Điều chỉnh một số quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT

Thứ Sáu, 24/04/2020, 09:08
Do có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), thực hiện chỉ đạo từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai xây dựng Nghị định bổ sung và lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trên cả nước.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là căn cứ pháp lý quan trọng để xét, tôn vinh những cá nhân hoạt động và có nhiều cống hiến trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. 

Thực tế những năm qua, việc trao tặng danh hiệu vinh dự cao quý của Nhà nước cho các nghệ sĩ đã góp phần động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình xét tặng do một số quy định của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tiễn. 

Cụ thể, đối với một số loại hình nghệ thuật truyền thống, cơ bản việc đào tạo diễn viên do các trường văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp đào tạo nhưng có không ít nghệ sĩ được đào tạo mang tính truyền nghề (nghệ sĩ được tuyển vào các đoàn nghệ thuật vừa được truyền nghề và tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ của đoàn). 

Hiện nay, các nghệ sĩ đó phần lớn tuổi đời cao, có nhiều đóng góp cho bộ môn nghệ thuật truyền thống (nhất là bộ môn nghệ thuật chèo, cải lương và tuồng cổ) ở nhiều địa phương. Một số nghệ sĩ trẻ, là những người có tài năng, hiện là diễn viên chính của các đoàn nghệ thuật, vừa tham gia biểu diễn vừa học tập tại các trường văn hóa, nghệ thuật của tỉnh, thành phố. 

Do vậy, qua đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 8 và lần thứ 9, Hội đồng các cấp thống nhất tính thời gian tham gia nghệ thuật chuyên nghiệp cho các nghệ sĩ được xét cụ thể từng hồ sơ trên cơ sở thông tin cá nhân có xác nhận của Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nơi cá nhân được xét hồ sơ.

Với quy định này, sẽ tránh bỏ sót được việc tôn vinh các nghệ sĩ có tài năng đặc biệt xuất sắc, có nhiều đóng góp ở một số lĩnh vực nghệ thuật truyền thống (nhất là bộ môn nghệ thuật chèo, cải lương và tuồng cổ) ở nhiều địa phương, nghệ sĩ được tuyển vào các đoàn nghệ thuật vừa được truyền nghề và tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ của đoàn.

Về tiêu chuẩn giải thưởng, nếu xét theo quy định tại khoản 4 Điều 8 và khoản 4 Điều 9 Nghị định số 89/2014/NĐ-CP sẽ có những trường hợp xứng đáng được tôn vinh nhưng chưa đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định.  

Trong đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 8 và lần thứ 9, nhiều trường hợp đề nghị xét tặng danh hiệu chưa đạt đủ tiêu chuẩn về giải thưởng nhưng được Hội đồng các cấp thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét vận dụng về số lượng huy chương đề nghị Chủ tịch nước xét phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Về số lượng thành viên Hội đồng các cấp và cơ cấu thành phần Hội đồng, cần tăng thêm các chuyên gia, giảm bớt đại diện các cơ quan nhà nước. Về tỷ lệ phiếu bầu tại các Hội đồng xét tặng giải thưởng, quy định tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% của tổng số thành viên Hội đồng có tên trong Quyết định (trường hợp vắng mặt, Hội đồng xin ý kiến thành viên bằng văn bản) là rất khó khăn vì lĩnh vực nghệ thuật khó đạt được tính thống nhất tuyệt đối trong đánh giá tài năng nghệ thuật tiêu biểu, xuất sắc. 

Với quy định như vậy, tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, các hồ sơ chỉ có 2/15 thành viên không đồng ý là không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước (đạt 86,7%). Tại Hội đồng cấp Nhà nước, các hồ sơ chỉ 3/25 thành viên không đồng ý (đạt 88%) cũng không đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu. 

Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, trên tinh thần tiếp thu ý kiến trao đổi của các chuyên gia chuyên ngành và dư luận xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện rà soát lại các quy định của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, trên cơ sở đó thấy rằng rất cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, kiến nghị, hoàn thiện, chỉnh sửa các điều quy định về giải thưởng, về số lượng thành viên Hội đồng các cấp, về tỷ lệ phiếu bầu đồng ý của Hội đồng các cấp cho phù hợp hơn với thực tế hiện nay.

N.H.
.
.
.