Dự án lát đường đi bộ ven sông Hương bằng gỗ lim gây nhiều tranh cãi

Chủ Nhật, 04/03/2018, 11:13
Những ngày đầu năm 2018, dự án thí điểm “Xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, TP Huế” do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ cho tỉnh Thừa Thiên- Huế đã được triển khai thi công. 

Tuy nhiên, dự án này đang gây ra nhiều tranh cãi với những ý kiến trái chiều trước sự việc gỗ lim nhập khẩu từ Nam Phi được chọn làm vật liệu lát sàn.

Tìm hiểu được biết, ngày 6-6-2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 649/QĐ-TTg về dự án “Điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do KOICA tài trợ không hoàn lại. 

Nhằm cụ thể hóa đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế, Chính phủ Hàn Quốc, thông qua tổ chức KOICA tài trợ cho TP Huế thực hiện dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, với tổng kinh phí hỗ trợ không hoàn lại là 6 triệu USD. 

Trong đó, kinh phí lập quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương là 3 triệu USD và kinh phí thực hiện dự án thí điểm là 3 triệu USD. Riêng dự án “Xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, TP Huế” là dự án thí điểm của dự án “Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương”.

Phối cảnh đường đi bộ bờ Nam ven sông Hương được lát sàn bằng gỗ lim.

Theo Ban quản lý dự án KOICA, dự án thí điểm trên có tổng kinh phí 52,9 tỷ đồng được KOICA tài trợ không hoàn lại, thuộc công trình hạ tầng kỹ thuật cấp IV do Viện nghiên cứu Han-A và Công ty Kỹ thuật Dohwa của Hàn Quốc nghiên cứu tư vấn; Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên - Huế làm nhà thầu thi công xây lắp. 

Dự án gồm các hạng mục như: Cầu đi bộ, sàn lát gỗ lim; bến thuyền; sân khấu biểu diễn ngoài trời; hệ thống giao thông, đường đi bộ dọc bờ sông nối từ khu vực cầu Phú Xuân đến nhà hàng Festival; hệ thống chiếu sáng và các hạng mục phụ trợ khác nhằm kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ cầu Trường Tiền đến công viên Lý Tự Trọng, TP Huế, phục vụ khách du lịch vui chơi, ngắm cảnh. 

Trong đó, hạng mục cầu đi bộ rộng 4m, dài 400m được thiết kế bằng sàn bê tông cốt thép trên hệ cọc bê tông ly tâm D400, mặt sàn được lát gỗ lim (loại gỗ có quota nhập khẩu chính ngạch, hợp pháp từ Nam Phi) dày 5cm, với tổng diện tích lát gỗ lim 2.438m². Dự toán tổng chi phí gỗ lim dùng lát sàn cho cầu đi bộ là 5,14 tỷ đồng, bao gồm phần gỗ lim thành phẩm được xử lý và gia công, lắp dựng.

Tuy nhiên, vấn đề sử dụng gỗ lim để lát sàn cầu đi bộ tại dự án thí điểm trên đã khiến người dân xứ Huế, nhiều chuyên gia và các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc dự án sử dụng gỗ lim để lát sàn công trình được xây dựng sát bên bờ sông Hương. 

Kiến trúc sư Trương Hoàng Phương, Trưởng bộ môn Kiến trúc Kỹ thuật, khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học Huế cho biết, Huế là địa phương thường xuyên có mưa lũ, đặc biệt tại sông Hương thường có lũ dâng cao nên việc sử dụng vật liệu gỗ sẽ không bền vững. 

“Ưu điểm của gỗ là thân thiện với môi trường nhưng khi sử dụng gỗ ở ngoài trời, khu vực thường ngập lụt cần tính toán đến tuổi thọ để có phương án về kinh phí duy tu, bảo dưỡng...”, ông Phương nêu ý kiến. 

Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nhận định, do được tư vấn, tính toán kỹ trước khi thực hiện nên dự án xây dựng tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương sẽ không gây thay đổi lớn đối với cảnh quan sông Hương. Tuy nhiên, việc sử dụng gỗ lim lát cầu dọc tuyến bờ sông Hương sẽ nhanh hỏng hóc do ảnh hưởng mưa nắng, lũ lụt thường xuyên. 

Theo ông Hoa, trước đây TP Huế đã tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia về dự án trên thì ông và nhiều người đã bày tỏ sự lo ngại về việc sử dụng gỗ lim nên đã đề xuất dùng đá thay gỗ. “Kết luận sau đó, lãnh đạo TP nói rằng sẽ tôn trọng ý kiến của các chuyên gia nhưng dự án vẫn quyết định dùng gỗ lim làm vật liệu lát sàn”, ông Hoa nói.

Theo ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án KOICA, trước khi thực hiện dự án, đơn vị đã phối hợp với Bảo tàng Văn hóa Huế tổ chức công bố, lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với phương án thiết kế dự án từ ngày 4-7-2016 đến ngày 25-7-2016. 

Trong đó, đối với nội dung lấy ý kiến về kết cấu, vật liệu (tại bản vẽ chi tiết của sàn đi bộ và mô hình thực trưng bày xin ý kiến có thể hiện việc sử dụng gỗ lim để lát sàn) có đến 29/32 phiếu đồng ý, tỷ lệ 90, 62%. 

Ngoài ra, trong quá trình thiết kế dự án, các chuyên gia, tư vấn Hàn Quốc và Việt Nam đã nghiên cứu kỹ và đưa ra nhiều phương án về vật liệu lát sàn như đá Granit, gỗ tổng hợp sản xuất tại Việt Nam (Awood WPC), gỗ tổng hợp sản xuất tại Hàn Quốc (Wood plastic comphsites) và gỗ lim. 

“Qua tư vấn, các chuyên gia đã xem xét, đánh giá kỹ về các yếu tố như thân thiện môi trường, cảnh quan, ít biến dạng, bền vững với thời gian, kinh phí đầu tư, tạo nét đặc trưng và truyền thống xứ Huế của các loại vật liệu nên quyết định chọn gỗ lim để lát sàn tại dự án thí điểm xây dựng đường đi bộ bờ sông Hương”, ông Bằng lý giải.

Trước những dư luận trái chiều về dự án thí điểm kể trên, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay: “Địa phương luôn tôn trọng và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và người dân về dự án để có thể điều chỉnh nhằm giúp cho dự án được hoàn thiện tốt. Và chúng tôi tin rằng, sau khi hoàn thiện, tuyến đường đi bộ dọc bờ Nam sông Hương sẽ là điểm dừng chân thú vị cho du khách ngắm cảnh, góp phần phục vụ cho phát triển du lịch tỉnh nhà”.

Anh Khoa
.
.
.