Cẩn trọng chữ nghĩa - sự tôn trọng độc giả

Thứ Năm, 26/05/2016, 12:05
Không cần "soi mói", người đọc vẫn có thể gặp nhiều "hạt sạn" chữ nghĩa trên báo chí hằng ngày. Trong vòng nửa tiếng đồng hồ truy cập một số trang báo điện tử, tôi đã "nhặt" được rất nhiều "hạt sạn" - những "hạt sạn" thể hiện sự thiếu trách nhiệm của người cầm bút. 


Đầu tiên là lỗi đánh máy, lỗi này không đáng kể lắm, nhiều khi phóng viên tác nghiệp trực tiếp, đánh máy vội, lỗi chữ là chuyện bình thường. Nhưng, sau phóng viên còn ban biên tập, thư ký tòa soạn, tổng biên tập duyệt trước khi đăng, đọc lại sau khi đăng thì lẽ ra những lỗi như thế không tồn tại lâu trên mặt báo. Thế mà một trang báo mạng lớn là V.N.N (xin viết tắt các tên báo được nhắc trong bài viết này) vẫn để yên những lỗi đánh máy suốt gần 2 năm trời, tính đến thời điểm này.

Trong bài "Giếng nước ngọt kỳ lạ giữa biển Đông" có câu: "Hàng trăm năm quan, lúc nào giếng cũng đầy ắp nước ngọt". Người viết gõ nhầm từ "qua" thành "quan". Bài này đăng ngày 9-7-2014, đến nay lỗi này vẫn chưa được sửa. Cũng cần nói thêm về tính chính xác của tiêu đề bài viết này: Giếng nước ngọt được nói đến trong bài viết này là ở trên đảo Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), chứ không phải ở "giữa biển Đông"!

Cũng trên trang này, có một cái tiêu đề gõ nhầm từ "phát hiện" thành "phát phiện" ("Đi tập thể dục phát phiện va li chứa nhiều tiền, vàng"). Bài đăng ngày 5-7-2014 nhưng đến nay lỗi đánh máy vẫn sờ sờ ra đó, dường như chẳng có ai quan tâm.

Lỗi dùng từ ngữ cũng đầy rẫy trên các báo. Xin đưa ra vài dẫn chứng:  Trang N.Đ.T, trong bài "Tin tức mới nhất khu vực giàn khoan Haiyang Shiyou 981", đã dùng từ "tuyên truyền" sai nghĩa: "Từ sáng 14-5, mặc dù tàu Cảnh sát biển (CSB) của Việt Nam 8003 đã phát loa công suất lớn nhằm tuyên truyền về hành vi xâm phạm trái phép này, tuy nhiên, chiếc tàu của Trung Quốc vẫn cố tình và ngang nhiên ngăn chặn và có những hành động xua đuổi chiếc tàu của Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".

Tại sao lại "tuyên truyền về hành vi xâm phạm trái phép"? Tuyên truyền là truyền ra cho mọi người ủng hộ, làm theo ("Từ điển tiếng Việt", NXB Từ điển bách khoa, 2013). Vậy trong trường hợp này, Cảnh sát biển đã tuyên truyền, vận động cho "hành vi xâm phạm trái phép" của Trung Quốc sao? Đáng lẽ phải tuyên truyền cho họ về chủ quyền lãnh hải bất khả xâm phạm của Việt Nam, về Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982. Cần thay từ "tuyên truyền" bằng từ "phản đối" thì câu này mới đúng.

Các trang có tên là T.T.T và K.14 dùng từ rất tùy tiện, chỉ xem qua, tôi đã thấy một cái tiêu đề rất kỳ lạ: "8 sự thật "cực phũ" về trường đại học". 

Lật mấy cuốn "Từ điển tiếng Việt" ra tra nhưng chẳng thấy từ "cực phũ" nào cả. Đọc toàn bài thì mới hiểu, "cực phũ" là cực... phũ phàng! Tiếng lóng xuất hiện nhan nhản trên nhiều trang báo điện tử hiện nay, như là: "cực đỉnh", "cực chất", "đứng hình", "bá đạo", "độc dị", "cứng", "bão", "thả rông", "tự sướng", "tỏ ra nguy hiểm", "dìm hàng", "khóa môi", "hại não"... Trước khi rời trang T.T.T này, tôi còn gặp một bài viết có tiêu đề với chữ "bí kíp" - "7 bí kíp ôn thi trong giai đoạn nước rút". Xem trang KH.tv, tôi lại bắt gặp thêm từ "bí kíp" này một lần nữa: "10 bí kíp để học nhanh và thành công bất cứ điều gì".

Xin thưa, "Từ điển tiếng Việt" không có từ "bí kíp", chỉ có từ "bí quyết". Bàn về vấn đề rất nghiêm túc là học hành, tại sao lại dùng từ một cách tùy tiện như vậy?

Trên T.P online, bài "Tặng, truy tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho chiến sĩ vụ máy bay rơi, ngày 9-7-2014" có một câu rất lủng củng: "Tại chương trình, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư Hà Thị Khiết đã trao 21 phần quà trị giá 5 triệu đồng một phần quà cho các gia đình".

Tại sao không viết "21 phần quà, mỗi phần quà trị giá 5 triệu đồng" mà diễn đạt lủng củng như vậy?

Và sau đây là một câu rườm rà, rắc rối, gây đau đầu người đọc (mà báo mạng hiện nay gọi là "hại não") trên báo điện tử Đ.T.N.V.N:

"Bằng sự nỗ lực vào cuộc không kể ngày đêm của các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học liên ngành như: hải dương học, địa chất thủy văn, động học dòng chảy, hóa học, sinh học, bệnh học, sinh thái, viễn thám, kỹ thuật hạt nhân... tính đến thời điểm ngày 26-4-2016 các kết quả phân tích cho thấy đã đủ căn cứ khoa học để loại trừ hầu hết các nhóm nguyên nhân tự nhiên từ địa chấn, sốc nhiệt, dịch bệnh... và khu trú tập trung vào hai nhóm nguyên nhân chính độc tố và tảo độc" (Bài "VN trong tuần: Bộ KHCN xác định nguyên nhân cá chết ở miền Trung". Trong câu này có từ "khu trú", tôi thực sự không hiểu, tra từ điển cũng không thấy có từ này.

Một bài trên báo mạng bị lỗi chính tả.

Diễn đạt kiểu như vậy làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Cần sửa câu này lại như sau: "Nhờ sự nỗ lực, khẩn trương, đến ngày 26-4-2016, các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học đã đủ căn cứ khoa học để loại trừ hầu hết các nhóm nguyên nhân tự nhiên từ địa chấn, sốc nhiệt, dịch bệnh... và tập trung vào hai nhóm nguyên nhân chính độc tố và tảo độc".

Thêm một câu (cũng trong bài này) đưa người đọc vào "mê hồn trận", đọc báo mà không khác gì đi vào khu rừng rậm: "Về vấn đề này, chủ trương của thành phố trước khi thực hiện là giao nhiệm vụ cho Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân triển khai công tác chỉnh trang cải tạo bề mặt tuyến phố Lê Trọng Tấn, UBND quận Thanh Xuân đã phối hợp với Sở Quy hoạch-Kiến trúc xây dựng phương án chỉnh trang mặt tiền các công trình thuộc tuyến đường Lê Trọng Tấn, thực hiện các công việc chỉnh trang theo đúng chỉ đạo của thành phố, hoàn thành đảm bảo chất lượng và tiến độ để hoàn thành công trình thí điểm tuyến phố đô thị kiểu mẫu của Thủ đô - một con đường đẹp ở cảnh quan, đẹp trong cách làm mô hình mới, phương thức quản lí mới, đẹp trong sự đồng thuận của nhân dân".

Câu này dùng từ sai, lặp, câu dài loằng ngoằng, rối như canh hẹ. Cần sửa lại như sau: "Về vấn đề này, lãnh đạo thành phố đã có chủ trương giao nhiệm vụ cho Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân triển khai công tác chỉnh trang, cải tạo bề mặt tuyến phố Lê Trọng Tấn. UBND quận Thanh Xuân đã phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng phương án thực hiện theo đúng chỉ đạo của thành phố, đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công. Đây là công trình thí điểm về tuyến phố đô thị kiểu mẫu của Thủ đô - một con đường có cảnh quan đẹp nhờ mô hình mới, phương thức quản lí mới và sự đồng thuận của nhân dân".

Trong khuôn khổ có giới hạn của bài viết, tôi không thể liệt kê hết những "hạt sạn" chữ nghĩa trên báo chí hiện nay. Tác phẩm báo chí không chỉ cần được quan tâm về nội dung, mà còn cần phải quan tâm đúng mức về hình thức, văn phong chữ nghĩa nữa. Thiết nghĩ, người cầm bút cần cẩn trọng hơn với chữ nghĩa, vì đó chính là sự tôn trọng độc giả.

Lê Xuân Chiến
.
.
.