từ năm 2009, khi cầu Phú Mỹ bắc qua sông Sài Gòn vận hành và do độ tĩnh không của cầu, chỉ những tàu nhỏ có sức chứa dưới 1.000 khách và thuyền viên mới có thể vào trung tâm; những tàu lớn phải ra những cảng phía bên ngoài cầu Phú Mỹ như cảng Rau Quả, Navi Oil, Hiệp Phước...

Những năm gần đây, nhiều cảng do quá bận rộn với mảng kinh doanh chính là đón tàu container nên gần như không còn chỗ cho tàu du lịch. Cảng Hiệp Phước cũng còn ít chỗ đậu nên phần lớn tàu lớn phải chở khách ra Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT). Từ đây, một số khách đi vào TP Hồ Chí Minh bằng ôtô. Hiện tại, việc tìm bến cho tàu du lịch biển còn căng thẳng hơn vì cảng Sài Gòn đang trong giai đoạn di dời và chưa thể xác nhận lịch đón tàu.

Theo ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt cho biết, tại TP Hồ Chí Minh, đoạn bến Nhà Rồng ngay quận 4, có vị trí địa lý, và có ý nghĩa lịch sử, nếu thành phố có thể khai thác được thành bến đậu cho tàu du lịch thì đó là một điểm nhấn giúp du lịch phát triển.

Hiện nay, thực tế cho thấy nếu vào TP Hồ Chí Minh thì gần như tất cả các tàu đều ngủ đêm, còn ra BRVT thì thường chỉ đến rồi đi trong ngày. Khi tàu ngủ đêm, ngành du lịch có thể khai thác được rất nhiều thứ, từ dịch vụ cho tàu, cho thủy thủ, đến dịch vụ mua bán ăn uống, giải trí và tour cho hành khách. Nếu một tàu có 2.000 khách ở lại thêm một đêm thì ngành du lịch có thêm chừng đó khách. Lượng khách sẽ còn nhiều hơn khi tàu có thể dễ dàng đậu ở thành phố.

Trong cuộc gặp gỡ mới đây giữa lãnh đạo thành phố với các DN du lịch, các DN cho rằng điều cần nhất là phải có bến cho tàu ghé, kế đến là phải đầu tư mạnh mẽ hơn cho cảng chuyên dụng, đưa thành phố trở thành nơi để tàu tiễn khách cũ và nhận khách mới, điều này sẽ giúp lượng khách quốc tế tăng cao.

Trước mắt, doanh nghiệp cần biết kế hoạch di dời các cảng Sài Gòn, Rau Quả, Navi Oil... để kịp tính toán lịch trình với các hãng tàu; cần biết khi nào thì cảng Mũi Đèn Đỏ có thể đón khách quốc tế. Với những người kinh doanh du lịch tàu biển, cảng Sài Gòn vẫn là nơi thuận tiện nhất để đổ khách, vì vậy, thành phố nên giữ lại một phần cảng để khai thác dịch vụ này.

Thêm vào đó, TP Hồ Chí Minh nên hợp tác với BRVT mở bến thủy nội địa tại cảng Thị Vải để đưa khách đến Cần Giờ vì nhiều khách có nhu cầu đến đây. Một số doanh nghiệp cho rằng TP Hồ Chí Minh cần đầu tư nhiều hơn nữa và nếu có cảng chuyên dụng cho tàu khách thì lượng khách quốc tế sẽ tăng mạnh.

Có cảng chuyên dụng thực sự là một lợi thế lớn. Thiếu cảng, tàu khó ngủ đêm, các ki-ốt bán hàng cũng chỉ được dựng tạm bợ, không thu được nhiều tiền, trong khi nhu cầu mua sắm của khách là rất lớn. Đó mới chỉ là ví dụ nhỏ về mua sắm. Còn nhiều dịch vụ mà du lịch có thể khai thác.

Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, số lượng doanh nghiệp tham gia khai thác tour du lịch đường sông cũng ngày một giảm. Nếu năm 2011, TP Hồ Chí Minh có khoảng 37 doanh nghiệp với 130 phương tiện tham gia phát triển du lịch đường sông thì nay đã giảm còn 19 doanh nghiệp với 100 phương tiện tham gia.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, phát triển du lịch đường sông là chủ trương của thành phố có từ lâu, ngành du lịch cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư tour, tuyến để phát triển du lịch đường sông, tuy nhiên loại hình du lịch này chưa phát triển đúng tiềm năng.

Vì vậy, thành phố cần phải có nhiều chính sách để thu hút đầu tư và khuyến khích hợp lý để tiếp tục kêu gọi nhiều doanh nghiệp lữ hành khai thác tour đường sông tham gia. Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường nước, nâng độ tĩnh không của các cây cầu. Điều chỉnh quy hoạch hợp lý bến bãi, nhà chờ, có như vậy thì du lịch mới phát triển xứng tầm với những tiềm năng và thế mạnh của thành phố.

Buýt đường sông: Chờ hiệu quả sau ngày thử nghiệm

Phải đến tháng 10-2017, tuyến buýt đường sông số 1 mới chính thức đi vào hoạt động nhưng nhiều ngày qua, nhất là sau khi tuyến buýt đường sông nối trung tâm thành phố với quận Thủ Đức chạy thử nghiệm, người dân cảm thấy háo hức với phương tiện giao thông công cộng mới này.

Một trong những người may mắn được đi thử nghiệm tuyến buýt đường sông số 1, anh Thanh (ngụ quận 1) cho hay: “Đi buýt đường sông rút ngắn được thời gian lại được ngắm cảnh sông nước thì thật tuyệt vời! các bến đón trả khách đang được chỉnh trang, làm mới khang trang giống như một điểm dừng của tàu du lịch nên khiến những người di chuyển trên buýt đường sông có cảm giác thoải mái. Ngồi trên buýt đường sông mát, lại có đầy đủ các thiết bị, giá cũng chỉ 15.000 đồng suốt tuyến nên tôi cho đây là loại hình vận tải công cộng thu hút khách di chuyển bằng phương tiện công cộng”. Không riêng anh Thanh nhiều người dân thành phố đang trông chờ tuyến buýt đường sông số 1 hoạt động chính thức để đưa gia đình đi trải nghiệm.

Toàn tuyến buýt sông số 1 đi theo sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa sẽ có 12 bến, trong đó 9 bến chính thức và 3 bến bổ sung. Tại các bến này, Sở GTVT TP đã có phương án đưa xe buýt điện đón trả khách hoặc kết nối với tuyến buýt đường bộ.

Ông Phan Hoàng Trí, Phó Giám đốc Khu đường sông TP Hồ Chí Minh cho biết, việc triển khai tuyến buýt đường sông còn nhiều việc phải làm như hạ tầng giao thông đường thủy chưa phát triển, nhiều cây cầu trên các tuyến đường sông có độ tĩnh không không đạt tiêu chuẩn. Các phương tiện di chuyển sẽ bị ảnh hưởng bởi chế độ thủy triều, môi trường trên sông vẫn còn ô nhiễm, rác thải vẫn được người dân ném xuống sông.

Để giải quyết khó khăn này, phía Khu đường sông cho rằng cần phải đầu tư cải tạo nạo vét luồng, nâng cấp cầu và tuyên truyền người dân có ý thức trong việc xả rác.                    

Nghinh Phong

Hải Âu
.
.
.