Chợ tình Xuân Dương - Ngày hội của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn

Thứ Tư, 01/05/2019, 09:56
“Đến hẹn lại lên”, cứ vào dịp 25-3 (âm lịch) hằng năm, Chợ tình Xuân Dương - nét văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc nơi đây và thu hút sự viếng thăm của nhiều du khách thập phương.

Đến với Chợ tình Xuân Dương năm nay, ngày 29-4 không chỉ là nam thanh, nữ tú từ khắp các bản làng trong huyện mà bà con vùng lân cận của tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên... cũng tưng bừng về dự hội. Chợ tình năm nay được tổ chức vào dịp nghỉ lễ nên thu hút đông đảo người dân tham gia. Vì vậy công tác đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT), trật tự an toàn giao thông đã được lực lượng chức năng đặc biệt quan tâm để góp phần vào thành công chung của ngày hội.

Phiên chợ đặc biệt chỉ diễn ra vào một ngày duy nhất trong năm nên từ sáng sớm, trên khắp mọi nẻo đường của núi rừng đã thấp thoáng bóng người tìm đến hội. Đồng bào các dân tộc từ các bản làng lặn lội tới đây không phải để mong chờ sẽ bán hay mua được thứ hàng hóa cần thiết cho mình nhưng ai cũng náo nức trong lòng. 

Có lẽ là bởi ai khi đến với chợ tình Xuân Dương đều đã hiểu được ý nghĩa sâu sắc của phiên chợ duy nhất trong năm này. Truyện kể rằng, ngày xưa, tại vùng đất họp chợ bây giờ, có đôi vợ chồng nghèo thương yêu nhau hết mực. 

Hát sli, hát lượn là hoạt động không thể thiếu tại chợ tình.

Một ngày nọ, hai vợ chồng cùng làm đồng, chồng cuốc cuối ruộng, vợ phát cỏ nơi đầu ruộng. Một viên quan đi qua thấy người phụ nữ đẹp đã cho quân bắt nàng mang đi. Người vợ chống cự, kêu cứu thảm thiết nhưng do thửa ruộng quá dài, người chồng không nghe thấy. Sau này, nàng có dịp trở lại quê, vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, nhưng cũng chỉ biết ôm nhau khóc chứ không thể hàn gắn, bởi  mỗi người đã có một gia đình riêng của mình. Dân làng biết chuyện ai nấy đều cảm động. 

Năm tháng trôi qua, bên bếp lửa nhà sàn, các thế hệ đồng bào dân tộc vùng cao Na Rì đã tiếp truyền lại cho nhau câu chuyện tình nghĩa vợ chồng đầy cảm động ấy. 

Ngày nay, hoạt động giao thông đã thuận lợi, du khách đến đây với mong muốn tìm hiểu truyền thống của lễ hội, chứng kiến các sinh hoạt trong ngày hội mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây. Người đến với ngày hội Chợ tình Xuân Dương sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sắc của người vùng cao như cơm lam, lợn quay, thịt treo, bánh ngô…, được chiêm ngưỡng nét đẹp từ các bộ trang phục của đồng bào dân tộc. Chợ còn nhộn nhịp với những sinh hoạt văn hóa đậm chất dân gian như: Múa khèn, hát sli, hát lượn, các trò chơi bịt mắt đánh trống, đi cà kheo…

Để phục vụ tốt nhu cầu của du khách đến với Chợ tình Xuân Dương. Công tác đảm bảo ANTT, trật tự an toàn giao thông, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được lãnh đạo huyện Na Rì và xã Xuân Dương đặc biệt chú trọng, trong đó lực lượng Công an huyện, Công an xã với vai trò nòng cốt đã tăng cường lực lượng chốt, phân luồng đảm bảo cho du khách đi lại an toàn và thuận lợi cũng như không để xảy ra tình trạng trộm cắp tài sản... 

Ông Lô Văn Lê, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Hằng năm xã vẫn duy trì tổ chức hội chợ vùng cao này, do vậy công tác đảm bảo ANTT là vấn đề quan tâm hàng đầu. Để bà con trẩy hội an toàn, Ban tổ chức triển khai kế hoạch trong đó, lực lượng Công an huyện, Công an xã triển khai đến toàn thể Công an viên bố trí lực lượng đủ tại các điểm để kịp thời hỗ trợ khi có vụ việc gì xảy ra, vì vậy qua nhiều năm không xảy ra vấn đề gì, hội chợ đều diễn ra an toàn, thuận lợi...

Chợ tình Xuân Dương đã trở thành một nét đẹp văn hóa, truyền thống, có ý nghĩa nhân văn, một điểm đến hấp dẫn mà khi đến Bắc Kạn chúng ta không thể không nhắc đến. Qua nhiều năm, xã hội phát triển đi lên, cuộc sống của người dân nơi đây cũng có nhiều thay đổi, nhưng chợ tình Xuân Dương vẫn luôn tồn tại và mang trong mình sức hút đặc biệt, sức hấp dẫn khó tả. 

Dẫu đến một lần, nhưng chợ tình Xuân Dương sẽ mang đến cho du khách những cảm xúc mới lạ, những dư âm đặc biệt khó quên.

Ngọc Ánh – Đức Thuần
.
.
.