“Hamlet”của Nhà hát kịch Việt Nam xuất ngoại:

Cú hích đầu tiên trong lộ trình xã hội hóa sân khấu

Thứ Bảy, 19/03/2016, 11:42
Là nhà hát nổi tiếng từ hơn nửa thế kỷ trước với những nghệ sĩ và vở diễn làm rạng danh nền sân khấu Việt Nam, nhưng có nhiều năm, Nhà hát Kịch Việt Nam (NHKVN) gần như “biến mất” trong làng sân khấu. Bất ngờ 3 năm gần đây, Nhà hát dần lấy lại phong độ với hàng loạt vở diễn. 

Đặc biệt, với “Hamlet” của đạo diễn Nguyễn Anh Tú, NHKVN không chỉ “làm nên chuyện” khi đã bán vé với mức giá 1 triệu đồng/vé trong bối cảnh sân khấu rất khó khăn, mà còn được một số doanh nghiệp tìm đến hợp tác, đưa vở diễn vào TP Hồ Chí Minh và còn sẽ lưu diễn tại Singapore từ 23 đến 27-3-2016. 

Ông Nguyễn Thế Vinh trả lời phỏng vấn về chuyến lưu diễn đến Singapore.

Xu thế xã hội hóa là tất yếu và năm 2016 là năm đầu tiên 8 Nhà hát của Bộ VHTTDL bước vào lộ trình này. Vì thế để tìm hiểu về bước đầu thành công của NHKVN,  sau cuộc họp báo của NHKVN giới thiệu về chuyến đi tổ chức tại Hà Nội ngày 18-3, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc NHKVN:

+ Từ việc đánh mất thương hiệu của một Nhà hát hàng đầu, đến tạo bước ngoặt lần đầu tiên, một vở chính kịch được đưa ra nước ngoài trình diễn trọn vẹn theo hình thức xã hội hóa, là một câu chuyện khá thú vị. Ông có thể chia sẻ về “bí quyết” thay đổi của NHKVN được không?

Ông Nguyễn Thế Vinh: Trong cơn lốc của nền kinh tế thị trường, nghệ thuật sân khấu kịch nói gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi tìm khán giả. Mặc dù là một Nhà hát có bề dày thành tích, nhưng NHKVN cũng không nằm ngoài vòng xoáy khắc nghiệt này. 

Chúng tôi hiểu rằng, khi đời sống nghệ sĩ còn khó khăn thì khó có tư duy nghệ thuật hay được. Nhưng muốn nghệ sĩ sang trọng để có tư thế và tâm thế làm nghệ thuật đỉnh cao, phải cải thiện đời sống tinh thần và đời sống vật chất cho họ, mới thắp thêm niềm tin và tình yêu đối với Nhà hát. Với quan điểm đó, với tinh thần “không gì là không thể”, chúng tôi quyết tâm cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, để đưa “con thuyền” NHKVN lội ngược dòng trên hành trình đi tìm giá trị của chính mình, giá trị “anh cả đỏ” của làng kịch nghệ Việt Nam, để tiếp tục chinh phục nghệ thuật, nhằm kéo khán giả đến rạp bằng những sản phẩm chất lượng đỉnh cao. Những vở kịch mang đúng phong cách NHKVN lần lượt ra đời: “Tai biến”, “Lâu đài cát”, “Bệnh sĩ” và mới nhất là “Hamlet” của đại thi hào Shakespeare do NSND Anh Tú dàn dựng, đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Nhiều vở kịch được diễn hàng trăm đêm, để lại ấn tượng trong lòng khán giả. 

Cụm từ “Anh cả đỏ” gắn liền với tên NHKVN đã xuất hiện trở lại, vang trên trên mọi miền đất nước và trên các Liên hoan sân khấu quốc tế ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia và tới đây, là đảo quốc Singapore.

Chúng tôi hiểu rằng, xã hội hóa là con đường cần thiết để phát triển sân khấu. Nhưng muốn xã hội hóa, muốn hợp tác với các doanh nghiệp lớn, càng phải có tác phẩm nghệ thuật có chất lượng vì không đơn vị nào hợp tác với những sản phẩm không có uy tín. “Hamlet” ra đời chính là bước đi đầu tiên trong chiến lược phát triển của Nhà hát.

Cảnh trong vở Hamlet.

+ Chuyến “xuất ngoại” lần này của NHKVN có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Vinh: Chuyến lưu diễn Singapore của NHKVN hoàn toàn khác với những chuyến biểu diễn ở nước ngoài trước đây. Chuyến đi là sự phối hợp giữa NHKVN với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đại Sứ quán Việt Nam tại Singapore và Tập đoàn Tân Hiệp Phát, để hưởng ứng “Năm Shakespeare toàn cầu 2016” và nhằm giới thiệu sân khấu Việt Nam với bạn bè quốc tế, tạo cơ hội giao lưu, hợp tác ở nước ngoài. 

Chúng tôi “mang chuông đi đấm nước người” với một tác phẩm sân khấu lớn, một vở kịch kinh điển châu Âu để biểu diễn cho những đối tượng khán giả rất sành về nghệ thuật ở một đất nước sinh hoạt văn hóa nghệ thuật cao như Singapore: Gần 1.000 khán giả sẽ có mặt tại đêm biểu diễn “Hamlet” tại Nhà hát Victoria tối 25-3, có 50% là những người làm nghệ thuật của Singapore, 50% là quan chức ngoại giao và người Việt Nam. Vở diễn sẽ có phụ đề tiếng Anh. 

Được biểu diễn tại Nhà hát Victoria, nhà hát cổ điển lâu đời nhất “đảo quốc sư tử”, có tiêu chuẩn quốc tế,  là niềm khao khát của mỗi nghệ sĩ NHKVN.

Chuyến đi là sự khởi đầu cho lộ trình xã hội hóa của NHKVN. Vì thế, thành công của chuyến đi sẽ là cú hích để kích thích niềm đam mê sáng tạo và khát khao chinh phục nghệ thuật đỉnh cao của các nghệ sĩ, để có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đích thực, khẳng định thương hiệu của một Nhà hát Kịch quốc gia. Đây cũng chính là định hướng phát triển mang tầm chiến lược của NHKVN, nhằm thắp lại ngọn lửa tin yêu trong lòng khán giả với sân khấu kịch.

+ Được biết, hành trình mang “Hamlet” ra nước ngoài sẽ bắt đầu từ Singapore và kết thúc ở Anh vào cuối 2016. Tại sao Nhà hát không đưa “Hamlet” đến với khán giả Việt Nam nhiều hơn?

Ông Nguyễn Thế Vinh: Theo kế hoạch, Tân Hiệp Phát sẽ tiếp tục đồng hành với NHKVN không chỉ trong việc giới thiệu sân khấu Việt Nam qua vở “Hamlet”, mà còn nhiều hoạt động khác. Bên cạnh việc đưa “Hamlet” đi lưu diễn ở nước ngoài, chúng tôi sẽ biểu diễn “Hamlet” tại nhiều thành phố lớn như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Đưa Hamlet ra nước ngoài biểu diễn, chúng tôi muốn tạo ảnh hưởng từ nước ngoài về Việt Nam để công chúng trong nước quan tâm hơn.

+ Ngoài biểu diễn “Hamlet”, trong chuyến lưu diễn Singapore lần này, NHKVN sẽ có những hoạt động gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Vinh: Chúng tôi sẽ tổ chức một chương trình giao lưu đặc biệt với sự góp mặt của các nghệ sỹ sân khấu tên tuổi: NSND Anh Tú, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Trung Anh, nghệ sĩ Phú Đôn, NSƯT Việt Thắng, NSƯT Chí Trung, NSƯT Ngọc Huyền, NSND Lê Khanh, NSƯT Công Lý, NSND Tự Long… 

Các nghệ sĩ sẽ mang đến những câu chuyện nghề và đời rất thú vị. Đặc biệt, các nghệ sĩ Xuân Bắc, Chí Trung, Tự Long và Công Lý sẽ biểu diễn “Táo quân sau Tết” và còn nhiều tiết mục hài đặc sắc, mới mẻ, dành tặng các bạn sinh viên Việt Nam đang theo học tại Singapore. Chúng tôi sẽ dành tặng 3 suất học bổng cho các bạn sinh viên Việt Nam xuất sắc nhất.

+ Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.