Nhiều "cửa ải" trước khi "chạm tay" danh hiệu NSƯT, NSND

Thứ Ba, 28/06/2011, 10:06
"Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT" có nhiều sửa đổi tương đối thuận lợi hơn trước. Tuy nhiên, một số điều khoản vẫn còn khá cứng nhắc, như NSND, NSƯT là phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia hoặc quốc tế đã "bó tay, bó chân" nhiều nghệ sỹ, mặc dù họ, xét về tài năng và sự cống hiến thì không kém ai.

Dự kiến, đúng dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) sẽ công bố danh sách nghệ sỹ được nhận danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân (NSND), Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) đợt 7 do Chủ tịch nước trao tặng.

Thời điểm này, Bộ đã thành lập hàng loạt Hội đồng, làm việc từ ngày 17/6 đến 7/7, để xét duyệt “núi” hồ sơ do các cấp cơ sở, tỉnh, thành gửi tới, trước khi chọn ra một danh sách cuối cùng, trình Hội đồng cấp Nhà nước phê duyệt.

Cởi mở hơn với các nghệ sỹ trẻ

Sau 6 đợt phong tặng danh hiệu vào các năm 1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007 tới nay, cả nước đã có 192 NSND, 1.580 NSƯT. Theo ông Nguyễn Hải Anh, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ VH-TT&DL), riêng đợt 7, ước tính đã có 138 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 466 hồ sơ cho NSƯT đang chờ Bộ xem xét.

Nhiều nghệ sỹ mà công chúng mến mộ từ lâu đều lọt vào danh sách này và đầy triển vọng nếu xét về tương quan lực lượng cũng như các tiêu chí đề ra khi so sánh với những NSND đã nhận vinh dự từ đợt trước, như: NSƯT Lệ Thủy, "cải lương chi bảo" Bạch Tuyết, NSƯT Ngọc Giàu, "kỳ nữ" Kim Cương, NSƯT Hồng Vân, vợ chồng nghệ sỹ múa Đặng Hùng - Vương Linh... của TP HCM và NSƯT Hoàng Cúc, Minh Hòa, Quốc Anh, hề chèo Xuân Hinh... ở Hà Nội.

Ca sỹ Hồ Quỳnh Hương, nghệ sỹ Bùi Công Duy được đề nghị tặng danh hiệu NSƯT.

Giới điện ảnh cũng chiếm thế thượng phong về số hồ sơ phong tặng danh hiệu NSND vì cùng lúc đề cử một loạt tên tuổi "gạo cội": đạo diễn Đào Bá Sơn, Nguyễn Thanh Vân; đạo diễn hoạt hình Phạm Minh Trí; đạo diễn phim tài liệu Lại Văn Sinh; diễn viên Bùi Cường, Bùi Bài Bình, Hà Xuyên, Lê Cung Bắc; quay phim Phạm Việt Thanh, Lý Thái Dũng...

Đặc biệt, năm nay, các Hội đồng cơ sở khá thoáng và cởi mở khi mạnh dạn đưa vào danh sách phong tặng NSƯT khá nhiều gương mặt trẻ, thế hệ 8X nhưng có đóng góp đầy đặn cho các hoạt động văn hóa xã hội, có cống hiến với khán giả, được đời sống nghệ thuật đương đại chấp nhận, hưởng ứng.

Ca sỹ Hồ Quỳnh Hương, ca sỹ chuyên trị dòng nhạc cách mạng Hồng Vy, diễn viên múa Linh Nga, Thùy Chi, "hoàng tử" violon Bùi Công Duy... là những ví dụ tiêu biểu. Đạo diễn Đức Thịnh, hay diễn viên Kim Oanh, Tự Long, Công Lý, Hoàng Lan... vốn quá quen mặt với quảng đại người xem truyền hình cũng lần đầu tiên có cơ hội được xướng tên trên bảng vàng. Đây là nét lạ, thể hiện sự đổi mới rõ rệt của các đơn vị cơ sở vì việc xét tặng danh hiệu xưa nay vốn vẫn quá nệ vào thâm niên công tác, tuổi đời của các nghệ sỹ.

Vẫn cần sự cảm thông hơn nữa với các nghệ sỹ

Để chuẩn bị cho đợt xét tặng lần thứ 7, ngày 16/7/2010, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Thông tư 06 "Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT" với nhiều sửa đổi tương đối thuận lợi hơn trước. Tuy nhiên, một số điều khoản vẫn còn khá cứng nhắc, như NSND, NSƯT là phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia hoặc quốc tế đã "bó tay, bó chân" nhiều nghệ sỹ, mặc dù họ, xét về tài năng và sự cống hiến thì không kém ai. Đơn giản, các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia thường định kỳ 4, 5 năm mới tổ chức một lần.

Và những lần tổ chức này cũng không thu hút được sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập (hoạt động rất hiệu quả tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam) cũng như nhiều đoàn địa phương. Các đơn vị ngại xuất quân vào những đợt hội hè, đơn giản có khi chỉ vì lý do thiếu kinh phí.

Nhà văn Ngô Thảo - nguyên Phó Tổng Thư ký Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam (NSSKVN) chia sẻ: Sửa đổi mà vẫn đếm huy chương để xét tặng danh hiệu, chỉ thuận tiện cho những nghệ sỹ công tác trong các đơn vị nghệ thuật công lập, nhất là ở đô thị lớn. Còn hàng nghìn nghệ sỹ công tác trong hàng trăm đoàn nghệ thuật, thuộc đủ loại hình sân khấu, ca múa nhạc, xiếc… tại các địa phương, lực lượng chủ yếu chuyên lặn lội phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, các vùng khó khăn cách trở về địa bàn, lại ít có điều kiện thi thố, giao lưu, đua tài cùng đồng nghiệp.

Tuy NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội NSSKVN đã lý giải: "Giải thưởng, huy chương chỉ là yếu tố cần chứ không phải đủ", nhưng trên thực tế, có nhiều nghệ sỹ, dù được đông đảo người hâm mộ yêu mến, vẫn điềm nhiên bị gạch tên ngay từ hội đồng cấp cơ sở vì thiếu số huy chương, giải thưởng theo quy định.

Bởi vậy, NSND Doãn Hoàng Giang - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội NSSKVN bày tỏ: "Với nghệ sỹ, điều tối quan trọng là tạo được dấu ấn cá nhân của mình trong đời sống nghệ thuật và được công chúng nhớ tên, biết mặt, quan tâm, đánh giá tốt. Thế nên, các danh hiệu trao cho nghệ sỹ, cũng đương nhiên phải chịu sự thẩm định, dò xét của mỗi khán giả. Làm cho công chúng đồng tình với danh hiệu mà các nghệ sỹ được tặng, thủ tục xét duyệt vẫn cần thông thoáng, mềm dẻo, uyển chuyển, tinh tế hơn, tôn trọng tối đa cái tôi của mỗi nghệ sỹ".

Quả tình, đã có nhiều nghệ sỹ tài năng, vì tự ái và không đồng tình với quy trình xét duyệt, đã từ chối lập hồ sơ đề cử mình như: ca sỹ Cẩm Vân, ca sỹ Ánh Tuyết, và cả NSƯT Thành Lộc, khi anh không đưa tên mình vào danh sách xét tặng danh hiệu NSND, dù luôn được sự ủng hộ nhiệt tình của dư luận

Khánh Bằng
.
.
.