Đầu tư du lịch tâm linh theo kiểu “mì ăn liền” ở núi Sam Châu Đốc

Thứ Năm, 09/05/2019, 14:53

Người dân tại tỉnh An Giang cũng như du khách thập phương đến tham quan du lịch tại Khu di tích quốc gia Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam đang bức xúc trước việc bị “đánh lừa”, Công ty MGA Việt Nam đang lợi dụng “thương hiệu” Bà Chúa Xứ để trục lợi trong kinh doanh. 

Có thể thấy, Công ty MGA Việt Nam là một nhà đầu tư độc lập nhưng lại được các ngành chức năng tỉnh An Giang đồng ý cho đặt tên dự án là Khu du lịch văn hoá tâm linh Bà Chúa xứ - Cáp treo Núi Sam, theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”. PV Báo CAND đã trao đổi với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hoá, du lịch để dư luận có cái nhìn rõ hơn về vấn đề trên.

Công trình trái phép vô tư “mọc” trên núi Sam

Như Báo CAND đã thông tin, đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Công ty MGA Việt Nam đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt về việc xây dựng trái phép một tượng Bà Chúa Xứ ngay trên đỉnh Núi Sam. 

Tiếp đến, vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, khách du lịch đến tham quan tại khu vực Núi Sam đã vô cùng bức xúc trước việc Công ty MGA Việt Nam tự ý tăng giá vé tham quan từ 10.000 lên 90.000 đồng/lượt. Bên cạnh đó, Công ty MGA Việt Nam còn tự ý đặt 12 thùng công đức tại các điện, đền trong khu du lịch. 

Chưa dừng lại, một số hạng mục công trình như sân khấu biểu diễn ca nhạc, nhà vệ sinh… không có giấy phép xây dựng vẫn đưa vào khai thác, hoạt động, bán vé tham quan…

Tuy nhiên, việc xử lý của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tỉnh An Giang đối với Công ty MGA Việt Nam như để doanh nghiệp “cầm đèn chạy trước ô tô”, rồi theo sau giải quyết hậu quả. Dễ dàng nhận thấy nhất là việc UBND tỉnh An Giang còn ưu ái cho nhà đầu tư này tiến hành xây dựng hoàn thành hàng loạt công trình đền, điện trên đỉnh Núi Sam, trước khi có quy hoạch 1/500 và hồ sơ thiết kế. Ngoài tượng Bà Chúa Xứ trái phép trên đỉnh núi được chủ đầu tư xây dựng vào tháng 2-2018 khi chưa được giao đất trên thực địa, thì nhiều công trình, hạng mục trên đỉnh núi như: Đền Phật ngọc, Đền Quan âm…cũng được triển khai xây dựng.

Dù giấy phép xây dựng tạm đã hết hạn nhưng Công ty MGA Việt Nam vẫn thi công các hạng mục, công trình trên đỉnh Núi Sam.

Bà Nguyễn Minh Thuý, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh An Giang cho biết, trước đây UBND tỉnh đã cho chủ trương chấp thuận đầu tư trên Núi Sam rồi nên các sở, ngành họp lại kiến nghị cho chủ đầu tư nợ những phần quy hoạch, thiết kế, và cấp phép xây dựng tạm có thời hạn.

 “Hiện nay, giấy phép tạm lần thứ 2 (lần cuối cùng) cũng hết thời hạn vào ngày 23-1-2019, họ ngưng hết không làm nữa. Khi nào hoàn chỉnh đúng thủ tục thì mới cấp phép chính thức lại” - bà Thuý, thông tin. 

Thế nhưng, theo ghi  nhận, phía Công ty MGA Việt Nam vẫn tiến hành xây dựng ngay tại vị trí xây dựng trái phép tượng Bà Chúa xứ trước đây để làm nơi đặt tượng phật A di đà. 

Giải thích về vấn đề này, bà Thúy nhìn nhận: “Nếu làm đúng quy định, là phải xử phạt liền và dừng toàn bộ việc thi công. Nhưng trong giai đoạn hỗ trợ nhà đầu tư nên Sở báo cáo UBND tỉnh để có văn bản hướng dẫn cụ thể hướng xử lý tiếp theo. Mình thực hiện theo quy định là được, nhưng với tỉnh như An Giang cần phải có nhà đầu tư đến nên cũng phải có những cái uyển chuyển. Phải có thiết kế mới cấp phép xây dựng tạm được, nhưng Công ty MGA Việt Nam chưa có nên mình cho nợ luôn phần đó”…

Theo như câu trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh An Giang tức là nhà đầu tư được thực hiện ý tưởng trước khi có quy hoạch 1/500 và giao đất trên thực địa (!) – đây là câu hỏi mà Báo CAND cũng như dư luận tại tỉnh An Giang muốn được ngành chức năng tỉnh An Giang giải thích tận tường… 

Thế nhưng, liên quan đến những sai phạm của Công ty MGA Việt Nam tại An Giang, Phóng viên Báo CAND đã hẹn làm việc với ông Nguyễn Bảo Trung, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, người phát ngôn của UBND tỉnh An Giang vào ngày 14-3-2019. Tuy nhiên, khi làm việc trực tiếp, ông Trung lại yêu cầu Phóng viên gửi nội dung câu hỏi và sẽ trả lời bằng văn bản.

 Chiều cùng ngày, câu hỏi được gửi qua hộp thư điện tử và ông Trung xác nhận đã nhận được với lời hứa sẽ trả lời sớm. Đến nay đã gần 2 tháng, dù đã nhiều lần hứa hẹn nhưng người phát ngôn của UBND tỉnh An Giang vẫn thất hứa không trả lời báo chí… Đến khi bài viết phản ánh vụ việc được đăng tải trên Báo CAND Online thì hôm nay (9-5), Cán bộ Văn phòng UBND tỉnh An Giang mới liên hệ PV để gửi câu trả lời...

Đầu tư du lịch tâm linh theo kiểu “mì ăn liền”

Theo tìm hiểu và ghi nhân của PV Báo CAND, thì hầu hết các tượng phật được Công ty MGA Việt Nam thực hiện trong dự án thì chất liệu composite - nhựa. Thậm chí, tượng Bà Chúa Xứ trái phép mà Công ty MGA Việt Nam đã bị cơ quan chức năng yêu cầu tháo dỡ cũng được làm bằng composite, dù kích thước cao đến hơn 20m và được đặt trên đỉnh núi. Trong diễn biến khác, ngày 16-4-2018, UBND tỉnh An Giang có công văn số 405 gửi Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đề nghị có ý kiến đối với việc xây dựng các hạng mục tín ngưỡng tôn giáo theo truyền thống Phật giáo trên đỉnh Núi Sam, thuộc Khu di tích, danh thắng cấp quốc gia Núi Sam. Trong đó, đề nghị cho phép Công ty MGA Việt Nam xây dựng 20 pho tượng Phật bằng composite - nhựa trên đỉnh núi này. Đến ngày 18-5-2018, Bộ VHTT&DL có công văn trả lời UBND tỉnh An Giang nêu rõ, Khu di tích Núi Sam được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá, danh lam - thắng cảnh Quốc gia năm 1980, với một số hạng mục di tích chính… trong đó, tâm điểm là Miếu Bà Chúa Xứ.

Lối kiến trúc của Công ty MGA Việt Nam bị cho là “ngoại lai” không liên quan gì đến Miếu Bà Chúa Xứ nhưng lại mượn danh để trục lợi kinh doanh.

 “Việc đề xuất xây dựng gần 20 pho tượng mang tính chất Phật giáo có kích thước lớn bằng vật liệu mới (composite - nhựa) sẽ làm phá vỡ không gian cảnh quan của di tích và không phù hợp với lịch sử thờ tự cũng như ý nghĩa của các công trình tín ngưỡng, tôn giáo hiện có. Đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư nghiên cứu việc phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh này bằng các hình thức khác. Về lâu dài, UBND tỉnh An Giang cần giao Sở VHTT&DL lập quy hoạch tu bổ, tôn tạo Khu di tích, danh thắng Núi Sam để làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy giá trị” – công văn trả lời nêu rõ.

Thế nhưng, sau đó UBND tỉnh An Giang tiếp tục có công văn xin Bộ VHTT&DL cho Công ty MGA Việt Nam được đặt 3 pho tượng Phật A di đà cao 22m (vẫn là chất liệu nhựa), tượng Phật ngọc và tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn trên đỉnh Núi Sam. Trong văn bản trả lời của Bộ VHTT&DL cho rằng việc xây dựng trên là phù hợp với quy hoạch nhưng chỉ có đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo cơ quan chức năng lập thành dự án xây dựng tượng Phật A di đà theo quy định. Công văn trả lời không nhắc đến 2 tượng Phật còn lại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tượng Quan âm Thiên thủ thiên nhãn đã được dựng lên tại Đền Quan âm, Tượng Phật ngọc tại Đền Phật ngọc để đưa vào khai thác, bán vé thu tiền du khách. Còn tượng Phật A di đà hiện vẫn được công nhân tiến hành xây dựng chân đế, cầu thang dẫn lên nền sân, nơi từng xây dựng trái phép tượng Bà Chúa Xứ trái phép trước đây.

Tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn bằng nhựa tại Đền Quan âm trên đỉnh Núi Sam.

Xung quanh tượng Phật được làm bằng chất liệu composite, Tiến sĩ Ngô Quang Láng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh An Giang khẳng định: “Tượng bằng chất liệu nhựa mau hỏng, rẻ tiền và không bảo đảm được tính chất văn hoá lẫn tính tâm linh. Các tượng Phật phải bằng đá, bằng đồng hay thấp nhất là bê tông cốt thép, chứ ai làm bằng nhựa, hạ cấp như vậy. Đây rõ ràng là một hình thức lợi dụng tính ngưỡng để kinh doanh, một kiểu đầu tư “mì ăn liền”, kinh doanh chụp giật lợi dụng yếu tố tâm linh”.

Mượn “thương hiệu” Bà Chúa Xứ để trục lợi kinh doanh

Nói về việc Công ty Cổ phần MGA Việt Nam được đặt tên Khu du lịch Văn hoá tâm linh Bà Chúa Xứ - Cáp treo Núi Sam”, Bí thư - Chủ tịch UBND TP Châu Đốc Lâm Quang Thi cho rằng, không rõ ý nhà đầu tư như thế nào. “Nhưng khi thành lập doanh nghiệp hoặc xin chủ trương đầu tư mà không trái quy định pháp luật thì cơ quan chức năng cấp phép thôi. Còn bên trong như thế nào thì mình chưa rõ được”, ông Lâm Quang Thi nói.

Còn Tiến sĩ Ngô Quang Láng nhận định, hầu như tất cả các tượng của Công ty Cổ phần MGA Việt Nam, tất cả các công trình này đều không qua một hội đồng thẩm định, hội đồng giám định, hội đồng khoa học nào cả. Từ kích cỡ đến các vấn đề khác đều không được một hội đồng nghiêm túc xét duyệt. Cho nên, họ muốn dựng chỗ nào thì dựng, muốn để bao cao thì để.

 “Còn về tên thì doanh nghiệp có quyền đặt, nhưng rõ ràng cái tên này nhập nhằng, lợi dụng “thương hiệu” Bà Chúa Xứ. Tại sao Công ty MGA không để đây là một công ty Cáp treo Núi Sam, họ có làm được khu văn hoá tâm linh không mà để là khu văn hoá tâm linh Bà Chúa Xứ (!)” – Tiến sĩ Láng, bức xúc.

Công ty MGA Việt Nam vẫn tiến hành xây dựng ngay tại vị trí xây dựng trái phép tượng Bà Chúa Xứ trước đây để làm nơi đặt tượng phật A di đà, dù giấy phép xây dựng tạm đã hết hạn.

Đồng quan điểm, Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Việt Nam Nguyễn Hữu Hiệp chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý: “Tại sao có thể chấp nhận một kiến trúc mang tính “đối trọng” với Miếu Bà Chúa Xứ ngay trong khu vực như vậy. Chùa lại giống nhà thờ, mà trong nhà thờ lại có Phật sư. Muốn xây dựng cái này phải có bản vẽ rõ ràng, chứ đâu phải muốn xây gì thì xây, cơ quan quản lý nhà nước ở đâu (!). Mái chùa phải thiết kế theo truyền thống, có mái cong, xây chùa thì không thể ra… nhà thờ”. 

Nhà nghiên cứu Văn hoá dân gian Việt Nam Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, việc để Công ty MGA Việt Nam đặt tên “Khu văn hoá du lịch tâm linh Bà Chúa Xứ - Cáp treo Núi Sam” theo kiểu lập lờ, mượn danh này thì UBND TP Châu Đốc và Sở VHTT&DL phải có trách nhiệm. Bởi hiện nay, dự án này không hề có một chút gì liên quan đến Bà Chúa Xứ, ngoại trừ toan tính xây dựng trái phép tượng Bà Chúa Xứ bằng nhựa trên đỉnh núi trước đây đã bị cơ quan chức năng buộc tháo dỡ và xử phạt. 

Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, Công ty MGA Việt Nam đặt 12 thùng công đức là biểu hiện rõ nhất của việc “buôn thần bán thánh”. Ở miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam có thùng công đức nhưng có Ban Quản trị, có sự quản lý, giám sát gắn liền với Nhà nước. Còn Công ty MGA Việt Nam là một nhà đầu tư kinh doanh, không phải một cơ sở tâm linh mà đặt thùng công đức là để “kinh doanh thần thánh” do chính công ty “tô vẽ” nên…

Đừng để mất thiêng

Theo Tiến sĩ Ngô Quang Láng, ngành chức năng địa phương phải xác định rõ giá trị của Khu di tích, danh thắng Núi Sam là gì để phát huy. Cái cần đầu tư ở Núi Sam bây giờ là những công trình phụ trợ để phát triển du lịch, những cơ sở lưu trú, ẩm thực, nơi biểu diễn văn hoá văn nghệ để làm sao giữ khách ở lại. 

“Đó mới là cái đầu tư. Hiện giờ, các ngành chức năng tỉnh An Giang chưa thấy rõ những hậu quả do Công ty MGA Việt Nam gây ra, nhưng với cách làm ăn chụp giật này sẽ làm mất dần đi những giá trị căn bản của khu di tích lịch sử, khu du lịch quốc gia Núi Sam, sẽ ảnh hướng rất lớn tới lượng khách đến. Bởi vì yếu tố thiêng không còn. Nói hoạch ra là du lịch về Châu Đốc, An Giang là yếu tố thiêng. Một khi bị thương mại hoá thì yếu tố thiêng không còn nữa, lúc đó sẽ không còn ai đến nữa” – Tiến sĩ Láng, nhận định.




Trần Lĩnh
.
.
.