Công tác vận động tài trợ cho SEA Games 31: Cần những chuyển động mạnh mẽ

Thứ Bảy, 19/12/2020, 09:25
Cho đến lúc này, vẫn chưa có quá nhiều thông tin về công tác vận động tài trợ cho SEA Games 31 năm 2021 tại Việt Nam. Trong khi đó, còn chưa đầy một năm nữa sẽ đến ngày khai mạc SEA Games 31.

Vẫn biết, công tác vận động tài trợ của kỳ này sẽ khó hơn rất nhiều so với khi Việt Nam đăng cai các đại hội thể thao quốc tế trước đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhưng như vậy lại càng mong nhìn thấy những chuyển động mạnh mẽ trong mảng việc này.

Những con số khiêm tốn

Tính từ năm 2003, Việt Nam đã có 3 lần đăng cai các đại hội thể thao lớn. Đầu tiên là SEA Games 22 năm 2003 rồi đến Đại hội thể thao trong nhà châu Á (ASIAN Indoor Games) vào năm 2009 và Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (ASIAN Beach Games) năm 2016.

Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT trao kỷ niệm chương cho các nhà tài trợ tại chương trình “Khởi động cùng SEA Games và ASEAN Para Games 11”.

Trong lần đăng cai SEA Games 22, công tác vận động tài trợ được xem là gặp nhiều thuận lợi nhất do sự kiện có sức hút đặc biệt tại Việt Nam, được nhiều doanh nghiệp chú ý. Khi ấy, Ban tổ chức Đại hội vận động được một nguồn tài trợ 70 tỷ đồng (tính cả tiền mặt và hiện vật), tương đương khoảng 4,5 triệu USD so với tỷ giá khi đó. Nhiều chuyên gia tiếp thị đã cho rằng nếu chủ động hơn, Ban tổ chức SEA Games khi đó hoàn toàn có thể đạt mức tài trợ cao hơn nhiều. 

Tuy nhiên, trong lần đầu đăng cai một sự kiện thể thao lớn như vậy (tất nhiên là so với Việt Nam) có thể chia sẻ với những người có trách nhiệm chưa có kinh nghiệm vận động tài trợ. Ngoài ra, giai đoạn trước SEA Games 22, ngành Thể thao và các ngành liên quan còn phải giải quyết tối đa công tác chuyên môn, hoàn tất hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, thi đấu cũng như hậu cần, an ninh…

Đến Đại hội Thể thao trong nhà châu Á năm 2009, khi không phải chú trọng quá nhiều vào khâu xây dựng cơ sở vật chất nhưng phía Ban tổ chức cũng không thể nâng mức tài trợ cao hơn so với SEA Games 22. Vấn đề còn nằm ở các môn thi đấu của Đại hội Thể thao trong nhà châu Á năm 2009 khá lạ lẫm với người Việt Nam, sức hút của Đại hội cũng kém xa SEA Games. 

Không kể, trước đó xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu khiến các doanh nghiệp phải thắt chặt hầu bao. Cũng vì thế, công tác vận động tài trợ cho sự kiện này chỉ thu được khoảng 30 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là sản phẩm dịch vụ. Khâu vận động tài trợ bị đánh giá là không như kỳ vọng bởi không sớm kết hợp được với truyền thông sự kiện.

Cho đến Đại hội Thể thao bãi biển châu Á năm 2016, công tác vận động tài trợ vẫn bị động trong việc kết hợp truyền thông cũng như tìm kiếm các nhà tài trợ. Phải rất khó khăn, khâu này mới hoàn thành mục tiêu vận động được 25 tỉ đồng, tính cả tiền mặt và hiện vật.

Hy vọng đạt mục tiêu

SEA Games 31 được xem là cơ hội tốt nhất để khâu vận động tài trợ khẳng định vai trò. Sự kiện này có đầy đủ điều kiện để các doanh nghiệp phải quan tâm, trong đó rõ nhất là có sức hút mạnh mẽ với người hâm mộ thể thao Việt Nam. Những thắng lợi của thể thao Việt Nam ở đấu trường SEA Games trong những năm qua, dự báo về những chiến thắng của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 sẽ càng khiến sự quan tâm của người hâm mộ tăng lên.

Đương nhiên, các doanh nghiệp cũng không thể đứng ngoài cuộc dù hiện tại hầu hết đều đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Điều này đã được chứng tỏ ở chương trình “Khởi động cùng SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11” diễn ra hồi tháng 11 tại Hà Nội. Chương trình này thu hút khá nhiều nhà tài trợ, đủ thấy sức hút của SEA Games với các doanh nghiệp.

Những thông tin gần đây nhất cho thấy, một doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước cũng đang muốn góp mặt tài trợ tại SEA Games 31. Đại diện doanh nghiệp trang phục thể thao World Sport cho hay cũng đang tính đến việc tham gia tài trợ tại SEA Games 31. Trong khi đó, một số doanh nghiệp kinh doanh thiết bị, trang phục thể thao khác tại Việt Nam cũng đang lên kế hoạch tài trợ tại SEA Games 31, trong đó tập trung đưa càng nhiều nhãn hàng mà đơn vị đang phân phối tại Việt Nam có mặt ở các địa điểm thi đấu, các sự kiện của SEA Games 31 càng tốt.

Tất cả để thấy rằng công tác vận động tài trợ vẫn sẽ gặp thuận lợi nhất định để có thể đạt mục tiêu huy động khoảng 70 tỷ đồng (mức tương đương so với SEA Games 22 cách đây đã 17 năm và cũng khá khiêm tốn so với thời giá hiện nay). Quan trọng nhất là guồng máy vận động tài trợ của Ban tổ chức phải vào cuộc mạnh mẽ. Ai cũng hiểu, việc vận động tài trợ cho một sự kiện như SEA Games 31 ít nhất cũng phải được tiến hành từ khoảng 2 năm trước ngày khai mạc. 

Cho nên việc thực sự bắt tay vào công tác vận động tài trợ trong khoảng 1 năm trước SEA Games 31 được xem là muộn và mang đến những khó khăn không đáng có. Rõ nhất là việc các doanh nghiệp đã chốt kế hoạch tài chính cho năm tới nên nếu bây giờ mới đặt vấn đề vận động tài trợ với doanh nghiệp thì đã muộn và sẽ khó huy động tài trợ hơn.

Đương nhiên cũng có nghi ngại từ nhiều doanh nghiệp về việc SEA Games 31 liệu có diễn ra như kế hoạch khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khiến nhiều sự kiện thể thao trên thế giới phải hoãn, hủy. Nhưng đấy là câu chuyện khác. Còn trước mắt, điều nhiều người muốn nhìn thấy vẫn là những cuộc ra mắt các nhà tài trợ cho SEA Games 31. Tuy vậy, lúc này vẫn chưa có cuộc ra mắt đáng chú ý nào dù ai cũng hiểu, doanh nghiệp ký kết hợp đồng tài trợ càng sớm thì càng có nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh.

Vì thế, càng cần đến sự chủ động của những người có trách nhiệm với công tác vận động tài trợ thuộc Ban tổ chức SEA Games 31 để việc này không vào cảnh “nước đến chân mới nhảy”.

Doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến SEA Games 31

Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam, mà đã có cả doanh nghiệp nước ngoài, tại Đông Nam Á, chuyên về trang phục thể thao mong muốn được tài trợ cho SEA Games 31, trong đó có đoàn thể thao Việt Nam. Hiện tại doanh nghiệp đang chờ câu trả lời từ phía Việt Nam. Rõ ràng, điều này thêm một lần cho thấy sức hút riêng của SEA Games.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.