Công trình “Khảo cổ học Nam bộ” được trao giải thưởng Trần Văn Giàu

Thứ Bảy, 31/08/2019, 17:20

Ngày 31-8, Ủy ban giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu tổ chức lễ trao giải lần thứ 9 cho công trình nghiên cứu “Khảo cổ học Nam bộ” gồm 2 tập (Thời Tiền sử và Thời Sơ sử) do PGS.TS Bùi Chí Hoàng làm chủ nhiệm.


Công trình nghiên cứu “Khảo cổ học Nam bộ” gồm 2 tập - Thời Tiền sử và Thời Sơ sử do nhóm tác giả PGS.TS Bùi Chí Hoàng (chủ nhiệm), TS. Nguyễn Quốc Mạnh, TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên (thuộc Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)… thực hiện.
Công trình nghiên cứu “Khảo cổ học Nam bộ” gồm 2 tập (Thời Tiền sử và Thời Sơ sử).

Theo PGS.TS Bùi Chí Hoàng, công trình này được hình thành trên nền tư liệu thu thập từ dự án “Điều tra cơ bản và hệ thống hóa tư liệu khảo cổ học vùng Nam bộ giai đoạn 1976 – 2005” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho Trung tâm Khảo cổ học - Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ thực hiện từ năm 2006 – 2010. Dự án này là chương trình nghiên cứu để có một cái nhìn toàn diện về khảo cổ học ở Nam bộ. Công trình đã được hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước xếp loại xuất sắc vào năm 2012.

Sau đó, nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hệ thống hóa tư liệu, đồng thời cập nhật những phát hiện mới, để đến năm 2012 biên soạn thành bộ sách “Khảo cổ học Nam bộ - Thời Tiền sử và Thời Sơ sử” do NXB Khoa học xã hội xuất bản.

Nhóm tác giả nhận giải.

Nói về công trình này, PGS.TS Nguyễn Văn Lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu, cho biết hội đồng giám khảo đánh giá rất cao công trình khoa học “Khảo cổ học Nam bộ”, kết tinh những thành tựu nghiên cứu của nhiều nhà sử học và khảo cổ học.

Cũng theo PGS.TS Bùi Chí Hoàng, với lượng thông tin đồ sộ về điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người từ các nguồn uy tín và những hiện vật quý được phát hiện, công trình góp phần khắc họa diện mạo của vùng đất Nam bộ thời Tiền sử và Sơ sử. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu của các ngành khoa học khác nhau, đặc biệt là nền tảng cho những nghiên cứu tiếp theo về quá trình khai phá vùng đất Nam bộ sau này.

Đóng góp quan trọng của công trình này là xác lập một cách cơ bản các tiểu vùng văn hóa trên cả vùng Nam bộ và nêu lên được những đặc trưng chung và riêng thông qua hệ thống các loại hình di vật phát hiện trong các di tích mà trong đó quan trọng nhất là đồ gốm qua các giai đoạn phát triển. 

Công trình hướng tới việc xác lập hệ thống dữ liệu khoa học cơ bản để có thể nhận thức một cách rõ ràng hơn về giá trị văn hóa, trật tự và quá trình phát triển, các yếu tố nội sinh, ngoại sinh để nhận diện các mối quan hệ văn hóa – kinh tế - thương mại giữa Nam bộ và các vùng văn hóa khác trong khu vực…

Kể từ khi thành lập năm 2002 theo nguyện vọng của cố GS. NGND Trần Văn Giàu, đến nay Ủy ban Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu đã hoạt động được 17 năm, được trao cho các công trình thuộc hai lĩnh vực lịch sử và lịch sử tư tưởng tại Nam bộ và cực Nam Trung bộ (từ Ninh Thuận đến Cà Mau).


Phú Lữ
.
.
.