Chữ quốc ngữ ra đời tại Quảng Nam?

Thứ Tư, 24/08/2016, 10:38
Trú sở Thanh Chiêm là nơi đào tạo tiếng Việt bài bản theo cách thức mới từ phương Tây, mà Pina là người có công khai phá và A-lếch- xăng- đờ- rốt là người kế nhiệm, hoàn chỉnh.

 

Sáng 24-8, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo khoa học “Dinh trấn Thanh Chiêm (DTTC) và chữ quốc ngữ”, thu hút gần 70 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã làm sáng tỏ vai trò của DTTC, huyện Điện Bàn (nay là xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) cũng như sự ra đời của chữ quốc ngữ trên mảnh đất Quảng Nam.

Gần 70 tham luận tại hội thảo đã khẳng định vai trò quan trọng của DTTC và chữ quốc ngữ trên đất Quảng Nam.

Nhà nghiên cứu Phan Thị Lệ Dung (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng DTTC được coi là thủ phủ thứ hai của Đàng Trong (bên cạnh Dinh trấn Thuận Hóa), được Chúa Nguyễn Hoàng cho “cơ chế” toàn quyền định đoạt mọi việc của Dinh trấn, là nơi thực tập, đào luyện các thế tử, là nơi thực thi chính sách mở cửa với các điều kiện tối ưu nhằm xây dựng một hậu phương vững chắc làm bàn đạp mở rộng bờ cõi về phương Nam.

Đối với các giáo sĩ dòng Tên khi đến truyền đạo, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) đã cho phép họ đến Hội An, đến Thanh Chiêm, Đà Nẵng, Nước Mặn - những trung tâm thương mại sầm uất - để giảng đạo và buôn bán, cho phép họ có thể “xây cất một thành phố với tất cả những gì cần thiết, cũng như người Tàu và người Nhật đã làm”.

Nhờ quan hệ tốt với thế tử Nguyễn Phúc Kỳ ở DTTC nên linh mục Francisco de Pina đã lập một trụ sở mới ở đây vào khoảng cuối năm 1624, đầu năm 1625 và đến tháng 5-1625, Pina chính thức trở thành Cha bề trên quản nhiệm trú sở truyền giáo.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, phát biểu tại hội thảo.

Không chỉ có hoạt động nghiên cứu và sáng tạo chữ quốc ngữ, tại trú sở Thanh Chiêm, Pina là thầy dạy tiếng Latinh cho các thầy giảng người Việt, vừa là dạy tiếng Việt cho 2 giáo sĩ dưới quyền mới đến hồi cuối năm 1624 là Antonio de Pina Fontes và Đắc Lộ, người mà sau này được Pháp tôn vinh, một cách có dụng ý, như là ông tổ của chữ quốc ngữ.

Có thể nói, trú sở Thanh Chiêm là nơi đào tạo tiếng Việt bài bản theo cách thức mới từ phương Tây, mà Pina là người có công khai phá và A-lếch- xăng- đờ- rốt là người kế nhiệm, hoàn chỉnh.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng việc tổ chức hội thảo lần này nhằm khẳng định vai trò, vị thế của DTTC và chữ quốc ngữ trên đất Quảng Nam.
Ngọc Thi
.
.
.